Bóc mẽ kỹ xảo trong "bom tấn" Hollywood khiến khán giả kinh ngạc

Lý Nam (Theo Telegraph) Thứ năm, ngày 21/01/2016 11:05 AM (GMT+7)
Những cảnh quay hoành tráng có hàng ngàn người, thành phố bị phá hủy bởi quái vật thằn lằn khổng lồ hay các diễn viên bỗng chốc biến thành già nua xấu xí hay trẻ ra hàng chục tuổi? Tất cả đó là sản phẩm của hiệu ứng kỹ xảo hình ảnh trong phim Hollywood.
Bình luận 0

Ngành công nghiệp Visual Effect (VFX) hay còn gọi là hiệu ứng hình ảnh, kỹ xảo hình ảnh là một phần quan trọng làm nên thành công của các bộ phim bom tấn Hollywood. VFX bao gồm rất nhiều công việc, từ xây tạo mô hình, bối cảnh phục vụ việc quay phim đến xây dựng phần mềm, dụng cụ cần thiết cho khâu hậu kỳ, xử lý hình ảnh, làm các hiệu ứng, vẽ ra những cảnh nền viễn tưởng hoặc khó tạo ra ngoài thực tế… Cuối cùng là ghép lại các đoạn phim để tạo ra một bộ phim hoàn chỉnh với các cảnh quay ấn tượng, hoành tráng.

img

Ngành công nghiệp Visual Effect mang đến những cảnh quay hoành tráng như thật cho bộ phim “Far From the Madding Crowd”

Nhờ các hiệu ứng kỹ xảo, diễn viên không phải thực hiện các cảnh quay mạo hiểm, hay phải thực hiện các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ nguy hiểm để phục vụ cho vai diễn mà vẫn hoàn thành vai diễn của mình. Và kỹ xảo hình ảnh trong phim Hollywood là một phần cực kỳ quan trọng, giúp các nhà làm phim tiết kiệm khoản kinh phí khổng lồ so với việc đầu tư phim trường thực tế cho các cảnh quay.  

Bộ phim “Suffragette” (Công bằng nữ quyền) - một trong những ứng cử viên nặng ký cho giải Oscar 2016 là một ví dụ. “Suffragette” kể về nhà hoạt động nữ quyền Emmeline Pankhurst đòi quyền bầu cử cho nữ giới tại nước Anh đầu thế kỷ 20 và quy tụ dàn sao nổi tiểng như Meryl Streep, Carey Mulligan, Helena Bonham Carter, Ben Whishaw. Phải tái hiện nước Anh những năm 1910 với những khung cảnh hoành tráng mà kinh phí làm phim chỉ giới hạn 9 triệu bảng Anh nên kỹ xảo điện ảnh là giải pháp tối ưu.

Khi xem phim khán giả sẽ thấy hàng ngàn người biểu tình sau cái chết của Emmeline Pankhurst nhưng thực tế cảnh quay gốc ở lâu đài hoàng gia Windsor không có bất cứ ai. Thực tế, mỗi người trong đám đông được tạo bằng công nghệ CGI (mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) từ việc tạo trang phục cho đến hành động. Các khu lều, quầy hàng, hội chợ, đường phố, phương tiện giao thông, các tòa nhà những người cá cược thuê trong phim cũng được tạo ra bằng hiệu ứng kỹ xảo hình ảnh.

img

Cảnh hàng ngàn người biểu tình sau cái chết của Emmeline Pankhurst trước và sau khi có kỹ xảo

Hay bộ phim 3D “The Walk” (Bước đi thế kỷ) của đạo diễn Robert Zemeckis, những cảnh quay diễn viên Joseph Gordon-Levitt đi thăng bằng trên dây nếu sử dụng hiệu ứng hình ảnh sẽ tiết kiệm, hiệu quả và an toàn hơn nhiều so với việc đào tạo Gordon-Levitt thành vận động viên đu dây chuyên nghiệp.

Và các công ty chuyên làm kỹ xảo hình ảnh còn có những đóng góp cho các bộ phim như “Steve Jobs”, “Philomena”, “Far from the Madding Crowd”, “The Theory of Everything”. Như cú đánh bóng vồ mạnh mẽ của nam diễn viên Eddie Redmayne trong “The Theory of Everything” thực chất là sản phẩm của kỹ xảo bằng cách kết hợp hình ảnh anh ngọ nguậy các ngón tay và một hình ảnh anh đang đứng với bàn tay vẫn giữ nguyên.

Hiệu ứng hình ảnh làm một phần không thể thiếu trong phim bom tấn của Hollywood và được nhiều nhà làm phim thừa nhận. Tuy vậy, trong nhiều bộ phim khác người ta không thừa nhận sự có mặt của nó như hình ảnh biệt thự bên bờ biển trong “The Wolf of Wall Street”, con gấu giận dữ trong “The Revenant”, cơn bão tuyết trong “The Girl with the Dragon Tattoo”.

Các công ty chuyên làm về kỹ xảo hình ảnh còn cung cấp kỹ thuật tạm gọi là “phẫu thuật thẩm mỹ bằng hình ảnh kỹ thuật số”. Ban đầu, nó được sử dụng để chỉnh sửa các lỗi trong bộ phim khi có yêu cầu như trong bộ phim “The Jacket”, nữ diễn viên Keira Knightley gặp vấn đề về da nên cần đến phần mềm này để làm mịn làn da. Tuy nhiên, hiện nay kỹ thuật này được áp dụng phổ biến trong các bộ phim bom tấn của Hollywood để “phẫu thuật thẩm mỹ” cho các diễn viên trên phim.

img

Nữ diễn viên Keira Knightley được làm mịn da trong một cảnh quay của “The Jacket”

Kỹ xảo hình ảnh có thể chỉnh răng, làm đầy môi, nâng cấp vòng 1, vòng 3, đầu hói, trẻ hóa độ tuổi cho các diễn viên mà họ không cần phẫu thuật thẩm mỹ thật. Đó là phương pháp thẩm mỹ nhiệm màu giúp hai nam diễn viên Patrick Stewart và Ian McKellen trẻ hơn 20 tuổi trong siêu phẩm “X-Men: The Last Stand” hay biến Brad Pitt thành người đàn ông bị lão hóa, già nua Benjamin Button trong “The Curious Case”. Và mùa hè tới, nam diễn viên Michael Douglas dù đã 71 tuổi sẽ trở lại với siêu phẩm “Ant-Man” và trông trẻ trung như 45 tuổi.

img

Michael Douglas 71 tuổi được trẻ hóa thành 45 tuổi trong siêu phẩm “Ant-Man” mùa hè tới

Kỹ xảo hình ảnh trong phim Hollywood rất quan trọng với sự đóng góp không nhỏ của các công ty chuyên làm về kỹ xảo. Tuy nhiên, công việc kinh doanh này được những người trong nghề hết sức giữ bí mật. Union VFX là một công ty lớn nhưng khó ai nhận ra khu văn phòng làm việc của công ty này khi nó nằm nép mình giữa một nhà nghỉ và cửa hiệu xăm hình ở khu West End, London, Anh. Và các doanh nghiệp ít khi quảng cáo về dịch vụ của mình.

Như Vitality Visual FX không có gì trên website ngoài logo và địa chỉ email, còn Lola VFX thì ít thận trọng hơn khi gần đây đăng lên trang web những dịch vụ như “Tái tạo bề mặt da”, “Tạo cơ bụng sáu múi”, “Chỉnh sửa mắt”, “Nâng ngực” nhưng bạn sẽ không tìm được nhiều thông tin về dịch vụ của họ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem