Lâu nay chuyện nhà thơ, nhà văn nổi tiếng bỗng một ngày đẹp trời sắm vai ông chủ, bà chủ ở xứ ta chẳng hiếm. Song lội ngược dòng, từ chủ quán… thành nhà báo, nhà thơ như Bùi Hoàng Tám, chắc là độc nhất vô nhị như lời của người dân Thái Bình tặng cho gã: “Thái Bình có chú Bùi Hoàng/Tám bán quán thịt… chó làm thơ hay”.
Song, càng bất ngờ hơn khi sự thành công trong các tác phẩm của gã, nguồn cảm hứng lại bắt đầu từ những bài thơ về vợ!
Triết lý “Thà rằng thịt chó, lá mơ….”
Hẹn gặp Bùi Hoàng Tám chẳng khó khăn. Tuy nhiên, gã làm người ta mất hứng ngay từ khi giao lưu qua điện thoại vì sự thô, thẳng, thật: “Ba giờ chiều nhé” với lý do vì gã còn bận ngủ trưa. Đúng giờ, thi sĩ xuất hiện. Gã nhà báo của báo điện tử Dân trí bây giờ đi đâu cũng mang theo laptop, vừa nói chuyện, vừa xử lí bài vở.
Vừa gặp, Bùi Hoàng Tám than thở: “Hôm nay phải viết ba bài, một cho BLOG Dân trí ngày mai, hai cho báo tết”. Nhẩm tính, gã kiếm ăn cũng được.
Lướt trên “fây” Hoang Tam Bui đã thấy gã khoe với bàn dân thiên hạ: “Ra chợ mua 5 thanh đậu rán, hết 10K với 3K xiền bún = 13K, ăn hết 4 thanh đậu và bún, vị chi 11K”... Bùi Hoàng Tám là thế đó: Một thi sĩ, một nhà báo, một cựu chủ quán. Hình như gã chẳng bao giờ xa lạ và ngại ngùng khi nhắc đến tiền.
Có lẽ vì thế nên gã bảo văn chương Xuân Diệu và Nguyễn Tuân giống như “cô hoa hậu xinh đẹp nhưng không thuộc về mình”: “Tớ rất phục các bố ấy nhưng tớ không thích văn chương của họ. Lý do là bởi trong văn chương của các bố ấy, tớ không thấy bóng dáng tớ. Ông Nguyễn Tuân cầu kỳ chữ nghĩa, cảm giác ông “cao đơn, hoàn tán” văn chương. Còn ông Xuân Diệu với “Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá/Ánh sáng tuôn đầy cả lối đi…” rõ ràng không phải thế giới của tớ. Thế giới của tớ là thế giới của Nguyễn Bính, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… Ở những trang văn của các vị này, tớ thấy thân phận những người như tớ trong đó”.
Gã nói chẳng có gì sai. Ở vị trí độc giả, người đọc có quyền phán xét tác phẩm, cho dù tác phẩm đó thuộc tên tuổi lớn nào.
Với nghệ thuật, “tuyên ngôn” của Bùi Hoàng Tám: “Với tớ, thơ ca nghệ thuật là sự giản dị. Văn chương mà lên gân, lên cốt thì không còn là văn chương nữa. Nó phải chính là cuộc đời”. Rồi gã lẩm bẩm: “Thà rằng thịt chó, lá mơ - Còn hơn viết những câu thơ tầm thường”.
Bỗng gã lại giở trò lí luận theo hệ qui chiếu rất thực dụng: “Xưa nay người ta thường làm vì mục đích giản dị thì hiệu quả lại cao. Tớ chả tin ông Nam Cao hay ông Vũ Trọng Phụng viết văn vì lí tưởng cao cả mà đơn giản vì bản thân các bố ấy chả biết làm quái gì ngoài dạy học và viết văn. Muốn dạy học lại phải có trường lớp, thế nên khi gặp lúc cấm “dạy thêm, học thêm” thất nghiệp, các bố ấy đành phải viết văn để kiếm sống…”.
Xưa nay nhiều nhà văn lớn hay có tuyên ngôn nghệ thuật nhưng thường chẳng mấy ai nói đến mục đích viết văn, hoặc có nói cũng là nói kiểu văn vở. Bùi Hoàng Tám lại ưa kiểu lột trần, tuy kém duyên dáng nhưng phần nào cũng nói lên bản chất vấn đề. Và chính gã cũng chẳng ngại “nude”. Gã tự thú, viết báo để kiếm tiền, vào Hội Nhà văn Việt Nam để được “mác” văn nghệ sỹ với… cô vợ trẻ. Cứ tưng tửng mà phát ngôn khiến người nghe hoặc thích thú hoặc e ngại. Nhưng nếu thơ ca phản ánh tâm hồn, thì Bùi Hoàng Tám thực ra lại là gã rất hiền, rất thương và rất đa cảm.
Bùi Hoàng Tám.
Nổi tiếng trong “nền văn học ba lăng nhăng”
Bùi Hoàng Tám là tên thật mà cũng là bút danh được gã sử dụng khi làm báo, viết văn. Cha gã vốn là một nhà nho cao cờ nổi tiếng ở đất Thái Bình. Bùi Hoàng Tám khoe tài đánh cờ của mình từng đánh bại Nhà thơ Quang Huy, một tay cờ lừng danh Hội Nhà Văn Việt Nam nhưng chưa bao giờ thắng nổi cha mình, cả khi cụ đã ngoài 90 tuổi.
Thơ Bùi Hoàng Tám được nhiều người thích, nhưng người cha của gã thì theo lời gã là chưa bao giờ đọc bởi cụ vốn là nhà Nho nghiêm túc, chỉ tôn thờ những giá trị kinh điển đã được thời gian thử lửa như Truyện Kiều hay thơ Đường, Tống. Còn thơ mới thì với ông cụ đều là… ba lăng nhăng cả: “Chắc cụ không bao giờ đọc thơ tớ. Cụ cho rằng thơ của tớ là loại thơ ba lăng nhăng. Mà chả riêng gì thơ tớ, với ông cụ thì đến Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu… cũng là “ba lăng nhăng” tuốt”. Gã nói và cười lớn.
Một trong những câu thơ lăng nhăng thuộc hàng “đỉnh cao”, đã đi vào giai thoại làng văn Việt Nam của gã là: “Vợ tôi dở dại dở khôn/Ngày dăm bảy bận dí L… vào thơ”. Sau này những câu thơ “trần tục” ấy còn được thiên hạ tiếp tục phát triển và “đổ” hết cho Bùi Hoàng Tám. Còn Bùi Hoàng Tám chỉ nhận mình sinh ra 1/4 trong số đó.
Chuyện kể rằng thủa còn làm chủ quán, một ngày đẹp trời, thơ gã bỗng đường hoàng xuất hiện trên báo Văn Nghệ khiến gã sung sướng đến mức “chân tay bủn rủn, mồ hôi lấm tấm lưng, tóc gáy hơi giật giật”, miệng ca bài “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”. Thế mà khi đem khoe với vợ, vợ gã lại ném cho gã cái nhìn sắc như “dao hoạn lợn”: “Dí L vào thơ, nhé!”. Thế là thành giai thoại.
Qua giai thoại vui mới thấy, Bùi Hoàng Tám cứ hề hà thế thôi, cứ nhắc đến tiền bạc như mục đích chính của cuộc đời vậy thôi nhưng thứ gã đề cao hơn vật chất lại chính là văn chương, thơ phú. “Từ nhỏ, điều mơ ước lớn nhất của đời tớ là trở thành nhà thơ”. Gã đã nói câu này bằng giọng trầm trầm, sâu lắng, khác hẳn với bản tính cười cợt sự đời thường thấy ở gã. Và cũng chính văn chương giúp Bùi Hoàng Tám tái sinh.
Từng có một Nguyễn Trí lăn lộn với “Bãi vàng, đá quí, trầm hương” mà trở nên nổi tiếng. Biết đâu, đến một lúc nào đó, rảnh tay làm báo, Bùi Hoàng Tám cứ viết lại đời mình như khi gã kể chuyện trên bàn nhậu khéo cũng thành tiểu thuyết hay. Không thể nghĩ gã đàn ông đang chăm chú trước máy tính kia trước đây từng là thợ xây dựng: “Hồi đó làm thợ xây vừa nghèo, vừa khổ. Một buổi sáng tớ uống hết 19 bát nước, gánh vữa giữa trời nắng tháng sáu, mồ hôi chảy ướt ủng khiến mỗi bước chân đi cũng phát ra tiếng lép bép”. Để bớt khổ gã chuyển sang làm thợ cắt tóc. Rồi chỉ vì máy mồm bật lại sếp mà bị xuống làm thợ nhuộm, đi làm kem và run rủi thành anh hạch toán quầy thịt chó. Dần dà xóa bỏ bao cấp, từ kế toán, Bùi Hoàng Tám thành ông chủ quán. Chính khoảng thời gian này, gã hay làm thơ, thậm chí có những vần thơ bay bổng. Bài thơ đầu tiên của gã công bố trên mặt báo chính là “Trước một trời sao”, được gã sáng tác trong trạng thái lâng lâng sau khi uống bia trở về nhà, nằm ngửa nhìn trời đầy sao sáng, gã liên tưởng một vũ hội sao: “Đêm nay trên đỉnh trời xanh/Muôn vì sao sáng linh đình cưới nhau/Sao nào mặc áo cô dâu/Sao nào phụ rể, sao nào cài hoa/Sao nào nhảy múa hát ca”…
Từ bỏ vai chủ quán khi tròn 40 tuổi, gã lên Hà Nội lập nghiệp, cuốn theo dòng chảy báo chí những bài thơ bay bổng của gã thưa vắng dần, thay vào đó là những bài thơ rất đời, đọc lên là cười, cười rồi lại nghĩ và càng nghĩ càng thấy xót xa...
Vợ - Nguồn cảm hứng bất tận…
Nhà thơ Thuận Hữu có bài thơ để đời: “Những phút xao lòng” nhận được sự tán đồng của đông đảo độc giả. Bởi lẽ bài thơ nói trúng tâm trạng của nhiều người bằng cái nhìn nhân văn, độ lượng. Bùi Hoàng Tám cũng vậy. Những bài thơ viết về đề tài vợ chồng của gã đã khiến gã trở nên nổi tiếng. “Đi ăn cưới vợ cũ”, một bài thơ “độc nhất” từng được vỗ tay yêu cầu đọc lại hai lần trong Ngày thơ Việt Nam 2010 là một thí dụ: “Vợ cũ đi lấy chồng/Mời mình về ăn cưới/Mình bàn với vợ mới/Có đi không mình ơi/Vợ mới cười rất tươi/ “Chị mời thì nên đến/Hai đứa mình cùng đi/Để tỏ tình thân mến”. Bài thơ kết thúc bất ngờ: “Trong làn khói lơ mơ/Mình ghé tai hỏi vợ/ “Nếu cuộc tình này vỡ/Mình có mời anh không?".
Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi từng bình: “Với một giọng thơ tưng tửng đùa chơi, giễu nhại, các nhân vật vợ, chồng mới, cũ đến với lễ cưới vui vẻ, cứ như trong lòng họ chưa hề chịu nỗi xót xa nào”. Không ngờ, Bùi Hoàng Tám nói lại: “Có thể nói, Đỗ Trọng Khơi đã quá thật thà bởi văn chương, đến một tầm nào đó mới nói về sự đau đớn, xót xa bằng cái giọng “tưng tửng và giễu nhại” nhưng đằng sau đó, chìm ẩn trong nó là sự xót xa đã lên đến đỉnh điểm… Có một điều mà hình như Đỗ Trọng Khơi không nhận thấy, đó là sự nhân ái và sự thể tất”. Lời nói lại của chính tác giả có lẽ hợp tâm trạng của số đông độc giả nên bài thơ mới gây “sốt” suốt một thời gian dài.
Người ta thường hay sáng tác về người yêu. Chỉ đến Bùi Hoàng Tám người vợ mới được nâng niu đến vậy. Anh viết về vợ cũ, một đề tài khá nhạy cảm, song lại rất thành công: “Vợ mừng ngày sinh nhật/Mời chồng cũ đến nhà/Chồng cũ đi tầu hỏa/Mình đón ở nhà ga/Vì đường về hơi xa/Hai đứa vào quán nhậu/Trước còn anh với tôi/Sau thành tớ với cậu”. Tưởng Bùi Hoàng Tám kể câu chuyện vui vui, vô thưởng vô phạt, ai ngờ gã làm người ta nhói tim: “Tàu dần dần rời ga/Mắt vợ ầng ậc lệ/Sống mũi mình cay cay/Muốn nói mà không thể/Ôi cuộc đời dâu bể/Ôi mỏng manh kiếp người/Lần sau, lần sau liệu/Còn có nhau trong đời”. Thường thấy thơ Bùi Hoàng Tám không hấp dẫn ở vỏ câu chữ nhưng đặc biệt ghi dấu ở tấm chân tình. Gã từng viết về sự lệch nhịp xót xa thế này: “Biết rồi em sẽ lấy chồng/Tôi về sống nốt cho xong một đời/Thương chồng em! Thương vợ tôi! Thương bao đôi lứa trên đời lệch nhau”.
Đọc Bùi Hoàng Tám bất giác nhớ đến Puskin - mặt trời của thi ca Nga. Ông vĩ đại bởi những ý nghĩ hơn người: “Một chút tên tôi đối với nàng/ Sẽ chìm như tiếng sóng buồn lan”. Song người tình chung thủy ấy vẫn nhắn gửi: “Nhưng nếu gặp ngày buồn rầu, đau đớn/Em thì thầm hãy gọi tên lên/Và hãy tin còn đây kỷ niệm/Em vẫn còn sống giữa một trái tim”. Ai đó nói rằng, thơ Bùi Hoàng Tám có mùi vị Bút Tre, còn tôi lại nghĩ, thơ gã, ngay cả những bài gây cười, cũng đều không ra khỏi nguồn mạch thơ trữ tình, dồi dào xúc cảm. Gã từng có những tuyên ngôn gây sốc: “Đừng chôn sống nhau trong nghĩa địa mang tên gia đình”. Không phải gã cổ xúy cho li dị mà là thông điệp nhân văn: “Li hôn chính là bước tiến khổng lồ trên con đường bảo vệ quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của con người”.
Có một điều khá lạ, khi tiếp xúc và đọc gã, hình như bắt gặp ở Bùi Hoàng Tám ba con người: Đó là một nhà báo sắc sảo - gai góc; một nhà thơ nhân văn - trữ tình và một “bút tre” tếu táo - hóm hỉnh.
In thơ không hay là phá cây đốt rừng
Cho đến nay, Bùi Hoàng Tám mới ra mắt hai tập thơ “mỏng tang” (theo lời tác giả). Năm tròn 45 tuổi, gã cũng định in một tập mới, gửi cho hai người anh thân thiết vốn là những biểu tượng trong làng thơ thuộc hai trường phái “thơ già và thơ trẻ” chọn giúp, cuối cùng kết quả khiến gã bật cười: Bài nào người này thích thì người kia bỏ và… ngược lại. Gã có cảm giác mình là “kẻ ba phải”, ẩm ương già không ra già, trẻ không ra trẻ nên gã quyết định: “Thôi, không in nữa”. Mặc dù quan niệm thơ ca phải giản dị nhưng giản dị không đồng nghĩa với dễ dãi. Gã hay tự răn mình: “Những lần in thơ không hay/Giận mình như kẻ phá cây đốt rừng”.
Hiện nay Bùi Hoàng Tám phụ trách BLOG 26/7, một trang chủ lực của báo điện tử Dân trí. Trước đây, Bùi Hoàng Tám từng là cộng tác viên nhiều năm của báo
Tiền phong ở nhiều chuyên mục. Anh từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí Quốc gia và cách đây 15 năm, từng đoạt Giải nhất cuộc thi viết về HIV/AIDS do báo Tiền phong phối hợp với UB Phòng chống HIV/AIDS tổ chức.
(Theo Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.