Bóng đá Malaysia: Bán độ từng tồn tại "như cơm bữa"
Bóng đá Malaysia: Bán độ từng tồn tại "như cơm bữa"
Anh Nguyễn
Thứ bảy, ngày 11/12/2021 11:10 AM (GMT+7)
Chưa cần tới lùm xùm về tố cáo bán độ ở trận đấu gặp ĐT Lào tại vòng bảng AFF Cup 2020, bóng đá Malaysia trong quá khứ từng có rất nhiều lần chịu tai tiếng liên quan đến bán độ.
Năm 1994, bóng đá Malaysia nổi tiếng khi thực hiện chiến dịch "Bàn tay sắt". Vào thời điểm đó, tệ nạn cá độ hoành hành bóng đá Malaysia và khiến nền bóng đá nước này rơi vào sự hỗn loạn.
Chính phủ Malaysia đã vào cuộc và lập tức tiêu cực bị phanh phui. Một con số khủng khiếp được nêu ra khi có tới 84 cầu thủ, quan chức bị trừng phạt vì dính dáng đến cá độ. Đáng chú ý, trong số này có không ít tuyển thủ quốc gia.
Sau chiến dịch "Bàn tay sắt", bóng đá Malaysia dần hồi sinh. Vào giai đoạn cực thịnh, dưới sự dẫn dắt của HLV Rajagobal, U23 Malaysia đã 2 lần giành Huy chương Vàng SEA Games vào các năm 2009 và 2011. Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, ĐT Malaysia đã đăng quang tại AFF Cup 2010.
Nhưng không lâu sau đó, bóng đá Malaysia lại chìm sâu vào khủng hoảng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng u ám trên vẫn xuất phát từ tệ nạn cá độ.
Năm 2012, Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) ra án phạt cấm thi đấu trọn đời với 18 cầu thủ và 1 HLV vì tội dàn xếp tỷ số. Tháng 12/2013, 5 cầu thủ khác cùng 3 quan chức của một CLB tại Malaysia bị cấm thi đấu và hoạt động bóng đá suốt đời.
Một năm sau, vào tháng 2/2014, FAM tiếp tục phạt tiền 17 cầu thủ của CLB Kuala Lumpur FA, mỗi người 5.000 ringgit (tương đương 1.500 USD) cũng vì tội dàn xếp tỷ số.
Những cổ động viên cuồng nhiệt nhất của bóng đá Malaysia có lúc chẳng còn mấy cảm xúc mỗi khi xuất hiện thông tin cầu thủ bị bắt hay chịu án phạt.
Gần nhất vào tháng 4/2017, cảnh sát Malaysia bắt giữ HLV và 4 cầu thủ của CLB Mifa để điều tra nghi án dàn xếp tỷ số trong nhiều trận thua của đội ở giải hạng nhì quốc gia (Liga Premier).
Chưa dừng lại ở đó, những bê bối tham nhũng, bạo lực sân cỏ và nền tảng quản trị yếu kém khiến bóng đá Malaysia lâm vào cảnh khốn cùng.
Giai đoạn 2015-2017 chứng kiến bóng đá Malaysia rơi xuống vị trí thứ 169 trên bảng xếp hạng của FIFA, từng chịu trận thua được coi là đáng xấu hổ nhất trong lịch sử khi thất thủ 0-10 trước UAE ở vòng loại World Cup 2018 vào tháng 3/2015.
7 tháng sau, tháng 10/2015, hooligan Malaysia gây rối tại vòng loại World Cup 2018 trong trận đấu với Saudi Arabia trên sân nhà, khiến đội nhà bị xử thua 0-3.
Cuối năm 2017, Nelo Vingada, một HLV lão làng của bóng đá Bồ Đào Nha, cũng "bỏ của chạy lấy người" chỉ sau chưa đầy 7 tháng có mặt tại Malaysia.
Cũng thời gian đó, trang Fox Sports Asia gọi Malaysia là nền bóng đá "chạm đáy sự thất vọng". Tháng 3/2018, chủ tịch FAM là Hoàng thân Tunku Ismail Ibrahim tuyên bố từ chức chỉ sau 1 năm tiếp quản từ vị cựu chủ tịch cũng đầy bê bối, Hoàng thân Abdullah Ahmad.
Những bức ảnh sống xa hoa của các quan chức, tình trạng bạo lực trên các khán đài cùng nạn dàn xếp tỷ số khiến bóng đá Malaysia dường như không tìm ra lối thoát.
Hiện tại, ở AFF Cup 2020, ĐT Malaysia vừa dính lời tố cáo về "trận đấu có mùi" khi gặp ĐT Lào. Truyền thông Malaysia đã ra sức phản bác về điều này, nhưng điều đó có lẽ vẫn tạo ra ảnh hưởng không tốt đến tinh thần của ĐT Malaysia tại giải.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.