Đấy là tin vui vì ông Hidehiro được kỳ vọng sẽ nâng bước cho bóng chuyền nữ Việt Nam phát triển, tiến đến gần trình độ của nhóm đầu ở châu Á. Nhà cầm quân này cũng đã có dịp làm việc ngắn hạn với các tuyển thủ Việt Nam trước đây, đồng thời đã có cái nhìn rõ hơn về thực trạng của bóng chuyền nữ qua Vòng chung kết xếp hạng giải VĐQG 2016 diễn ra ở Hà Tĩnh cách đây chưa đầy 1 tháng.
Vấn đề là bóng chuyền Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận vị chuyên gia đến từ Nhật Bản - nơi mà bóng chuyền nói riêng và thể thao nói chung đã đạt đến đẳng cấp thế giới, hay chưa? Đội ngũ trợ lý cho ông được chọn có phù hợp và thành phần ưu tú nào sẽ được tuyển để phục vụ các mục tiêu gần và xa?
Chuyên gia Shuto Koichi (trái) thổi vào tuyển trẻ Việt Nam một tinh thần thi đấu máu lửa.
Với kiểu đào tạo trẻ mỗi nơi một kiểu, không tuân thủ bất cứ quy chuẩn nào của bóng chuyền Việt Nam hiện nay thì đúng là rất khó cho ông Hidehiro trong việc chỉnh sửa kỹ thuật cho VĐV, chứ chưa đề cập đến cách triển khai các mảng miếng chiến thuật. Nên nhớ, nguồn nhân lực của bóng chuyền nữ Việt Nam khá dồi dào, gần đây xuất hiện rất nhiều tài năng như Trần Thị Thanh Thúy, Dương Thị Hên (VTV Bình Điền Long An), Bùi Thị Ngà (Thông tin LVPB), Đinh Thị Thúy, Đoàn Thị Xuân (Ngân hàng Công thương)…
Tuy nhiên, từ trước khi ông Hidehiro đến, vẫn chưa có nhà cầm quân nào biến những cá nhân xuất sắc ấy thành sức mạnh tập thể, đủ sức gánh vác trọng trách thành tích cho các đàn chị đã luống tuổi Ngọc Hoa, Kim Huệ, Hà Hoa, Đỗ Thị Minh… khi bước ra sân chơi quốc tế.
Cái đích của bóng chuyền Việt Nam là luôn tìm cách vượt qua Thái Lan, cả ở nội dung nữ lẫn nam. Đôi khi chúng ta đã tiến đến rất gần điều đó, song vì chân đế chưa vững và cũng vì cách làm bóng chuyền có phần thiếu bài bản, nên Thái Lan vẫn cứ là bức tường cao khó vượt. Tính trong vòng chục năm trở lại đây, không ít chuyên gia đã được mời đến, từ Nhật Bản, Trung Quốc, Brazil… nhưng tất cả chỉ mang tính thời vụ, hoặc dấu ấn mà họ để lại là không nhiều.
Chuyên gia Hidehiro Irisawa được kỳ vọng giúp thay đổi lối chơi cho bóng chuyền nữ Việt Nam.
Làm bóng chuyền thời hiện đại, mời chuyên gia với mức lương dưới 5.000 USD, đúng là chẳng thể trông đợi gì nhiều, ngoại trừ một tâm trạng phập phồng âu lo của cả làng bóng chuyền. Thế nên, khi VFV thuyết phục được ông Hidehiro Irisawa (từng dẫn dắt ĐTQG Kenya dự World Cup 2010), điều tiếp theo mà giới làm nghề trông chờ chính là sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực của cả nền bóng chuyền - từ chính các CLB thành viên thuộc VFV, chứ không phải tập trung toàn lực chăm lo cho phần ngọn (ĐTQG) mà quên đi phần gốc (đào tạo VĐV trẻ) vô cùng quan trọng.
Tất nhiên, khi VFV đặt trọn vẹn niềm tin vào HLV Hidehiro, giới làm nghề cũng như người hâm mộ chờ đợi điều tốt đẹp sẽ xảy đến, thay cho cảm giác thất vọng về những “mối tình” chóng vánh và có phần khiên cưỡng của bóng chuyền nữ Việt Nam với những ông thầy ngoại trước kia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.