Bộ xương thiếu nữ cổ đại chết 7.200 năm trước tiết lộ điều nhân loại chưa từng biết đến

Minh Nhật (theo CNN) Thứ năm, ngày 26/08/2021 18:41 PM (GMT+7)
Bộ xương của một thiếu nữ thời kỳ săn bắn hái lượm đã chết cách đây hơn 7.000 năm trên đảo Sulawesi của Indonesia đã tiết lộ câu chuyện về một nhóm người chưa từng được biết đến trước đây.
Bình luận 0
Bộ xương thiếu nữ cổ đại chết 7.200 năm trước tiết lộ điều nhân loại chưa từng biết đến - Ảnh 1.

Bộ xương của thiếu nữ Toalean thời cổ đại trong hang động. Ảnh CNN.

Theo CNN, theo nghiên cứu mới đây, DNA thu được từ hài cốt của thiếu nữ cổ đại chết cách đây 7.200 năm đã tiết lộ về một dòng dõi người khác biệt chưa từng được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Nghiên cứu được công bố hôm thứ Tư 25/8 trên tạp chí Nature.

“Chúng tôi đã phát hiện ra DNA của người cổ đại đầu tiên ở "Wallacea" - vùng đảo giữa châu Á và Úc. Điều này cung cấp cái nhìn sâu sắc mới về sự đa dạng di truyền và lịch sử dân số của loài người hiện đại đầu tiên ở khu vực còn khá bí ẩn này của thế giới", đồng tác giả nghiên cứu Adam Brumm, một giáo sư khảo cổ học tại Trung tâm Nghiên cứu về Tiến hóa Con người của Đại học Griffith, cho biết.

Các nhà nghiên cứu tin rằng những người hiện đại đầu tiên đã sinh sống ở Wallacea, chủ yếu là các đảo của Indonesia bao gồm Sulawesi, Lombok và Flores khi họ vượt qua Âu-Á đến lục địa Úc hơn 50.000 năm trước.

DNA được lấy từ hài cốt của thiếu nữ ở độ tuổi từ 17 đến 18 tuổi khi chết được chôn cất trong một hang động trên đảo Sulawesi cách đây 7.200 năm và được phát hiện vào năm 2015. 

Thiếu nữ này được xác định là thuộc nền văn hóa Toalean, chỉ được phát hiện ở phần bán đảo phía tây nam của Sulawesi. Hang động nơi có hài cốt của thiếu nữ cổ đại thuộc địa điểm khảo cổ có tên Leang Panninge.

Bộ xương thiếu nữ cổ đại chết 7.200 năm trước tiết lộ điều nhân loại chưa từng biết đến - Ảnh 2.

Phần hộp sọ của thiếu nữ Toalean thời cổ đại. Ảnh CNN.

"Toaleans" là tên mà các nhà khảo cổ đặt cho một nền văn hóa khá bí ẩn của những người săn bắn hái lượm thời tiền sử sống ở vùng đồng bằng và núi rừng Nam Sulawesi từ khoảng 8.000 năm trước cho đến khoảng thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên.

"Họ đã tạo ra những công cụ bằng đá rất đặc biệt (bao gồm cả những đầu mũi tên nhỏ, được chế tác tinh xảo) không được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên đảo hoặc rộng hơn là ở Indonesia", các nhà nghiên cứu cho biết.

Bộ xương thiếu nữ cổ đại chết 7.200 năm trước tiết lộ điều nhân loại chưa từng biết đến - Ảnh 3.

Hang động nơi phát hiện hài cốt của thiếu nữ Toalean thời cổ đại. Ảnh CNN.

Giáo sư Brumm cho biết, hài cốt thiếu nữ trẻ tuổi là bộ xương hoàn chỉnh và được bảo quản tốt đầu tiên gắn liền với nền văn hóa Toalean.

Tác giả chính của nghiên cứu, Selina Carlhoff cho biết, DNA được lấy từ xương petrous ở đáy hộp sọ. Bà Carlhoff nhấn mạnh, việc lấy DNA rất khó khăn vì hài cốt đã bị thoái hóa mạnh trong điều kiện khí hậu nhiệt đới đặc trưng của khu vực này. 

DNA của cô gái trẻ cho thấy, cô là hậu duệ của những người hiện đại đầu tiên đến Wallacea 50.000 năm trước. Bộ gen của cô cũng tiết lộ một bất ngờ khác: Loài người cổ đại bí ẩn chưa từng được biết đến trước đây và đã tuyệt chủng: Người Denisovan. Một số ít các hóa thạch cho thấy, những người đầu tiên Denisovan từng tồn tại phần lớn đến từ Siberia và Tây Tạng.

Các nhà nghiên cứu không biết điều gì đã xảy ra với nền văn hóa Toalean và hài cốt của thiếu nữ Toalean nói trên đang trở thành một "câu đố" hóc búa mà họ quyết tìm cho bằng được lời giải.

Giáo sư Brumm hy vọng rằng có thể phục hồi thêm nhiều DNA cổ đại hơn của người Toalean để giải câu đố trên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem