Bộ Xây dựng "làm luật" cho condotel là chưa phù hợp?

Minh Khôi Thứ sáu, ngày 04/09/2020 13:18 PM (GMT+7)
Theo luật sư Trương Anh Tú, việc Bộ Xây dựng tiến hành làm luật để điều chỉnh loại hình condotel là không phù hợp, bởi quy chuẩn của condotel là theo quy chuẩn các tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành Du lịch, của Luật du lịch và thuộc chức năng quản lý ngành của Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Bình Định về đề xuất quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ đối với người mua căn hộ nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn (condotel), Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, quyền và nghĩa vụ của người mua bất động sản là nhà, công trình xây dựng nói chung và bất động sản không phải là nhà ở, căn hộ nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn nói riêng được thực hiện theo các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về dân sự, pháp luật về đất đai… 

Theo quan điểm Bộ Xây dựng viện dẫn, thì "Điều 23 và Điều 24 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 đã có quy định về các quyền và nghĩa vụ của bên mua nhà, công trình xây dựng" nhưng Bộ này lại đưa ra "đã có các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong các giao dịch dân sự" trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và "Luật Đất đai đã có các quy định về quyền và nghĩa vụ của các chủ sử dụng đất..."

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị định số 76/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó sẽ bổ sung làm rõ các nội dung của hợp đồng mua bán các bất động sản này (condotel)…"

Bộ Xây dựng "làm luật" cho condotel là chưa phù hợp? - Ảnh 1.

Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, Bộ Xây dựng "làm luật" cho condotel là chưa phù hợp.

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law firm cho rằng, quan điểm và việc làm này của Bộ Xây dựng chưa phù hợp.

Chứng minh về quan điểm của mình, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, trước hết, chúng ta cần phải hiểu rằng, thị trường bất động sản bao gồm: Đất đai, nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng… (điều 107 Bộ luật dân sự).

Bên cạnh đó Điều 104 Luật Đất đai năm 2013 quy định về cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất, như sau: "Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm có tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất".

Như vậy, theo luật sư Trương Anh Tú, các đạo luật từ Bộ luật dân sự, luật Đất đai, luật Kinh doanh bất động sản…đều không có cơ sở nào xác định từng căn hộ, phòng riêng lẻ trong khách sạn (condotel) là công trình xây dựng - đối tượng trong hoạt động Kinh doanh bất động sản.

Thực tế, condotel là phòng khách sạn được xây dựng theo kết cấu của căn hộ, phục vụ cho mục đích kinh doanh du lịch. "Condotel thực chất là một sản phẩm du lịch, một hoạt động cơ bản của ngành du lịch, đó là lưu trú khách sạn", luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh.

Từ những phân tích trên, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, cơ quan Nhà nước cần tách bạch condotel không phải là một sản phẩm bất động sản, trừ khi nó được giao dịch trên thị trường đối với toàn bộ dự án (khách sạn, khu du lịch).

"Bấy lâu nay, người ta vẫn đang đánh tráo khái niệm khiến chúng ta hiểu lầm, đây là một loại bất động sản. Vì condotel mang bản chất của loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch. Do đó, nếu thừa nhận condotel là một bất động sản, một sản phẩm trong hoạt động kinh doanh bất động sản thì mặc nhiên phải cấp "sổ hồng", để xác nhận quyền sở hữu tài sản nhà ở lâu dài cho người sở hữu, phù hợp với quy hoạch về nhà ở, đất ở cũng như quản lý khu dân cư", vị luật sư nói.

Ngoài ra, theo luật sư Trương Anh Tú việc Bộ Xây dựng tiến hành làm luật để điều chỉnh loại hình này là không phù hợp, bởi quy chuẩn của condotel là theo quy chuẩn của tiêu chuẩn Việt Nam và quy chuẩn các tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành Du lịch, của Luật du lịch và thuộc chức năng quản lý ngành của Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch.

"Đây không phải là lần đầu tiên Bộ có sự "hiểu lầm" như thế này, còn nhớ tháng 10/2009, Bộ Xây dựng lấy ý kiến dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật chung quốc gia về nhà chung cư, trong đã có ý lồng ghép tiêu chuẩn về condotel, officetel, vốn không liên quan gì", luật sư Trương Anh Tú nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem