Bóng đá châu Phi trước thềm World Cup 2014: Vẫn ám ảnh tiền thưởng

Thứ ba, ngày 03/06/2014 10:48 AM (GMT+7)
Châu Phi là nơi sản sinh ra nhiều cầu thủ giỏi và hiện số lượng cầu thủ châu Phi nắm vị trí chủ chốt trong các CLB lớn rất nhiều. Đáng lẽ với tiềm năng và con người như vậy, bóng đá của châu lục này phải có một vị trí “oách” hơn...
Bình luận 0
Chưa đá đã đòi tiền

Thực tế đáng buồn là các đội bóng của khu vực châu Phi chơi rất tệ tại World Cup và chưa bao giờ có một đội nào của lục địa đen vào đến bán kết. Cho đến giờ, chỉ có vài trường hợp vào đến tứ kết như Cameroon năm 1990 hay Senegal năm 2002. Tại World Cup 2010 tại Nam Phi, châu Phi có đến 6 đại diện. Nhưng rốt cuộc, 5 đội bị loại từ vòng bảng, chỉ có Ghana lọt vào tứ kết (thua Uruguay).

Cầu thủ Cameroon vừa nhận vé vào vòng chung kết World Cup  đã nghĩ đến chuyện tiền thưởng.
Cầu thủ Cameroon vừa nhận vé vào vòng chung kết World Cup đã nghĩ đến chuyện tiền thưởng.

Nguyên nhân nào khiến các đội bóng châu Phi thi đấu thiếu thành công tại World Cup? Một vấn đề rất thực tế là tiền thưởng. Chính vì tiền thưởng khiến các cầu thủ mất đoàn kết, thiếu tập trung mỗi khi bước vào ngày hội bóng đá thế giới. World Cup 2014 này cũng không ngoại lệ. Cuối tháng 5, khi các đội tuyển khác tập trung luyện tập thì các cầu thủ Cameroon vẫn có thái độ bất hợp tác với Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) nước này vì chuyện tiền thưởng.

Hôm 20.5, LĐBĐ Cameroon đề nghị tiền thưởng khoảng 61.000 euro cho mỗi cầu thủ tại World Cup 2014. Tuy nhiên, đề nghị này bị từ chối thẳng thừng bởi các cầu thủ cho rằng nó quá ít so với mặt bằng chung. Một tuần sau, quan chức Cameroon nâng thêm một ít là 68.000 euro cho mỗi cầu thủ. Nhưng nhóm đại diện với Eto’o đứng đầu cũng từ chối khoản thù lao ít ỏi này. Giới cầu thủ đòi phải tăng lên thành 182.000 euro, còn LĐBĐ Cameroon lại cho rằng đó là đòi hỏi quá đáng.

Tại World Cup trước, mỗi cầu thủ Cameroon chỉ được khoảng 65.000 euro. Cuối cùng, hai bên thống nhất mức tiền thưởng là 50 triệu franc (khoảng 104.000 USD). Dù là thống nhất nhưng các cầu thủ Cameroon vẫn tỏ ra hậm hực vì nó chỉ bằng hơn một nửa so với kỳ vọng của họ. Với thái độ miễn cưỡng đó thì khó mong Cameroon sẽ chơi tưng bừng tại World Cup 2014.

Không chỉ Cameroon mà cả Ghana và Nigeria cũng phải lo giải quyết dứt điểm chuyện thương lượng tiền thưởng trước khi dự World Cup. Đây không phải chuyện đùa vì năm 2006, các cầu thủ Togo còn tẩy chay và suýt bỏ giải khi căng thẳng chuyện tiền nong với LĐBĐ không được giải quyết sớm.

Không có tiền nên dễ tiêu cực

Tại World Cup 2010, Nigeria chơi rất có vấn đề và sau đó một tay cá độ tại Singapore xác nhận Nigeria có mặt tại Nam Phi là “nhờ công” dàn xếp tỷ số của một thế lực đen.

Trong đội hình các đội bóng châu Phi, không phải ai cũng có lương cao ngất ngưởng như Eto’o của Cameroon hay Drogba của Bờ Biển Ngà. Với những cầu thủ đang chơi ở giải trong nước hay ở giải thấp châu Âu thì khoản tiền thưởng mấy trăm ngàn USD là cả một gia tài.

Cũng chính vì nỗi “thèm tiền” như vậy nên họ dễ trở thành mục tiêu bị bọn cá độ tấn công, thao túng kết quả trận đấu. Điều này đã có bằng chứng khá xác thực. Hôm 28.5, Nigeria đã thi đấu giao hữu với Scotland và trước trận đấu, LĐBĐ Scotland đã nhận được các thông tin cho biết có dấu hiệu tiêu cực. Họ đã phải cảnh báo cho cơ quan an ninh điều tra theo dõi trận đấu. Đến một trận giao hữu mà bọn cá độ còn thò tay vào chi phối các cầu thủ Nigeria thì dễ gì chúng bỏ qua các trận tại World Cup 2014 (?!).

Anh Tú (Anh Tú)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem