BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ “nghẹn” giải phóng mặt bằng

Nguyễn Thế Lữ Thứ năm, ngày 10/05/2018 10:51 AM (GMT+7)
Dự án cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ mở rộng giai đoạn II đã nhiều lần lỗi hẹn, lần này có về đích kịp ngày 30.6 khi tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn tắc ở những “lô cốt” trọng điểm. Nguyên nhân do đâu?
Bình luận 0

img

Phần dự án đi qua Trang trại Quỳnh Phương (xã Liên Ninh- Thanh Trì- Hà Nội).

"Lô cốt" trọng điểm vẫn chưa thể "bật"

Đầu tư nâng cấp tuyến đường cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ là dự án trọng điểm quốc gia, góp phần tạo thông thoáng cho cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội với tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng. Giai đoạn 1 đã kết thúc với mức đầu tư 1.531 tỷ đồng; mức đầu tư giai đoạn 2 là 4.737 tỷ đồng được triển khai từ tháng 11.2015, theo kế hoạch sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2017.

Vì tầm quan trọng đặc biệt của dự án, tại cuộc họp ngày 21.7.2016 gồm đại diện của Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội và các quận, huyện tuyến đường đi qua, BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ đã đánh giá kết quả kiểm tra tiến độ, thống nhất đến ngày 30.8.2016 phải bàn giao toàn bộ diện tích đất nông nghiệp (70% mặt bằng của dự án) và đến ngày 30.10.2016 bàn giao toàn bộ phần đất thổ cư (30% mặt bằng của dự án) cho chủ BOT. Để đạt mục tiêu, Bộ GTVT đã nhiều lần đề nghị UBND TP Hà Nội quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng, trung tâm phát triển quỹ đất, thành phố, UBND quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, Phú Xuyên, Thường Tín và hội đồng GPMB các địa phương bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư trong tháng 10.2016 để triển khai thi công.

Đến nay, mục tiêu thông tuyến đường 6 làn xe vẫn chưa đạt được, lỗi hẹn gần 5 tháng so với kế hoạch sẽ đưa vào sử dụng cuối 2017.

Qua tìm hiểu, công tác GPMB hiện còn gần 2 km trên tổng số trên 29 km đường của dự án chưa GPMB (chiếm 5% diện tích mặt bằng tuyến đường). Nguyên nhân là do hồ sơ, nguồn gốc đất không rõ ràng, không thống nhất giữa hồ sơ lưu tại địa phương với thực tế người dân đang sử dụng. Bên cạnh những bất cập trên vẫn còn nhiều người dân chưa nhất trí với mức hỗ trợ chuyển đổi nghề, mức đền bù theo quy định của TP Hà Nội. Nóng nhất là huyện Thanh Trì, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các quận huyện về diện tích chưa bàn giao mặt bằng cũng như đơn thư của công dân.

Theo kế hoạch, cuối tháng 3.2018, sẽ hoàn tất GPMB, các nhà thầu sẽ đẩy nhanh tiến độ với quyết tâm hoàn thành toàn bộ giai đoạn II của dự án. Nhưng thực tế bây giờ đã là giữa tháng 5.2018, những “lô cốt” trên địa bàn huyện Thanh Trì vẫn chưa thể “bật” đi được, Từ thực tế này cho thấy, nếu UBND TP Hà Nội không thật quyết liệt thì rõ ràng mục tiêu thông xe của dự án vào giữa năm nay là khó đạt!

Ắch tắc do đâu?

Cam kết của UBND TP Hà Nội bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 10.2016 đã không được thực hiện. Phía Bộ GTVT cũng đã có “tối hậu thư”…

Theo tìm hiểu, nguyên nhân ách tắc thì có nhiều, nhưng tập trung vẫn ở công tác tuyên truyền, giải quyết đơn thư công dân vẫn chưa đạt yêu cầu, dẫn đến đơn thư tố cáo một số cán bộ xã, huyện…Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Văn Quỳnh, chủ trang trại Quỳnh Phương ở xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì. Theo dự thảo phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư của UBND huyện Thanh Trì, diện tích thu hồi đất của ông Quỳnh đang sử dụng làm trang trại sinh thái là 5.746,6 m2 trong đó 3.332,6 m2 đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64 CP của 36 hộ gia đình đã ký hợp đồng chuyển nhượng, kết hợp để ông Quỳnh có diện tích lớn đủ quy mô làm trang trại; 1.029,5 m2 đất nông nghiệp do UBND xã Liên Ninh quản lý (không phải đất nông nghiệp công ích; 1.029,5 m2 đất phi nông nghiệp (đất đường, mương) do UBND xã Liên Ninh quản lý.

Nhìn vào số liệu của phương án chi tiết bồi thường cho các hộ dân, nhận thấy: Cộng khoản đất của ông Quỳnh và UBND xã Liên Ninh quản lý thì vẫn thiếu 355 m2 đất trong trang trại ông Quỳnh! Điều bất bình thường nữa là 2 khoản đất do xã Liên Ninh quản lý đều cùng một con số trùng nhau đến cả 5 chữ số: 1.029,5 m2. Phải chăng đây là những số liệu “ma” được lập trong hồ sơ đất đai !? 

Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư huyện Thanh Trì có sai phạm nghiêm trọng: ngày 28.10.2016 đã có Biên bản hoàn tất kiểm đếm diện tích đất, công trình trên đất, cây cối hoa màu…nhưng đến nay đã 18 tháng trôi qua vẫn chưa có được Phương án chính thức bồi thường cho ông Quỳnh.

Sau khi phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm, ông Quỳnh đã có đơn. Đoàn thanh tra của huyện Thanh Trì đã làm việc với ông Quỳnh nhưng không ban hành kết luận mà sau đó UBND huyện có văn bản hướng dẫn ông Quỳnh làm đơn gửi UBND TP Hà Nội theo thẩm quyền.  

UBND TP Hà Nội cũng rất chậm trễ trong việc giải quyết đơn thư của công dân. Cụ thể: Ngày 30.8.2017, ông Nguyễn Văn Quỳnh có đơn gửi ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội tố cáo nhiều sai phạm của một số cán bộ huyện Thanh Trì và Chủ tịch UBND xã Liên Ninh. Nhưng mãi đến 21.12.2017 (110 ngày sau), UBND TP Hà Nội mới có văn bản 6505/UBND-BTCD gửi Chánh Thanh tra TP chỉ đạo: “Giao Chánh Thanh tra Thành phố tiếp công dân, làm rõ nội dung đơn, đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo giải quyết theo quy định”.

Ngoài trường hợp ông Quỳnh còn có nhiều đơn thư của công dân khác. Rõ ràng, dự án đang tắc do lòng dân chưa thông. Bởi vậy, công tác giải thích tuyên truyền để người dân hiểu chia sẻ vì lợi ích cộng đồng là điều quan trọng. Đồng thời khắc phục những sai phạm thiết sót trong qua trình thực hiện GPMB để tạo được sự đồng thuận cao từ người dân.

Thiết nghĩ,chỉ có sự quyết liệt của UBND TP Hà Nội thì dự án mới hoàn thành mặc dù đã lỡ hẹn nhiều lần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem