Bom CBU-55 - vũ khí hủy diệt khủng khiếp nhất trong chiến tranh Việt Nam

PV Thứ bảy, ngày 29/10/2022 18:31 PM (GMT+7)
Trong số hàng chục loại bom, mìn Mỹ sử dụng ở Việt Nam, có một loại cực mạnh được xem như là “vũ khí phi hạt nhân khủng khiếp nhất”, mang tên CBU-55.
Bình luận 0

Suốt những năm xâm lược Việt Nam, Không quân Mỹ đã dùng hàng triệu tấn bom, mìn với đủ chủng loại (gần 60 loại khác nhau) để đánh phá các mục tiêu giao thông (cầu, đường, bến cảng, sân bay), kho tàng, trận địa hỏa lực ở miền Bắc. Ở miền Nam, chúng dùng để tấn công vào mục tiêu quân giải phòng Miền trú đóng, hoặc tìm mọi cách ngăn chặn dòng xe vận tải trên tuyến đường Trường Sơn.

Bom CBU-55 - vũ khí hủy diệt khủng khiếp nhất trong chiến tranh Việt Nam  - Ảnh 1.

Bom CBU-55 trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP.HCM.

Trong số hàng chục loại bom, mìn Mỹ sử dụng ở Việt Nam, có một loại cực mạnh được xem như là “vũ khí phi hạt nhân khủng khiếp nhất”, mang tên CBU-55.

CBU-55 là loại bom chùm dùng để đánh vào các trận địa hỏa lực, khu vực bố trí lực lượng, khu dân cư nhằm sát thương sinh lực.

Cấu tạo của bom chùm CBU-55 gồm: kết cấu chứa bom mẹ SUU-49B và bom con BLU-73B.Trong đó, SUU-49B có hình trụ thon dài 2,3m, đường kính 0,36m, sải cánh đuôi 0,72m, khối lượng 235kg.

Bên trong SUU-49B chứa 3 bom con BLU-73B, mỗi bom con có khối lượng 45kg (nạp 32,6kg Oxit Etylen lỏng) dùng ngòi chạm nổ tức thì.

Bom CBU-55 được thiết kế để thả từ máy bay tốc độ cận âm như cường kích A-37, OV-10, vận tải cơ C-130. Khi ném, bom thường có lắp thêm dù hãm tốc. Việc tách bom con khỏi bom mẹ được thực hiện ở ngay thời điểm rời máy bay hoặc ở trên không bằng ngòi nổ.

Khi chạm đất, ngòi nổ hoạt động gây nổ ống thuốc phá vỡ vỏ bom, làm văng Oxit Etylen thành các giọt tạo thành đám mây xon khí (nhiên liệu không khí) có đường kính 15-17m, cao 2,5-3m. Đám mây này được một thiết bị phụ kích nổ ở độ cao 1m sau khi hình thành 0,125 giây. Bán kính sát thương của mỗi quả bom con là 50m.

Điểm khác của CBU-55 so với bom phá thông thường là không tạo mảnh (sát thương bộ binh), cũng không để lại hố bom. Bom cũng không gây ra vết thương nào trên con người mà chỉ phá hủy hệ hô hấp và não bộ do phản ứng đốt cháy hoàn toàn oxy trong phạm vi sát thương.

Ngoài ra, chất xon khí cũng có thể lọt vào thể tích không kín, uốn lượn theo địa hình gây nổ từ bên trong công sự hoặc nhà cửa, phá bãi mìn, phát quang dọn bãi cho máy bay trực thăng đổ bộ.

Theo báo Tiền Phong dẫn lời Thạc sĩ Trần Hữu Huy (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam) cho hay: “Nó là một loại bom chùm khổng lồ chứa nhiều bom hơi. Khi bị chạm, nó sẽ nổ và tung các bom hơi ra tứ phía. Hầu như ngay tức khắc, các bom hơi sẽ nổ, gây thành một cơn bão lửa trong vùng mục tiêu. Khả năng sống sót sau khi một trái bom CBU-55 bị nổ là hoàn toàn không có”.

Mỹ lần đầu tiên sử dụng bom chùm CBU-55 ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. Lần cuối cùng loại bom này được ném vào ngày 21/4/1975, khi đó quân đội Sài Gòn đã dùng C-130 thả CBU-55 vào lực lượng bộ đội ta ở khu vực Xuân Lộc gây thương vong lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem