Người ghép thận nhiều nhất Việt Nam với hơn 350 trường hợp ghép, đó là GS-TS Trần Ngọc Sinh, Trưởng bộ môn Tiết niệu học Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Ngoại-Tiết niệu BV Chợ Rẫy. Ngày cuối năm, các con và học trò kéo nhau về thăm thầy. Mâm cơm canh cá đạm bạc nhưng thơm ngon. Tôi là vị khách mời được vinh dự ngồi vào bàn ăn ấy.
“Cử điểu giữ tha nhân tiểu tiện”
GS-TS Trần Ngọc Sinh là thế hệ sinh viên y khoa giao thời giữa trước 1975 và sau 1975 (khóa sơ bộ chuyên khoa 4, năm 1974-1980) của Trường ĐH Y khoa Sài Gòn, nay là ĐH Y Dược TP.HCM. Sau giải phóng, khi phân chuyên khoa, phần lớn bạn bè ông đều chọn nội tổng quát hoặc ngoại tổng quát, ít người chọn ngành tiết niệu học nên ông quyết định chọn chuyên khoa này, cái nghề mà ông nói vui là “cử điểu giữ tha nhân tiểu tiện”, đã là bệnh thì vị trí nào chả là bệnh, cứ gì nơi sạch nơi dơ.
Sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú, trở thành giảng viên của khoa Y Trường ĐH Y Dược TP.HCM, ông được GS Trần Văn Sáng đưa về tổ bộ môn Tiết niệu BV Chợ Rẫy làm nhiệm vụ giảng dạy cho sinh viên tại khoa Ngoại-Tiết niệu. Ông kể lúc đó khoa Ngoại-Tiết niệu của BV Chợ Rẫy vừa mới thành lập giữa năm 1978, chỉ mổ sỏi thận là chủ yếu. Lúc đó ông đã đi lục lọi, tìm trong các kho dược các máy nội soi, bóng đèn nội soi còn tồn lại sau chiến tranh. Trong số máy móc cũ đó có các máy thận nhân tạo (máy nhiều đời, nhiều hiệu khác nhau, muốn chạy được phải “râu ông nọ cắm cằm bà kia”), nhờ đó mà ông sáng lập ra khoa Thận nhân tạo của BV Chợ Rẫy, xây dựng như vậy lần lần mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay.
Bữa cơm cuối năm của gia đình GS-TS Trần Ngọc Sinh. Ảnh: DUY TÍNH
GS Trần Ngọc Sinh trong phòng mổ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
“Tôi chỉ là đàn em nhỏ thôi”
Năm 1988, 34 tuổi, ông được giám đốc BV Chợ Rẫy lúc đó là GS Trịnh Kim Ảnh đề bạt kiêm nhiệm trưởng khoa Ngoại-Tiết Niệu. Đến nay, có thể nói ông là trưởng khoa lâu đời nhất ở BV Chợ Rẫy với 25 năm thâm niên (ông thôi trưởng khoa theo quy định khi 60 tuổi năm 2014, hiện tiếp tục công việc giảng dạy).
Năm 1990, Bộ Y tế quyết định triển khai chương trình ghép thận do nhu cầu cứu chữa người suy thận rất lớn. Học viện Quân y được giao trọng trách này với nhóm thầy thuốc tên tuổi là GS-Trung tướng-TS Lê Thế Trung, GS Phạm Mạnh Hùng và PGS Tôn Thất Bách. Nhóm đã mời BV Chợ Rẫy tham gia từ đầu. GS Trần Ngọc Sinh lúc đó là bác sĩ chuyên khoa I, được cử vào kíp phẫu thuật viên phối hợp với Học viện Quân y.
Rồi lần đầu tiên ở Việt Nam, tháng 6-1992, ba trường hợp ghép thận thành công tại Hà Nội. Ê kíp phẫu thuật chính là GS Chu-Shue Lee (Đài Loan), GS Tôn Thất Bách, có sự tham gia của nhóm phẫu thuật viên BV Chợ Rẫy. Sau đó sáu tháng, thêm hai trường hợp thành công tại BV Chợ Rẫy, cũng với ê kíp trên.
Với hơn 350 ca ghép thận (tính đến tháng 4-2014), ông được công nhận lập kỷ lục ở Việt Nam về ghép thận. Nhưng ông cho rằng đó là con số nhỏ nhoi so với nhu cầu ghép thận của người dân. Mong muốn của ông là vận động thêm nhiều người hiến tạng khi chết. Ông thường nói nếu một người chết tim, não hiến tạng thì có thể cứu sống 6-7 người, tại sao không làm. Bản thân ông cũng sẽ hiến tạng sau khi chết để cứu người.
Tiếp lửa
Câu chuyện trong bữa cơm bị cắt ngang bởi sự xuất hiện của ThS-BS Trần Ngọc Khắc Linh cùng vợ là BS Đỗ Hoàng Cúc và em trai là BS Trần Ngọc Tường Linh. Thiếu một người là cô con gái út đi học dược sĩ tại Mỹ đã không về được. Nhìn những người con ngoan ngoãn, học giỏi, GS Sinh tâm sự: “Tôi không chủ trương ép con đi học theo ngành y, chỉ hướng con chút chút, đứa nào không thích thì thôi nhưng đứa nào cũng yêu ngành y”.
ThS-BS Khắc Linh (34 tuổi) là con trai đầu của GS Sinh, hiện là giảng viên của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đang làm nghiên cứu sinh tại Úc với học bổng của chính phủ Úc. Hiện BS Khắc Linh đang nghiên cứu về ung thư tiết niệu tại ĐH Flinder (Úc), cùng chuyên ngành như cha. Cô con dâu là giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, được học bổng của Bộ GD&ĐT, đang làm nghiên cứu sinh tại ĐH Flinder. Còn cậu con trai thứ hai là BS Trần Ngọc Tường Linh, hiện đang học tiếp chương trình bác sĩ nội trú và sống nhờ lương… cha mẹ.
Để nuôi dạy nên những người con ngoan, giỏi như thế, công đầu phải kể đến người vợ của giáo sư, bà Ngô Thị Giẻo, trước là cô giáo dạy toán của Trường THPT Telơman (quận 1), về hưu năm 2008. Quả ngọt ngày hôm nay chính là những tháng ngày vất vả chăm sóc cho những bác sĩ tương lai này. Bà nói sợ nhất là các con thiếu ý chí phấn đấu, sợ các con chỉ biết dựa vào cha mà quên đi sức mạnh tự chính bản thân mình.
“Y là nghề cần kinh nghiệm, phải từ từ chứ trong phẫu thuật mà tâng bốc tức là ẩu, rất nguy hiểm. Phải học hành đàng hoàng và nghĩ về nghề y một cách đúng đắn. Mình tận tâm, tận lực với nghề thì nghề sẽ nuôi mình” - GS Sinh nói về nguyên tắc dạy con, dạy học trò và đó cũng là cách đến với nghề y của mình.
Bữa cơm gia đình hôm ấy đầm ấm, hạnh phúc và tràn đầy sự tôn kính.
Năm 1986-1987, cha tôi bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Lúc đó máy chạy thận thì có nhưng rất hiếm dụng cụ và phụ tùng để chạy thận. Tôi đau đớn ngồi nhìn cha tôi chết dần. Sau đó tôi quyết tâm xây dựng bằng được một trung tâm thận nhân tạo đầy đủ cho người suy thận mạn. Tôi đã mất hàng chục năm để làm việc và có thành quả như ngày hôm nay.
GS-TS TRẦN NGỌC SINH
Vui lòng nhập nội dung bình luận.