Bông sậy khi vào mùa mang về nguồn thu nhập khá lớn cho người dân dưới tán rừng U Minh Hạ.
Cách đây khoảng 8 năm, trái giác được người dân ở Ấp 4, xã Khánh Thuận xem như "cứu tinh", giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Hái trái giác trở thành nghề của đông đảo người dân nghèo nơi đây. Hằng năm, bước vào tháng 6, tháng 7 âm lịch là người dân trên địa bàn Ấp 4 bước vào mùa hái trái giác cho đến cuối tháng 11 âm lịch.
Vào những ngày này, gia đình ông Nguyễn Văn Ngoán bắt tay vào mùa hái trái giác. Gia đình ông Ngoán thuộc diện khó khăn nên những năm qua cuộc sống của vợ chồng ông phụ thuộc rất lớn vào việc hái trái giác.
Ông Ngoán cho biết: “Bây giờ mới vô mùa, giác chưa chín nhiều, lại lớn tuổi nên mỗi ngày vợ chồng tôi hái được từ 40-50 kg trái giác, mỗi ký bán được 8.000 đồng, sau khi trừ chi phí còn được từ 250.000-300.000 đồng, vào chính vụ mỗi ngày vợ chồng tôi kiếm cũng được từ 500.000-600.000 đồng. Nhờ có trái giác mà cuộc sống gia đình tôi cải thiện đáng kể, mua được nhiều vật dụng sinh hoạt trong gia đình, đời sống cũng thoải mái hơn trước rất nhiều”.
Mỗi ngày một người có thể hái hàng chục ký trái giác, thu nhập từ 200.000-250.000 đồng. Vào chính vụ, mỗi người có thu nhập từ 300.000-400.000 đồng/ngày.
Ông Danh Riêng cho biết: “Hiện trái giác được thu mua làm rượu, kẹo, mứt và sirô nên nhu cầu về trái giác nguyên liệu rất lớn, người dân không phải lo đầu ra. Do hút nguồn nguyên liệu nên tới đây sẽ có nhiều cơ sở từ tỉnh khác đến mua, có sự cạnh tranh nên giá có thể sẽ tăng cao hơn. Để thu mua hiệu quả, thời gian tới tôi sẽ mở thêm cơ sở ở xã Nguyễn Phích để gom trái giác cho bà con nơi đây, khi ấy số người có thu nhập từ trái giác trên địa bàn huyện U Minh cũng sẽ tăng lên”.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thắng là một trong những hộ nghèo của Ấp 4, ít đất sản xuất lại đông con nên trước đây cuộc sống gia đình và chuyện học hành của các con anh gặp rất nhiều khó khăn, nhưng kể từ khi hái trái giác, rồi chuyển sang hái nhàu, cuộc sống gia đình anh dần được cải thiện.
Cây nhàu được biết đến như một loại dược liệu dễ tìm ở các vùng nông thôn, có tác dụng rất tốt trong việc điều trị bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, hen suyễn, viêm khớp, tiểu đường… Ảnh: I.T
Anh Thắng chia sẻ: “Hái nhàu khoẻ hơn hái trái giác rất nhiều, mau có ký hơn, giá cũng tương đối cao. Vào mùa khô nhàu tươi có giá từ 12.000-14.000 đồng/kg, mùa mưa mỗi ký cũng 8.000-9.000 đồng. Dù mùa mưa giá có xuống thấp nhưng cũng khá lý tưởng đối với người dân nghèo như chúng tôi.
Trước đây, khi mới bắt đầu, giá trị của trái nhàu chưa ai biết đến nên xung quanh còn rất nhiều, nhờ vậy mỗi ngày tôi hái bán được từ 1-2 triệu đồng, giờ ai cũng biết, bảo vệ hết nên mình phải đi xa hơn, vào sâu trong rừng, hay mua về bán lại kiếm lời, mỗi ngày vợ chồng tôi kiếm được từ 800.000-1 triệu đồng. Nhờ vậy cuộc sống gia đình và chuyện học hành của các con tôi 2 năm nay được cải thiện đáng kể”.
Hiện nay, do có giá nên dây giác, cây nhàu được nhiều hộ dân trên địa bàn Ấp 4, xã Khánh Thuận trồng, đặc biệt là cây nhàu. Bà Phạm Thị E là một trong những người tiên phong thực hiện mô hình.
Trái nhàu được phân theo ô và phơi từ 6-7 ngày mới đủ độ khô. Trái nhàu được các thương lái thu mua rồi giao cho các công ty tại TP Hồ Chí Minh để tạo ra các sản phẩm như trà nhàu, bột nhàu, rượu nhàu... cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản. Ảnh: baocamau
Bà E chia sẻ: “Do thấy trái nhàu có giá nên 2 năm trước tôi thử trồng trên bờ vuông, thấy nó phát triển tốt và cho trái sai nên tiếp tục nhân rộng. Giờ đây tôi ươm được cây giống nên mô hình phát triển khá nhanh, hiện tại cho trái khoảng 200 cây, còn gần 300 cây đang trong giai đoạn 1 năm tuổi. Tôi thấy mô hình này mang lại hiệu quả cao nên tôi sẽ tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới”.
Ông Trần Văn Triều, Trưởng Ấp 4, cho biết: “Những năm qua, nhờ hái trái giác, trái nhàu hay bông sậy bán mà đời sống người dân nơi đây nâng lên rất nhiều. Cộng với sự trợ lực của các cấp, các ngành, năm qua ấp có 19 hộ thoát nghèo, năm nay dự định sẽ tiếp tục có thêm 15 hộ thoát nghèo. Tin rằng thời gian tới, đời sống của người dân trên địa bàn huyện U Minh nói chung, Ấp 4, xã Khánh Thuận nói riêng sẽ cải thiện đáng kể".
Trần Thể (Báo Cà Mau)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.