EPTS giúp phát hiện tiêu cực
Khi được phóng viên NTNN đặt vấn đề về EPTS, các huấn luyện viên (HLV) đều tỏ ra khá hồ hởi. Cựu danh thủ Nguyễn Văn Sỹ - người từng dẫn dắt V.Ninh Bình và nhận trái đắng khi bị một nhóm học trò qua mặt, dàn xếp tỷ số tại AFC Cup 2014, bày tỏ: “Với những người làm nghề như chúng tôi, nếu được trang bị EPTS thì quá tốt. Thiết bị giúp chúng tôi nhận biết được tình trạng sức khỏe của cầu thủ để có sự điều chỉnh trong giáo án huấn luyện, bổ sung dinh dưỡng, dùng người hợp lý trong mỗi trận đấu. Thiết bị cũng cung cấp cho ban huấn luyện một phần về thái độ thi đấu của cầu thủ trên sân. Thông qua lượng vận động, gia tốc, nhịp tim… có thể nhận biết được cầu thủ đã chơi hết sức chưa”.
Các đội bóng V.League vẫn thiếu hiểu biết về công nghệ EPTS. Ảnh: Minh Hoàng
Cựu danh thủ Nguyễn Hữu Đang - hiện là HLV của Quỹ Đầu tư và phát triển bóng đá Việt Nam (VPF) bày tỏ: “Tôi nghĩ đây là một giải pháp rất tiến bộ, vừa giúp các đội bóng, cầu thủ biết được “bản thân” mình để có cách sinh hoạt điều độ, phân phối lượng vận động phù hợp. Đó cũng là cách giúp ban huấn luyện có cơ sở để ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực. Vấn đề còn lại chỉ là sự tự giác và quyết tâm làm bóng đá nghiêm túc của các ông chủ mà thôi”.
Gợi mở câu chuyện, cựu HLV SLNA Nguyễn Hữu Thắng nói: “SLNA cũng đã từng áp dụng công nghệ vào việc kiểm tra sức khỏe cầu thủ nhưng đó cũng chỉ là những thiết bị rất sơ sài. Về việc đầu tư EPTS, theo tôi, các đội tuyển Việt Nam nên áp dụng trong tập luyện, thi đấu trước đã. Sau đó, VFF, VPF nên tuyên truyền để các CLB thấy rõ những mặt tích cực, phát động làm đồng bộ. Điều này tốt cho bóng đá Việt Nam, giúp các cổ động viên có thêm niềm tin trong thời điểm khá “phức tạp” hiện nay”.
Loay hoay chuyện “đầu tiên”
Trong chia sẻ của mình, các HLV, cựu danh thủ đều đề cập đến yếu tố kinh tế để có thể đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn. Đó rõ ràng là một vấn đề nan giải đối với các CLB Việt Nam trong thời điểm khó khăn hiện nay, dù kinh phí để trang bị EPTS cho 1 đội bóng chỉ vào khoảng 1-1,5 tỷ đồng. “SLNA muốn làm lắm nhưng chúng tôi không có kinh phí. Bao năm nay, hoàn cảnh của SLNA luôn rất khó khăn, cầu thủ trụ cột còn không giữ nổi vì thiếu tiền cơ mà”, ông Nguyễn Hồng Thanh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá SLNA nói.
Còn ông Nguyễn Quốc Hội – Chủ tịch CLB Hà Nội T&T bộc bạch: “Tôi cũng mới nghe qua báo chí thôi chứ chưa được biết gì về EPTS. Nghe qua tôi thấy thế là rất tốt và sẽ tìm hiểu nghiêm túc. Mùa giải năm nay cũng đã đi tới đoạn cuối rồi nhưng có thể sang mùa giải mới, sau khi có sự thống nhất từ ban huấn luyện, lãnh đạo đội bóng về mọi mặt, trong đó có vấn đề kinh phí, chúng tôi sẽ đầu tư. Điều gì tốt giúp cải thiện chất lượng đội bóng thì chúng tôi đều ủng hộ”.
Thấu hiểu cái khó của các CLB, ông Huỳnh Mau – Giám đốc điều hành HAGL nói: “Với HAGL, số tiền 1-1,5 tỷ đồng để giúp cải thiện chất lượng đội bóng là hợp lý, nhưng với các CLB khác thì lại không hề dễ dàng. Chính vì vậy tôi cũng ngại trao đổi gì với các CLB khác vì tế nhị lắm! Ở HAGL mới áp dụng được khoảng 6 tháng nên cũng chưa thể nói hiệu quả đến đâu mà phải chờ thêm một thời gian nữa”.
Cầu thủ Mạc Hồng Quân (Than Quảng Ninh) chia sẻ: “Trong những ngày tập luyện và thi đấu ở đội trẻ Sparta Prague (Cộng hòa Czech) tôi đã được làm quen với thiết bị này. Khi về Việt Nam, tôi cũng mang theo một bộ nhưng đó là phiên bản cũ chứ không hiện đại như bộ Man City mới dùng khi tới Việt Nam. Tôi nghĩ, các đội bóng Việt Nam nên trang bị cho cầu thủ trong tập luyện, thi đấu. Đeo nó bên mình có vướng víu gì đâu”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.