Châu Anh là một cô bé vốn thiên về hướng nội. Trải qua khủng hoảng tuổi dậy thì, con đã tự tin trở thành một học sinh xuất sắc, hòa nhập với môi trường xung quanh - điều mà trước đó con không thể. Thông qua bức thư người thầy gửi cho Châu Anh, bất cứ ai cũng có thể thấy được những điều rất ý nghĩa trong đời.
Mẹ Châu Anh viết cho tôi những dòng xúc động: "Bạn à, con gái tớ đã "lột xác" từ một cô bé nhút nhát và hướng nội, con đã tự tin tham gia làm tình nguyện viên thiện nguyện, giành giải nhất nhóm nhảy hiện đại cùng trường khi tham gia thi đấu biểu diễn toàn hệ thống. Nghe lời thầy cô, con tham gia các hoạt động tranh biện, vẽ tranh, thuyết trình, dựng phim… Thật tuyệt vời phải không bạn?! ".
Cảm xúc thật lâng lâng khi cùng chứng kiến con gái của bạn mà tôi cũng coi như con của mình bước qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý (dậy thì, chuyển trường, học xa nhà, môi trường mới từ bạn bè tới thầy cô, phương pháp học khác biệt…).
Châu Anh đã phải trải qua những "cú sốc" tình cảm tuổi dậy thì, rồi phải chuyển đến một môi trường mới - đó là cú sốc đúp với Châu Anh.
Bạn tôi kể, khi chứng kiến những cảm xúc thăng trầm của con, có những lúc hai mẹ con đã cùng tìm hướng đi mới, tìm học bổng du học, kiếm cơ hội thay đổi hiện tại… Nhưng cuối cùng, Châu Anh lại quyết định ở lại học tập tại Việt Nam. Châu Anh được gửi tới một ngôi trường hoàn toàn mới, con phải trải qua một giai đoạn khó khăn để hòa nhập.
Vốn là cô bé quá tình cảm và nhạy cảm, ở lứa tuổi dậy thì, Châu Anh thường khóc, biểu cảm buồn nhiều hơn vui, thậm chí không muốn tới trường khi gặp những chuyện làm Châu Anh stress. May mắn thay, Châu Anh không giấu mẹ những cảm xúc ấy.
Bạn tôi đã cùng con "gỡ rối" từng nút thắt trong cảm xúc của con. Bạn tôi cũng kết nối với thầy cô ở lớp, đặc biệt là thầy giáo dạy tiếng Anh - môn học mà Châu Anh rất yêu thích, rất ham mê khám phá thứ ngôn ngữ mang lại cho con nhiều điều hay, nhiều thông tin mới lạ.
Thông qua sự gợi mở của thầy, con đã có rất nhiều "topic", nhiều bài viết về cảm xúc, cảm nhận, chia sẻ của con bằng tiếng Anh - nơi con cảm thấy như "bí mật được gửi gắm an toàn".
Qua đó, người thầy đã phần nào hiểu được tâm lí của con, kịp thời có những chia sẻ, động viên, khích lệ con thông qua thứ ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt với ngôn ngữ cha sinh mẹ đẻ, từ đó, con có nhận thức, hành động đúng đắn, chấp nhận thực tại và vươn lên thay đổi chính mình theo hướng tích cực nhất.
Giai đoạn khó khăn ấy, Châu Anh đã vượt qua, với sự đồng hành của mẹ, của cô giáo chủ nhiệm, và cả người thầy nước ngoài hữu duyên xuất hiện nâng đỡ con đúng lúc.
Năm học 2023 nhiều biến động vừa kết thúc, Châu Anh đã trở thành học sinh xuất sắc với những thành tích đáng nể cả về học tập và hoạt động ngoại khóa. Món quà Châu Anh nhận được khi bước vào cấp 3, là bức thư của người thầy ngoại ngữ tận tâm với Châu Anh suốt hành trình con học ở ngôi trường mới ấy. Đó cũng là một "bảo bối" trong hành trang cho Châu Anh bước vào năm học tiếp theo với tâm thế tự tin, mạnh mẽ, thấu hiểu.
Tôi được bạn "khoe" bức thư đầy nhân văn của thầy giáo nước ngoài gửi cho con, và được bạn đồng ý cho chia sẻ với mọi người, bởi bức thư của thầy đã chạm vào cảm xúc của những người làm cha mẹ như tôi và có lẽ, với nhiều người cha người mẹ khác. Chia sẻ bức thư để thấy được, những người thầy, cô đến trong cuộc đời đã giúp những người học trò như Châu Anh có được sự thay đổi tốt hơn, tích cực hơn.
"Châu Anh,
Em đã mãi mãi "hơn thầy một bậc" rồi đó. Làm sao thầy có thể viết được những câu từ mạnh mẽ nhưng thẳng thắn như cách em đã làm? Tuy vậy, thầy vẫn rất muốn viết cho em, mặc cho câu trả lời thầy cho có rời rạc tới đâu đi chăng nữa.
Lần tới khi em đang tìm kiếm một cuốn sách, em nên đọc cuốn: "Bạn sống như thế nào?" của tác giả Yoshino Genzaburo. Ắt hẳn em và nhân vật ấy sẽ hợp nhau đó. (Nếu em có thời gian và năng lượng để đọc nó, thầy có một bản sao em có thể mượn.)
Phong cách viết của em là kiểu viết yêu thích của thầy: em miêu tả duyên dáng, sử dụng từ ngữ như nét vẽ trong tranh; em tò mò trong những suy nghĩ của mình, suy nghĩ ra "thành tiếng" trên trang giấy. Em đang sống thật với cảm xúc của chính mình, cho khán giả của em (thầy) thấy được sự thật thuần khiết và lộn xộn. Cảm ơn em đã tin tưởng thầy đủ để cho thầy thấy khía cạnh duyên dáng, ham học hỏi và thẳng thắn của em. Để làm được điều đó cần rất nhiều sự can đảm.
Bất cứ ai cũng có thể viết một lá thư mà họ không bao giờ gửi đi. Ai cũng có thể gửi thư một cách nặc danh. Nhưng ai có thể viết sự thật dễ bị tổn thương và sau đó nhấn gửi? Em thật dũng cảm.
Thầy chắc rằng em đã nghe lời khuyên này rồi, nhưng chính nó đã đôi lúc giúp ích cho thầy: "Rồi sẽ qua."
Khi em hạnh phúc, nó sẽ qua. Khi em buồn, nó sẽ qua. Vì vậy, thầy đoán cảm xúc có thể giống như thời tiết. Mỗi ngày nắng, mỗi ngày nhiều mây, mỗi ngày mưa - rồi sẽ qua. Khi mùa hè, khi mùa xuân - nó sẽ qua.
Khi em buồn, khi em vui, khi em không thể chịu đựng được - nó sẽ qua đi. Đôi khi những cảm xúc tồi tệ của chúng ta chỉ kéo dài trong một "ngày" và - trong trường hợp đó - thật khó chịu.
Đôi khi những cảm xúc tồi tệ của chúng ta sẽ kéo dài cả một "mùa" và trong trường hợp đó - thật không thể chịu nổi. Nhưng thầy hứa với em, nó sẽ qua; mọi thứ trôi qua - ngay cả cuộc sống trung học, thật khó khăn.
Thầy thấy rất nhiều "Tate thời trẻ" trong em: tinh ý, ít nói, ham học hỏi - một bông hoa sắp nở, một cơn bão sắp ập đến. Vì vậy, những gì thầy sẽ nói tiếp theo thầy sẽ nói với "Tate lớp 10."
Tìm kiếm cơ hội để làm những việc khác nhau trong các lĩnh vực công việc/học tập khác nhau. Nói cách khác, em hãy biết cảm giác sống một ngàn kiếp là như thế nào.
Điều này có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau: làm công việc tình nguyện mà em có thể giúp đỡ người khác; đi chơi với những bạn khác bằng tuổi em và tìm hiểu gia đình của họ; tìm hiểu cha mẹ của em như những người thực sự, không chỉ là "Bố" và "Mẹ", vì vậy hãy hỏi họ hàng tỷ câu hỏi và dành thời gian cho họ; tận dụng mọi lớp học em từng có, cả về việc học lý thuyết lẫn học hỏi từ những người xung quanh em.
Thầy không biết em có cần lời khuyên này nhiều như thầy đã từng không, nhưng thầy đoán là em sẽ cần: "hãy biết cảm giác sống một ngàn kiếp"- có nghĩa là làm quen với một ngàn người.
Có một thống kê thế này: "5% số người bạn gặp sẽ thích bạn, 5% sẽ không thích bạn và 90% sẽ không thực sự quan tâm."
Thoạt đầu, những con số này có vẻ đáng buồn: "Chỉ 5% mọi người thích tôi?!?" Nhưng hãy nhìn vào nó theo cách này: "95% tất cả mọi người không ghét tôi." Cá nhân thầy thường cảm thấy như một người ngoài cuộc, rằng mọi người không thực sự thích thầy. Nhưng, hầu như sẽ không có ai không thích thầy cả, và cũng gần như không có ai ghét em cả".
Vậy, các bạn ở lớp có quý em rồi đó, Châu Anh à, hoặc các bạn vẫn chưa biết đủ về em để thích em. Ngoài ra, có bao nhiêu bạn ở trên lớp biết em biết gì về tụi nó không? Có thể các bạn ấy cũng nghĩ như em, rằng không ai hiểu họ cho lắm, nhưng Châu Anh à, em thấy và biết họ. Nên có thể họ cũng thấy và biết em ấy thôi, chỉ là họ không bộc lộ ra ngoài nhiều đủ để em nhận ra.
Thầy sẽ rất buồn khi không gặp em trong lớp vào học kỳ tới. Thầy ích kỷ mong em sẽ ở lại; nhưng thầy chỉ hy vọng em sẽ đi bất cứ nơi đâu là tốt nhất cho em.
Em sẽ đi đâu? Và để trả lời những câu hỏi/suy nghĩ của em về thầy, thầy dự định ở lại - thầy muốn ở lại Việt Nam cho tới khi Wilde (con trai thầy) học xong, tức là tới hơn 16 năm nữa. Thầy muốn mang đến cho con thầy một cuộc sống đa ngôn ngữ, giống như những gì em đã đạt được.
Chà, đã tới lúc thầy phải đi rồi. Thầy ước mình có thể hùng hồn hơn trong lời khuyên của mình ở trên - thầy đã có thể là vậy nếu thầy có tất cả thời gian trên thế giới để suy nghĩ. Vì vậy, thầy sẽ tiếp tục suy nghĩ, và khi thầy có thể diễn đạt những suy nghĩ của mình bằng ngôn từ tốt hơn, thầy sẽ viết lại cho em...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.