Điệp khúc quen thuộc
Khi triển khai bất cứ một công trình thủy điện nào, các nhà tư vấn và thiết kế cũng đều đưa ra những số liệu rất “thuyết phục” nhằm nhận được cái gật đầu của các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Một điệp khúc mà người dân nghe đã mòn cũ: Cắt lũ cho mùa mưa, bổ sung nước cho mùa khô hạn... Nhưng sự thật đã trả lời từ nhiều năm nay: Không có chuyện đó!
|
Nhiều dòng sông ở khu vực miền Trung đã thành sông chết từ khi các nhà máy thủy điện mọc lên ở thượng nguồn. |
Ví như Thủy điện An Khê - Kanak trên dòng sông Ba thuộc tỉnh Gia Lai. Các nhà tư vấn cho rằng công trình thủy điện này sẽ góp phần cắt lũ cho sông Ba ở phía hạ du thuộc tỉnh Phú Yên đồng thời bổ sung nước cho mùa khô, thậm chí còn tưới cho trên 3.000ha đất canh tác thuộc lưu vực sông Kôn tỉnh Bình Định nữa! Xin được lưu ý là tỉnh Bình Định chẳng dính dáng gì với sông Ba vì cách đèo An Khê.
Tương tự sông Ba, Thủy điện Đăk Mi4 (Phước Sơn, Quảng Nam) cũng thế. Các nhà thiết kế đã đưa ra con số “thuyết phục”: Công trình này góp phần cắt lũ trên các sông Vu Gia và Thu Bồn của Quảng Nam, đồng thời bổ sung nước tưới cho 10.000ha đất canh tác của các huyện Đại Lộc, Điện Bàn và TP.Đà Nẵng.
Nước từ Thủy điện Đăk Mi4 cũng sẽ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho toàn TP.Đà Nẵng cũng như thỏa mãn nhu cầu cho các nhà máy của thành phố này.
Với Thủy điện Đăk Rinh trên sông Rin thuộc huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, công suất 130MW, vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, các nhà tư vấn cũng chỉ sửa cái tên công trình và các địa danh phía hạ du, còn điệp khúc “cắt lũ, bổ sung nước” thì không có gì thay đổi.
Ai cũng biết, miền Trung luôn phải đối mặt với chuyện lũ lụt và hạn hán, cho nên khi các nhà tư vấn đưa ra các thông số kỹ thuật của các công trình thủy điện để “cứu” dân, chẳng có nhà quản lý nào mà không đồng ý. Tuy nhiên, thực tế những năm qua, lợi nhuận từ các nhà máy thủy điện thì các chủ đầu tư hưởng, còn hậu quả từ thủy điện thì dân lãnh đủ!
Cắt lũ trong… mùa khô
Bắt đầu từ tháng 1.2011, khi Nhà máy Thủy điện An Khê -Kanak tích nước, chuẩn bị phát điện tổ máy số 1 vào tháng 6 tới, thì cũng là lúc sông Ba “chết” từ từ. Dân thị xã An Khê nói rằng nhà máy thủy điện này chỉ “cắt lũ trong mùa khô” thôi.
Bằng chứng của việc “cắt lũ” này là 7 vạn dân thị xã An Khê bỗng dưng bị cúp nước vì nhà máy nước ngừng hoạt động do sông Ba trơ đáy. Đang là mùa khô khốc liệt ở Tây Nguyên, hàng ngàn hộ dân ven sông Ba đang cần nước để tưới cà phê và các loại cây công nghiệp khác, giờ đành treo máy bơm vì 28km từ chân đập Thủy điện An Khê đến huyện Kong Chro của sông Ba giờ thành sông chết.
Bình quân mỗi tỉnh ở miền Trung hiện có từ 5 đến 15 công trình thủy điện. Sau những trận đại hồng thủy vào các năm 2009-2010 mà “nghi can” một phần được xác định là do việc xả lũ từ các hồ chứa nước của các công trình thủy điện, Bộ Công Thương đã rút phép đối với 38 công trình tại khu vực này.
Chưa hết, các nhà máy chế biến gỗ, tinh bột sắn, đặc biệt là Nhà máy Đường An Khê đang sử dụng nguồn nước từ dòng sông này đều “tạm ngừng” hoạt động do thiếu nước, đẩy hàng chục vạn nông dân trồng mía, sắn, cà phê vào đường cùng.
Có lẽ hàng chục vạn dân rất khó để bắt bẻ Nhà máy Thủy điện An Khê - Kanak vì trong thiết kế trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, chủ đầu tư chỉ đề cập đến việc “tưới nước cho trên 3.000ha ở Bình Định” mà thôi! Thay vì nước đổ lại sông Ba sau khi qua máy phát điện, các nhà thiết kế cho đục đường hầm dẫn nước xuyên đèo An Khê để đổ về sông Kôn Bình Định, vì thế mới có chuyện nước của sông bên này đèo mà tưới được ruộng bên kia đèo.
Thủy điện A Vương vừa tích nước năm 2008, TP.Đà Nẵng lập tức bị nhiễm mặn, 10.000ha lúa vùng hạ du sông Vu Gia bị hạn nặng, giờ chuẩn bị đến lượt Đăk Mi4 hoạt động, không biết TP.Đà Nẵng sẽ như thế nào khi phải đối mặt với một mùa khô hạn khốc liệt đang hiển hiện trước mắt.
Bất chấp những kêu ca của người dân và sự phản đối kịch liệt của chính quyền các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp từ các công trình thủy điện ở thượng nguồn, các chủ đầu tư gần như vô cảm trước hậu quả do mình gây ra, hễ đến mùa khô hạn là tích nước để “nuôi thủy điện”.
Nước là của riêng thủy điện (?)
Không một ai dám ghi trong văn bản rằng nước là của riêng ngành thủy điện, song trên thực tế, các chủ đầu tư thủy điện đã nghiễm nhiên xem nước là tài sản của riêng mình. Bằng chứng là TP.Đà Nẵng đã kiện đến cùng vụ “bắt nước Vu Gia chảy qua Thu Bồn” của Thủy điện Đăk Mi4 khiến thành phố này đứng trước nguy cơ nhiễm mặn, nhưng chủ đầu tư vẫn cứ phớt lờ sau rất nhiều chỉ thị của đủ các cấp có thẩm quyền. Thay vì phải xả 47m3/s, Đak Mi4 chỉ xả 8-12m3/s, rồi nhích dần lên 25m3/s như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cả Bộ TNMT lẫn Bộ Công Thương đều thừa nhận những bức xúc của Đà Nẵng về nguồn nước bị cắt do Thủy điện Đăk Mi4 là chính đáng, song họ cũng cho rằng “nếu xả nước theo yêu cầu của Đà Nẵng (47m3/s) thì cũng đồng nghĩa với việc “đóng cửa Nhà máy điện Đăk Mi4” có vốn đầu tư trên 4.600 tỷ đồng.
Cuối cùng, vì 1 tỷ kWh điện mỗi năm mà nhà máy này mang lại đã buộc các bộ phải “xuống nước”. Và, một lần nữa, 400 triệu m3 thay vì chảy về sông Vu Gia để “cứu” 1,7 triệu người vùng hạ du cũng như TP.Đà Nẵng, giờ theo sông Thu Bồn trôi tuột ra biển! Tương tự như thế, nước sông Ba cũng theo đường ống đổ về Bình Định, khiến hàng chục vạn dân dọc sông này chẳng biết bám vào đâu khi mùa khô hạn đến.
Hà Nhiên
Nhà máy đường khốn đốn vì thủy điện
Ông Nguyễn Tấn Cương - Giám đốc Nhà máy đường An Khê cho biết, trong bối cảnh Gia Lai đang khô hạn gay gắt, Thuỷ điện An Khê - Kanak chặn dòng đã góp thêm sự nghiêm trọng của tình hình. Không chỉ nông dân dọc triền sông thiếu nước tưới phục vụ sản xuất, nhà máy chúng tôi cũng bị ảnh hưởng lớn đến tiến độ sản xuất.
Để đảm bảo hoạt động hết công suất, mỗi ngày chúng tôi cần 5.400m3 nước để ép 4.500 tấn mía nguyên liệu, nhưng nước sông Ba cạn, lượng nước cung cấp chỉ đạt khoảng 40-50%. Suốt một tuần qua, mỗi ngày nhà máy chỉ ép được hơn 2.000 tấn mía nguyên liệu, thậm chí có ngày “treo máy”. Vì vậy, chỉ trong khoảng 1 tuần phải ngừng hoạt động, Nhà máy đường An Khê đã tồn đọng hơn 10.000 tấn mía nguyên liệu mua của nông dân.
Thanh Luận
------------------
Bài 4: Cần có quy hoạch điều tiết nguồn nước
Vui lòng nhập nội dung bình luận.