Bộ Xây dựng nói gì về phương án di dời 13 trụ sở bộ, ngành tốn 17.000 tỷ?

Trần Kháng Thứ tư, ngày 10/04/2019 09:00 AM (GMT+7)
Bà Trần Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ chưa có ý kiến chính thức nào về các phương án đề xuất di dời trụ sở các bộ, ngành.
Bình luận 0

Tại cuộc họp báo thường kỳ, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc Trần Thu Hằng chia sẻ, nhiệm vụ di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định. 

3 phương án về việc di dời trụ sở các bộ, ngành được Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) đưa ra mới đây được xem là kết quả nghiên cứu, đề xuất của một đơn vị tư vấn. “Báo cáo này sẽ được Bộ Xây dựng xem xét trên căn cứ đảm bảo sự đồng thuận của các bộ ngành, đảm bảo tính khả thi mới triển khai thực thiện. Hiện tại, lãnh đạo Bộ chưa có ý kiến chính thức nào về vấn đề này”, bà Hằng trao đổi.

Cũng theo bà Hằng, về phương án tài chính phục vụ cho việc di dời 12 bộ ngành thì phải cân nhắc dựa trên các nguồn lực, trong đó có nguồn cân đối từ ngân sách, nguồn từ việc đấu giá những khu đất cũ của các cơ quan. “Vấn đề này sẽ được Bộ xem xét, tính toán, cân nhắc cẩn trọng. Những con số đưa ra trong báo cáo của VUIP mới chỉ là số tham mưu, đề xuất”, bà Hằng khẳng định.

img

Trụ sở mới của Bộ Ngoại giao tại phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được làm bằng kết cấu thép chống động đất trị giá 376 tỷ đồng. 

Ngoài ra, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc cũng nhấn mạnh, khi đã xác định chức năng sử dụng đất tại các vị trí để đưa ra đấu giá thì việc đấu giá phải đảm bảo tính khách quan, minh bạch theo quy định của luật đất đai; đảm bảo lợi ích của nhà nước, của xã hội.

Còn việc thay đổi giá trị đất qua các phương án đề xuất thì liên quan đến quy mô đấu giá đất. Nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ trong trường hợp này là phương án chốt lại phải được các bộ, ngành đồng thuận.

Về phương án tài chính huy động được từ việc khai thác quỹ đất cũ là trụ sở các bộ, ngành có sự khác nhau theo 3 phương án VIUP đưa ra. Tuy nhiên, cao nhất chỉ là gần 7.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với sự kỳ vọng của giới quan tâm bất động sản.

Bên cạnh đó, việc thực hiện và tổ chức thực hiện việc di dời trụ sở các bộ, ngành cần đánh giá cụ thể về lộ trình thực hiện để đảm bảo tính khả thi khi di dời.

Cuối tháng 3 vừa qua, VUIP đã nêu ra 3 phương án di dời các trụ sở Bộ, ngành. Cụ thể: Theo phương án thứ nhất, 12 Bộ ngành gồm Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tư pháp, Xây dựng, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ được chuyển về Tây Hồ Tây. Riêng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang xây dựng tại Mễ Trì Hạ.

Với phương án này, nhu cầu tài chính khoảng 11.897 tỷ đồng, nguồn vốn được huy động từ chuyển đổi 50 ha tại Mễ Trì thu về 10.000 tỷ đồng, vốn chuyển đổi đất trụ sở cũ khoảng 1.897 tỷ đồng.

Phương án thứ hai, chuyển 12 trụ sở Bộ, ngành và Bảo hiểm Việt Nam về khu vực Mễ Trì, phạm vi quy hoạch 55 ha, bao gồm toàn bộ khu đất Mễ Trì Hạ, bình quân 1 cơ quan 1,8-3ha, diện tích còn lại bố trí hồ điều hòa, nhà khách, nhà công vụ, công viên cảnh quan.

Với phương án này, nhu cầu tài chính khoảng 14.326 tỷ đồng, nguồn vốn chuyển đổi 20 ha đất khu vực Tây Hồ Tây khoảng 8.000 tỷ đồng, vốn chuyển đổi cơ sở cũ 6.326 tỷ đồng.

Phương án thứ ba sẽ bố trí 13 cơ quan nói trên tại hai khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì, trong đó 20 ha tại Tây Hồ Tây bố trí 6 bộ, ngành (bình quân 2-3 ha/cơ quan, tầng cao 9-12 tầng); khu vực Mễ Trì Hạ diện tích 55 ha sẽ bố trí 7 cơ quan (diện tích 3-4 ha /cơ quan, tầng cao trung bình 12-15 tầng).

Theo phương án này, việc chuyển đổi 13 cơ quan cần nhu cầu tài chính 17.000 tỷ đồng, trong đó vốn chuyển đổi cơ sở cũ 12.000 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước 5.000 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem