Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tại Hội nghị giao ban Quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) mới đây, Cục Viễn thông cho biết Cục đang làm việc với Bộ Tài chính đề xuất ban hành giá cước trung bình theo Nghị định 25 và đang nghiên cứu đề xuất của các nhà mạng điều chỉnh mức trần khuyến mại cho thuê bao trả trước từ 20% hiện nay lên 50%.
Mức trần khuyến mại cho thuê bao trả trước đang được xem xét tăng từ 20% hiện nay lên 50%..
Trước đó, theo Thông tư 47/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông (có hiệu lực từ ngày 1/3/2018), tổng giá trị tối đa của dịch vụ, hàng hóa dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động; hàng hóa viễn thông chuyên dùng đối với dịch vụ thông tin di động, phải đảm bảo không vượt quá 20% (đối với thuê bao trả trước) và không vượt quá 50% (đối với thuê bao trả sau).
Thông tư 47/2017 cũng nêu rõ khách hàng thường xuyên của các nhà mạng cũng không nằm ngoài mức trần khuyến mại nói trên. Cụ thể, khi tổ chức khuyến mại giảm giá cho khách hàng thường xuyên, doanh nghiệp di động phải đồng thời tuân thủ quy định đối với chương trình khuyến mại giảm giá.
Khách hàng thường xuyên của dịch vụ thông tin di động được xác định là thuê bao trả sau (bao gồm cả thuê bao chuyển từ trả trước sang trả sau trong thời gian thực hiện chương trình khách hàng thường xuyên), thuê bao trả trước đã sử dụng dịch vụ liên tục tối thiểu 1 năm và có tổng cước đã thanh toán kể từ ngày đăng ký thuê bao tối thiểu là 1 triệu đồng.
Sở dĩ Bộ TT&TT đặt hạn mức khuyến mại này là để quản lý chặt chẽ hơn các thuê bao di động trả trước, bảo đảm quyền lợi và thúc đẩy phát triển thuê bao trả sau, hạn chế cuộc gọi rác, tin nhắn rác, đồng thời giúp bảo đảm an toàn, an ninh xã hội.
Sau khi áp dụng chính sách này, cả 3 nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone cho biết, chính sách siết khuyến mại 20% không tác động nhiều đến việc phát triển thuê bao trả sau. Trong khi đó, hành vi tiêu dùng của các thuê bao di động trả trước (chiếm khoảng 95% số thuê bao di động của Việt Nam) sụt giảm.
Theo các nhà mạng, theo lẽ thông thường là siết khuyến mại thì có thể doanh thu và lợi nhuận của nhà mạng sẽ tăng khi mà hành vi tiêu dùng của khách hàng không thay đổi. Thế nhưng, khi áp dụng chính sách khuyến mại thì hành vi tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi mạnh và không còn sử dụng nhiều như trước. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của tất cả các nhà mạng.
Nghị định 81/2018 của Chính phủ "cởi trói" mức trần khuyến mại
Cách đây không lâu, vào ngày 31/8/2018), các nhà mạng lớn tại Việt Nam như VinaPhone, MobiFone, Viettel đã đồng loạt có chương trình khuyến mại 50% giá trị thẻ nạp dành cho thuê bao trả trước. Khi nhận được thông tin về chương trình khuyến mại 50% giá thị thẻ nạp như trên, nhiều người dùng thuê bao trả trước tỏ ra bất ngờ và hoài nghi, bởi trước đó Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 47/2017 quy định mức trần khuyến mại thẻ nạp cho thuê bao trả trước chỉ là 20% và thuê bao trả sau là 50%.
Theo giải thích của đại diện Phòng Giá cước và Khuyến mại (Cục Viễn thông, thuộc Bộ TT&TT) lúc đó, các nhà mạng thực hiện chương trình khuyến mại 50% thẻ nạp như trên là không trái quy định theo Nghị định số 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ (đã có hiệu lực từ ngày 15/7/2018).
Nghị định số 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Cụ thể về chương trình khuyến mại, Khoản 4, Điều 6 của Nghị định này có quy định: "Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%".
Chương trình khuyến mại tập trung tại Khoản 4 Điều 6 gồm:
a) Chương trình do cơ quan nhà nước (cấp trung ương và cấp tỉnh) chủ trì tổ chức, trong một khoảng thời gian xác định, theo hình thức giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại nhằm thực hiện các chính sách phát triển kinh tế có mục tiêu của Quốc gia, của địa phương. Nhà nước có chính sách khuyến khích việc tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung. Mọi thương nhân đều được quyền tham gia vào các chương trình;
b) Các đợt khuyến mại vào các dịp lễ, tết theo quy định của pháp luật lao động, gồm:
- Đợt Tết Âm lịch: 30 ngày ngay trước ngày đầu tiên của năm Âm lịch;
- Các ngày nghỉ lễ, tết khác. Thời hạn khuyến mại của từng đợt khuyến mại vào các dịp lễ, tết không được vượt quá thời gian nghỉ của các dịp lễ, tết tương ứng theo quy định của pháp luật lao động.
Tuy nhiên, sau đợt khuyến mại nói trên, các nhà mạng lại trở về với các chương trình khuyến mại mà mức tối đa dành cho thuê bao trả trước chỉ là 20%, thậm chí tiền khuyến mại còn bị giới hạn trong thời gian 15 ngày sử dụng.
|
Sau 6 tháng bị siết mức trần 20%, các nhà mạng lớn vừa thông báo trở lại khuyến mại 50% giá trị thẻ nạp cho thuê bao...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.