Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong số những người được tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam, đến nay ghi nhận có 16% phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ… Triệu chứng này hết sau 24 giờ. Tỉ lên này thấp so với các nước trên thế giới. Cho đến nay, việc tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam là an toàn...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, một trong những điểm khác với nhiều nước là chúng ta tổ chức quy trình tiêm chủng rất chặt chẽ, rất cẩn thận, được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến.
Các cơ sở tiêm chủng vắc xin Covid-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ.
Người tiêm được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.
Đồng thời, diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.
Trước đó, ngày 7/5, Việt Nam có ca tử vong đầu tiên sau tiêm vắc xin Covid-19 do sốc phản vệ. Đó là nữ nhân viên y tế 35 tuổi đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu (An Giang).
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: "Trường hợp này có cơ địa dị ứng với thuốc giảm đau, chống viêm không chứa steroid. Bệnh nhân cũng đã được hỏi, tư vấn, khám sàng lọc kỹ lưỡng trước khi tiêm. Việc tiêm chủng diễn ra theo đúng quy trình. Nữ nhân viên y tế có triệu chứng sốc phản vệ sau ít phút.
Ngay khi xảy ra, bệnh nhân đã được cán bộ y tế cấp cứu, xử lý đúng phác đồ của Bộ Y tế. Bộ cũng đã chỉ đạo BV tuyến trên về trợ giúp, nỗ lực hết sức nhưng do diễn biến bệnh quá nặng nên bệnh nhân không qua khỏi.
Ban Chỉ đạo đánh giá, đây là trường hợp hết sức hiếm gặp trong lịch sử tiêm chủng", Thứ trưởng Thuấn nhận định.
Để tránh những trường hợp tương tự xảy ra, Thứ trưởng Thuấn cho biết, sau cuộc họp Bộ Y tế đã rút ra 3 kinh nghiệm để triển khai tiêm vắc xin Covid-19 tốt hơn trong những tháng tới.
Thứ nhất, tập huấn kỹ hơn về công tác tiêm chủng, đặc biệt khâu xử lý tai biến khi tiêm chủng cho tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã, phải liên tục nhắc đi nhắc lại và cập nhật liên tục. Thứ hai, sàng lọc kỹ hơn cho người tiêm, hỏi kĩ tiền sử bệnh. Thứ ba, Bộ Y tế khuyến cáo các trường hợp có cơ địa dị ứng cần tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại các Trung tâm y tế có giường bệnh hoặc tại bệnh viện.
"Chúng tôi rất mong không vì trường hợp hết sức hy hữu này mà ảnh hưởng tốc độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 chúng ta đang làm rất tốt hiện tại. Chúng ta hãy đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, nếu không có vắc xin và 5K thì chúng ta không thể chiến thắng đại dịch Covid-19 đang hoành hành". Thứ trưởng cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.