“Bom nợ” Đạm Ninh Bình và chuyện Vinachem “còng lưng” gánh nợ

Hoàng Nhật Thứ tư, ngày 12/12/2018 06:00 AM (GMT+7)
Sau thời gian dài gánh nợ cho Đạm Ninh Bình - một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ, tới nay, Vinachem đã không còn khả năng thu xếp tiền trả nợ các khoản vay đầu tư dự án Đạm Ninh Bình cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trong năm 2018 với số tiền lên tới 473,2 tỷ đồng.
Bình luận 0

img

Vinachem không đủ khả năng thu xếp tiền trả nợ các khoản vay đầu tư dự án Đạm Ninh Bình cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trong năm 2018. (Ảnh minh họa)

Băn khoăn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và gánh nặng trên vai Vinachem

Câu chuyện sức khỏe của dự án Đạm Ninh Bình nói riêng và 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương nói chung, dù không còn là vấn đề mới, song vẫn thu hút sự quan tâm lớn của dư luận trong 2 năm qua.

2 kỳ họp gần nhất của Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đều phải giải trình trước Quốc hội hoặc trả lời chất vấn của các ĐBQH xung quanh 12 dự án thua lỗ này.

Với riêng Đạm Ninh Bình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận: “Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình hiện tồn tại nhiều vấn đề vướng mắc và sức khỏe của Đạm Ninh Bình đang có vấn đề nhất”.

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh còn chỉ ra rất nhiều vướng mắc trong qua trình triển khai dự án giữa nhà thầu, chủ đầu tư và cơ quan chủ quản là Vinachem. Theo đó, do tranh chấp kéo dài, trải qua nhiều giai đoạn lãnh đạo khác nhau của Vinachem và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đã dẫn tới tồn đọng liên quan tới vấn đề chạy thử, cung cấp than cho dự án và một số nội dung khác về giám sát, chi phí thiết bị của nhà máy đều chưa thống nhất được.

Gần đây, trong báo cáo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) gửi tới Bộ Công Thương về tình hình trả nợ vay đầu tư Dự án Đạm Ninh Bình, Vinachem cho biết, do tình hình tài chính khó khăn, Tập đoàn không đủ khả năng để thu xếp nguồn tiền trả nợ toàn bộ các khoản vay đầu tư dự án Đạm Ninh Bình cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trong năm 2018.  

Trước đó, trong năm 2008 và 2009, Vinachem đã ký hai hợp đồng vay vốn với tổng số tiền cam kết cho vay là 3.340 tỷ đồng và 76 triệu USD (tương đương 4.770 tỷ đồng).Tính đến ngày 31.8.2018, dư nợ của hai hợp đồng tín dụng nói trên đã lên tới 2.658 tỷ đồng và 1,69 triệu USD.

Theo Vinachem, tổng số tiền phải trả VDB bao gồm gốc và lãi phát sinh trong tháng 9.2018 và lãi quá hạn chưa trả từ tháng 1.2018 tới tháng 8.2018 đối với dự án Đạm Ninh Bình là 473,3 tỷ đồng và 324.700 USD. Trong số nợ đã nêu, Vinachem mới trả nợ gốc 50 triệu đồng và 324.700 USD. Số tiền gốc và lãi bao gồm cả nợ gốc và lãi quá hạn chưa được tập đoàn thanh toán cho VDB lên tới 473,2 tỷ đồng.

Chuyện Vinachem gánh nợ cho Đạm Ninh Bình

Trước khi Vinachem gửi báo cáo tới Bộ Công Thương về tình hình trả nợ vay đầu tư Dự án Đạm Ninh Bình, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 của Vinachem, tổng tài sản của doanh nghiệp tính tới 30.6.2018 đạt 20.583 tỷ đồng.

Trong đó, khoản phải thu về cho vay ngắn hạn tăng thêm 1.200 tỷ lên 3.800 tỷ đồng. Phải thu ngắn hạn khác cũng tăng thêm 270 tỷ lên 3.276 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản trích lập phải thu ngắn hạn khó đòi tăng 93% lên 560 tỷ đồng.

Dù số lỗ lũy kế của Vinachem đã giảm từ mức hơn 872 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm 2018 xuống còn 802 tỷ đồng ở thời điểm 30.6.2018 nhờ ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế hơn 70 tỷ đồng.

Hiện Vinachem đang "ôm" khoản nợ rất lớn. Trong số nợ ngắn hạn của Vinachem, đáng lo ngại là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã tăng thêm gần 400 tỷ đồng lên 11.437,7 tỷ đồng. Khoản phải trả người bán ngắn hạn cũng tăng thêm gần 700 tỷ đồng, từ 3.989,11 tỷ đồng lên 4.638,95 tỷ đồng. Đồng thời, hai khoản chi phí phải trả ngắn hạn và phải trả ngắn hạn khác của Vinachem cũng tăng gấp 1,5 lần, lên lần lượt 971,57 tỷ đồng và 1.059,01 tỷ đồng.

img

Một góc dự án Đạm Ninh Bình. (Ảnh minh họa)

Về các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Vinachem và các công ty con lên tới 11.437,7 tỷ đồng, không thể không nhắc tới những khoản vay với số tiền khá lớn của một số công ty con được ghi nhận tại ngày 31.12.2017 như khoản vay tín chấp số tiền hơn 1.173 tỷ đồng với lãi suất thả nổi của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình. Hay khoản vay ngắn hạn với tổng số tiền 593,04 tỷ đồng với Viettinbank và Viecombank theo hình thức thế chấp tài sản.

Hai công ty kể trên đều là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh bết bát. Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, đại dự án thua lỗ nghìn tỷ Đạm Ninh Bình đến 31.12.2016 có số lỗ luỹ kế 3.197 tỷ đồng, kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 lỗ 386,94 tỷ đồng. Còn Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc đến hết tháng 6.2017, số lỗ lũy kế của đơn vị 2.035 tỷ đồng.

Theo tính toán, nợ vay và nợ thuê tài chính đã lên đến hơn 28.800 tỷ đồng, gồm nợ vay ngắn hạn hơn 11.437 tỷ đồng và nợ vay dài hạn hơn 17.395 tỷ đồng. Nợ vay lớn dẫn tới áp lực trả lãi lớn, năm 2017, Vinachem phải trả chi phí lãi tiền vay lên đến hơn 2.105 tỷ đồng.

Vinachem hiện đang phải giải quyết vấn đề đầu tư kém hiệu quả. Hàng loạt công ty con và công ty liên kết của Vinachem thua lỗ khiến tập đoàn phải dành tới 5.208 tỷ đồng dự phòng đầu tư tài chính. Trong đó, với Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình là 2.313,7 tỷ đồng, tương đương 100% vốn đầu tư.

Điều đáng nói, dù dự án này thua lỗ nhưng năm 2017, Vinachem vẫn rót thêm hàng trăm tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, chủ yếu là cho vay lại (lãi suất 6,5%/năm) để dự án này trả nợ ngân hàng. Dư nợ ngắn hạn của Đạm Ninh Bình tại Vinachem đến cuối năm 2017 đã nâng lên hơn 2.598 tỷ đồng, tăng hơn 850 tỷ đồng so với năm 2016. Trong đó, con số dự phòng rủi ro cho khoản vay này là 258,28 tỷ đồng.

Ngoài ra, khoản vay trị giá hàng trăm tỷ đồng từ năm 2016 được hai bên đã phải ký phụ lục để gia hạn, chuyển sang năm 2017, nhưng đến hết năm 2017 số nợ gốc vẫn còn nguyên.

Cụ thể, khoản cho vay 120 tỷ đồng để Đạm Ninh Bình bổ sung vốn lưu động thực hiện tháng 2.2016 đã phải ký phụ lục đến 31.12.2017 là đáo hạn, nhưng số dư khoản vay này đến cuối 2017 vẫn y nguyên 120 tỷ đồng.

Thêm vào đó, Vinachem còn có 10 hợp đồng cho vay với Đạm Ninh Bình. Trong đó có những khoản rất lớn như khoản vay hơn 568 tỷ đồng ký hồi tháng 9.2015, khoản vay 366 tỷ đồng ký hồi tháng 8.2015, khoản vay 248 tỷ đồng ký hồi tháng 2.2016…

Nợ dài hạn của Đạm Ninh Bình với Vinachem trong năm ngoái giảm 441 tỷ đồng, nhưng dư nợ vẫn rất lớn, lên tới 6.726,5 tỷ đồng. Theo ghi nhận của Vinachem, tại dự án này, Tập đoàn có 625,8 tỷ đồng khoản phải thu cho vay bị xếp vào diện “nợ khó đòi” và khả năng chỉ thu hồi được 367,5 tỷ đồng trong số này.

Tới ngày 30.6.2018, khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi giữa Vinachem và Đạm Ninh Bình đã lên tới hơn 1.228 tỷ đồng. Song giá trị thu hồi ước tính chỉ chưa đầy 700 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem