Bóng hồng trong "Nỗi buồn hoa phượng" của nhạc sỹ Thanh Sơn

Thứ năm, ngày 12/11/2020 16:40 PM (GMT+7)
Cố nhạc sỹ Thanh Sơn để lại cho đời nhiều nhạc phẩm nổi tiếng với ca từ đẹp như bài thơ. Trong số đó, “đứa con tinh thần” mà ông “cưng” nhất chính là “Nỗi buồn hoa phượng”, bắt nguồn từ rung động thời trẻ của nhạc sỹ với người con gái mang tên loài hoa học trò.
Bình luận 0

Từ nguồn cảm xúc nào, nhạc sỹ Thanh Sơn đã viết “Nỗi buồn hoa phượng”? Nhạc sỹ đã “khai” trong chương trình ca nhạc giới thiệu nhạc phẩm của ông, do Trung tâm Thúy Nga thực hiện, cách đây đã lâu: “Sở dĩ có bài hát này là khi tôi đang học trung học, năm 1953, tôi có quen với một cô cùng lớp có tên Nguyễn Thị Hoa Phượng. Gia đình cô ấy là một công chức ở Sài Gòn chuyển về Sóc Trăng làm việc. Sau ba năm gia đình cô ấy lại chuyển công tác về Sài Gòn. Cô ấy đến từ giã tôi, nói rằng, ngày mai em về Sài Gòn trở lại rồi, tạm xa anh một thời gian, có thể em sẽ xuống Sóc Trăng thăm anh”. Nhạc sỹ Thanh Sơn khi đó mới hỏi ngược lại: Nếu nhớ nhau thì liên lạc với nhau bằng cách nào? Không ngờ, người con gái ông thương nhớ đáp: “Dễ lắm anh ơi! Mỗi năm mùa hè hoa phượng nở, anh nhìn hoa phượng nở là nhớ tới em vì tên em là Hoa Phượng”.

Bóng hồng trong "Nỗi buồn hoa phượng" của nhạc sỹ Thanh Sơn - Ảnh 1.

Nhạc sỹ Thanh Sơn hát "Nỗi buồn hoa phượng" (Ảnh: Chụp từ video của Thúy Nga)

Nhạc sỹ Thanh Sơn sinh năm 1940 (tuổi Thìn), khi đó ông mới 13 tuổi nhưng trái tim đã rung động vì yêu. Phải đến năm 1963 ông mới viết “Nỗi buồn hoa phượng” trong sự ngẫu hứng. Vào một buổi đêm nóng nực, ông ngồi ngoài sân hóng mát, cảm hứng ùa về, ông cặm cụi viết chỉ trong vòng 2 tiếng đã hoàn thành cả lời và nhạc. “Nỗi buồn hoa phượng” được thăng hoa qua giọng ca Thanh Tuyền. Sau đó, ca khúc còn được rất nhiều danh ca thể hiện. Có thể kể đến tiết mục kết hợp ba giọng ca tiêu biểu cho ba thế hệ của dòng nhạc bolero: Hoàng Oanh- Hương Lan- Như Quỳnh với liên khúc “Nỗi buồn hoa phượng- Lưu bút ngày xanh”, do Trung tâm Thúy Nga thực hiện.
Bóng hồng trong "Nỗi buồn hoa phượng" của nhạc sỹ Thanh Sơn - Ảnh 2.

Thanh Tuyền hát "Nỗi buồn hoa phượng" trên sân khấu hải ngoại.

Nhạc sỹ Thanh Sơn viết khá nhiều về hoa. Không chỉ mang nỗi niềm với hoa phượng, ông còn “mắc nợ” hoa anh đào, loài hoa biểu trưng của đất nước mặt trời mọc. Đó là bài “Mùa hoa anh đào”: “Mùa xuân sang có hoa anh đào/Màu hoa tôi trót yêu từ lâu/Lòng bâng khuâng nhớ ai năm nào/Hẹn hò nhau dưới hoa anh đào/Mình nói chuyện ngày sau”. Ca khúc này từng “hot” một thời. Nhạc sỹ Thanh Sơn chia sẻ cảm hứng để ông viết “Mùa hoa anh đào”: “Năm 1960, tôi mới cưới vợ, vợ tôi lúc đó rất giống cô gái Nhật Bản. Thành thử tôi hứa với vợ rằng, anh sẽ sáng tác tặng em một bài để kỷ niệm ngày thành hôn của hai đứa mình. Đó chính là bài “Mùa hoa anh đào”. Dù là bài hát tặng vợ nhân ngày thành hôn, thì ca khúc vẫn không thoát khỏi điệu buồn thường thấy trong sáng tác của nhạc sỹ tài hoa: “Rồi xuân sang thấy hoa anh đào/Màu hoa đây, dáng xưa còn đâu? Niềm tâm tư khép kín trong lòng/ Và tôi yêu bóng ai năm nào/Như đã yêu hoa anh đào”. Nhạc sỹ Thanh Sơn lập gia đình năm 21 tuổi. Vợ ông khi đó 20 tuổi.
Bóng hồng trong "Nỗi buồn hoa phượng" của nhạc sỹ Thanh Sơn - Ảnh 3.

Cố nhạc sỹ Thanh Sơn khi trẻ và người vợ có gương mặt như phụ nữ Nhật Bản (Ảnh: Internet)

Một ca khúc về hoa khác của Thanh Sơn được khán giả nhiều thế hệ yêu mến chính là “Hoa tím người xưa”: “… Hương xưa ơi tìm đâu thấy kỷ niệm/Bởi một màu hoa tím/Còn lại đây những khung trời chơ vơ/Tháng năm lòng ngóng chờ/ Rồi từ đó những đêm buồn mang tới/Thương nhớ khôn nguôi người xưa xa cách rồi/Ân tình suốt đời, giấu trong lòng riêng nức nở mà thôi”.

Khi còn sống, nhạc sỹ từng chia sẻ: “Bài hát Hoa tím người xưa là một chuyện tình có thật, là một kỷ niệm của đời tôi. Vào năm 1965, tình yêu của tôi rất tràn trề, tuổi đời của tôi lúc đó vào khoảng ngoài 20. Tôi có quen với một người con gái và chúng tôi có hẹn hò lên Đà Lạt, vào một vườn hoa tím rất đẹp ở Thung Lũng Tình Yêu. Chúng tôi tâm sự rồi sau đó chia tay. Hai năm sau, tôi trở lại cũng vườn hoa đó, mà người xưa thì không còn nữa. Tôi thẫn thờ, buồn và thốt lên: Người xưa hỡi thấu cho nỗi lòng hoa tím còn người đâu…”.

Vì ca khúc của Thanh Sơn có ca từ đẹp, được ông chắt chiu viết ra, nên nhạc sỹ phiền lòng khi ca sỹ hát sai lời ca khúc. Thí dụ, trong “Hoa tím người xưa”, có ca sỹ hát: “suối tình cô liêu”. Ông phê bình: “suối tình cô liêu” vô nghĩa. Hát đúng phải là : “Gom nhớ thương sưởi tình cô liêu ấm thêm lòng ít nhiều”. Hay ngay câu mở đầu: “Rồi chiều nay lá khô rơi đầy có người nhìn buồn lây”, tác giả dùng “lá khô” để diễn tả mối tình đã chết. Trong khi đó, một vài ca sỹ lại chuyển “lá khô” thành “lá thu” khiến nhạc sỹ không hài lòng.

Bóng hồng trong "Nỗi buồn hoa phượng" của nhạc sỹ Thanh Sơn - Ảnh 4.

"Hoa tím người xưa" là ca khúc Như Quỳnh hát khi lần đầu xuất hiện trên sân khấu Thúy Nga. (Ảnh: Chụp từ video của Thúy Nga)

Là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng: Nhật ký đời tôi, Áo mới Cà Mau, Hương tình cũ, Hình bóng quê nhà, Hát nữa đi em, Hương tóc mạ non, Phượng buồn, Trả lại thời gian, Gợi nhớ quê hương, Thương về cố đô…. Nhưng Thanh Sơn yêu nhất tác phẩm nào? Ông trả lời trong chương trình do Thúy Nga thực hiện: “Đời sáng tác của tôi được nhiều bài nổi tiếng. Tôi chỉ mong khi tôi nằm xuống rồi, thế hệ sau này nhớ giùm tôi chỉ một bài thôi, đó là bài “Nỗi buồn hoa phượng”.
Bóng hồng trong "Nỗi buồn hoa phượng" của nhạc sỹ Thanh Sơn - Ảnh 5.

Nhạc sỹ Thanh Sơn và danh ca Hương Lan, người trình bày thành công nhiều nhạc phẩm của ông (Ảnh: Internet)


Đào Nguyên (Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem