Bớt được đối thủ Nhật Cường Mobile, Thế giới di động đối diện với rủi ro từ Huawei

Huyền Anh Thứ ba, ngày 28/05/2019 13:32 PM (GMT+7)
Hơn một năm qua, Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài đã phải đóng cửa 51 cửa hàng thegioididong.com và lợi nhuận sau thuế vẫn tăng trưởng 36% so với cùng kỳ năm 2018. Những tưởng, bớt được đối thủ Nhật Cường Mobile do ông Bùi Quang Huy bị khởi tố thì lợi nhuận sẽ tốt hơn, nhưng Thế giới di động lại đối diện với rủi ro mới từ sự căng thẳng thương mại Mỹ Trung và Huawei nằm ở tâm điểm cuộc chiến này.
Bình luận 0

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài mới đây đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2019 với doanh thu thuần hợp nhất đạt 34.122 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.424 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Thế giới Di động tăng trưởng lần lượt 15% và 36% so với cùng kỳ năm 2018.

Lợi nhuận nghìn tỷ, đóng cửa thêm 11 cửa hàng điện thoại

Báo cáo cho thấy, tính riêng tháng 4, công ty đã đạt mức tăng trưởng doanh thu cao thứ 2 chỉ sau tháng đầu năm là 31%. Trong khi đó, lợi nhuận ròng thậm chí còn tăng trưởng nhanh lên đến 62% so với cùng kỳ.

Như vậy, sau 4 tháng Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài đã hoàn thành 31% kế hoạch doanh thu và 40% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm 2019. Biên lợi nhuận ròng luỹ kế 4 tháng đầu năm 2019 là 4,2%, tăng từ 3,5% trong cùng kỳ năm 2018.

img

Xét về quy mô, báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) thể hiện, công ty này đang vận hành và quản lý tổng cộng 2.324 cửa hàng với 3 chuỗi thegioididong.com, Điện máy Xanh và Bách hóa Xanh tính đến cuối tháng 4 vừa qua.

Trong số cửa hàng và công ty đang vận hành này, chuỗi thegioididong.com vẫn dẫn đầu về số lượng khi có tới 1.021 cửa hàng, trong khi chuỗi Điện máy Xanh là 791 cửa hàng và Bách hóa Xanh là 512 cửa hàng.

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất chính là việc Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài tiếp tục cắt giảm số cửa hàng trong chuỗi thegioididong.com. Trọng 4 tháng đầu năm, Thế giới di động đã đóng cửa tổng cộng 11 của hàng điện thoại. Còn nếu tính từ đầu năm 2018 với 1.072 cửa hàng thì đến cuối tháng 4 chỉ còn 1.021 cửa hàng, nghĩa là công ty này đã đóng tới 51 cửa hàng thegioididong.com.

Việc đóng cửa hàng loạt được cho là thị trường điện thoại di động đã tới ngưỡng bão hòa, số lượng điểm bán của Thế Giới Di Động đã vượt quá sức mua của người tiêu dùng. Tuy vậy, trong 4 tháng đầu năm, ngành hàng điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay, phụ kiện, thiết bị đeo vẫn đang là ngành mang lại nhiều doanh thu nhất cho Thế giới Di động với 15.900 tỷ đồng doanh thu, chiếm 46,6% tổng doanh thu trong kỳ, cao hơn so với mức đóng góp 15.535 tỷ (42,6%) của ngành hàng điện lạnh, gia dụng tại các cửa hàng Điện máy Xanh.

Cuộc chiến của Huawei và áp lực với Thế giới di động

Mặc dù đạt được những kết quả kinh doanh khả quan song theo theo nhận định của CTCK VNDirect, doanh nghiệp của đại gia gốc Nam Định cũng như một số đại gia buôn bán điện thoại Việt khác đang đối mặt với những khó khăn sau khi ông trùm viễn thông Trung Quốc Huawei nằm ở tâm điểm cuộc chiến Mỹ-Trung.

Đề cập trong báo cáo, CTCK VNDirect cho rằng, doanh số bán điện thoại của Huawei tại thị trường Việt Nam không lớn nhưng có thể tác động đến một số các doanh nghiệp trên thị trường điện thoại di động Việt Nam. Các nhà bán lẻ và phân phối điện thoại di động Việt Nam sẽ đón nhận những tác động khác nhau.

Theo đó, trong năm 2018 doanh số của Huawei tại Việt Nam đạt hơn 2,6 ngàn tỷ đồng. Đây là một con số khiêm tốn so với vị thế nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ 2 thế giới của Huawei. Con số này chỉ tương đương khoảng 4% thị phần điện thoại tại Việt Nam.

img

Đối với FRT và MWG, tỷ trọng của Huawei trong tổng doanh thu bán điện thoại vào khoảng 4 đến 6%, theo nghiên cứu thị trường của VNDirect. Không có gì đáng nói nếu như không có điều tồi tệ nhất xảy ra đó chính là: Mỹ và Trung chiến thương mại đến cùng và Huawei không có động thái tích cực đối với các đối tác Việt.

“Thế giới di động phải đối mặt với rủi ro về hàng tồn kho và các hợp đồng thanh toán trả góp đang thực hiện cho các sản phẩm của Huawei khi lệnh cấm của Chính phủ Mỹ kéo dài, các sản phẩm Huawei không tiêu thụ được và Huawei không đưa ra chính sách hỗ trợ nào cho các đối tác”, báo cáo đề cập.

Hiện tại, Thế giới di động và FRT đều đang chờ đợi phản hồi từ phía Huawei để tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Tuy nhiên, chiều hướng tích cực nhất chính là việc Huawei và các đối tác sẽ chia sẻ chi phí và xử lý hàng tồn kho bằng cách giảm giá bán và các chương trình khuyến mãi, và Huawei sẽ mua lại toàn bộ lô hàng còn lại từ các nhà bán lẻ. Trong quá khứ cũng đã xảy ra trường hợp tương tự khi Samsung mua lại toàn bộ các sản phẩm Galaxy Note 7 với giá mua lại bằng giá bán lẻ sau sự cố về pin của mẫu flagship này.

img

Thế giới di động có thể phải trích lập dự phòng tối đa cho lô hàng smartphone Huawei ước lên tới 110 tỷ đồng khi căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ và Huawei  leo thang

Kịch bản xấu nhất VNDirect đưa ra, Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài có thể phải trích lập dự phòng tối đa cho lô hàng smartphone Huawei ước lên tới 110 tỷ đồng còn FRT ước khoản 40 tỷ đồng, tương đương 3,8% và 11,5% lợi nhuận ròng 2018 của 2 doanh nghiệp này.

Thế giới di động của ông Nguyễn Đức Tài vừa “bớt” đi được một đối thủ cạnh tranh là Nhật Cường Mobile khi ông chủ của chuỗi của hàng này Bùi Quang Huy bị khởi tố mới đây thì nay lại phải đối diện với rủi ro mới từ tác động gián tiếp của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Chưa kể, sự khốc liệt của thị trường bán lẻ điện thoại trong nước vẫn chưa hạ nhiệt bởi sự gia tăng ảnh hưởng của một số ông lớn khác như FRT, hay Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng… đối với người tiêu dùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem