Bùng nổ hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới

Khương Lực Thứ tư, ngày 04/03/2020 11:20 AM (GMT+7)
Hàng loạt nhà máy chế biến nông sản được xây dựng, rồi xu hướng trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC, việc thành lập hợp tác xã (HTX) là một tiêu chí bắt buộc để xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới… Đó là những nhân tố mới khiến nhu cầu hợp tác, liên kết thị trường gia tăng mạnh mẽ trong 2 năm gần đây.
Bình luận 0

Hợp tác giúp tăng thu 10-15%

Vốn sống dựa chủ yếu vào rừng trồng, nhưng người dân và các chủ rừng ở xã Thanh Thủy (Thanh Chương, Nghệ An) luôn phải đối mặt với tình trạng bấp bênh cả về đầu vào lẫn đầu ra. Về đầu vào, người dân phải mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng. Giá cả cũng vậy, lúc thì 500 đồng/cây, lúc tăng lên 1.500-2.000 đồng/cây, thậm chí đến mùa trồng rừng thì lại không có cây giống.

Trong khâu đầu ra, người dân lệ thuộc vào vài ông chủ lậu, giá thị trường 1ha gỗ rừng trồng khoảng 100 triệu đồng nhưng họ chỉ trả 60-70 triệu đồng, không có ai mua thì người dân vẫn phải bấm bụng để bán.

Đó chính là những lý do để 128 thành viên, gồm các hộ dân và chủ rừng đã tập hợp lại, thành lập HTX Lâm nghiệp và Dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy do ông Nguyễn Sỹ Bình làm Giám đốc. “HTX liên kết tạo đầu ra ổn định; thứ hai tự sản xuất giống tốt, phục vụ người dân bất cứ lúc nào cần; HTX cũng có trạm vật tư, thậm chí còn hỗ trợ giá mua cho các thành viên” – ông Bình cho biết.

img

HTX Cam Vĩnh Phúc (tỉnh Hà Giang) giới thiệu sản phẩm. (ảnh: Khương Lực)

Không chỉ có vậy, HTX đang tính đến việc phát triển rừng gỗ lớn, được cấp chứng chỉ quản lý bền vững (FSC) để ổn định đầu ra và tăng thu nhập ít nhất 10-15%. Theo ông Bình, HTX hiện đang triển khai 2 mô hình chuyển hóa rừng gỗ lớn, theo đó chủ rừng cắt tỉa thưa bớt rừng keo trồng 4-5 năm, chỉ để mật độ khoảng 600-800 cây trong 5-6 năm nữa. Khi đó, mỗi cây khai thác giá trị sẽ tăng gấp 10 lần, từ 60.000 đồng/cây tăng lên 600.000 đồng/cây.

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, Công ty Scansia Pacific đang mở rộng liên kết trồng rừng FSC từ Quảng Trị tới Phú Yên. “Riêng tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa rồi toàn bộ câu lạc bộ chủ rừng giờ chuyển thành 20 HTX – là vùng nguyên liệu cho các nhà máy lớn. Tại Phú Yên, đã thành lập HTX cấp tỉnh về trồng rừng, cả tỉnh dồn vào 1 HTX làm đầu mối cho Công ty Scansia Pacific” – ông Thịnh cho biết.

Tăng nhanh ở vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên

Theo số liệu của Bộ NNPTNT, trong năm 2019, cả nước đã thành lập mới được 6 liên hiệp HTX nông nghiệp, 1.800 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 45 liên hiệp HTX nông nghiệp, 15.300 HTX nông nghiệp, trong đó có gần 73% số HTX hoạt động hiệu quả (năm 2018 là 55%). Tỷ lệ HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên tăng từ dưới 10% trước đây lên 24,5%.

img

Đáng lưu ý, trong 2 năm gần đây, số lượng HTX nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng gia tăng, đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững. Năm 2018, cả nước có gần 1.200 HTX tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đến nay, nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Một số HTX đã chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, không những trong nước mà còn xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, số lượng HTX nông nghiệp tăng nhanh trong 2 năm liền nhưng hiệu quả cũng tăng mạnh. “Nét mới là hai vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên trước đây phát triển ì ạch, chậm chạp thì nay bình quân vùng này mỗi tỉnh tăng 40 HTX nông nghiệp” – Thứ trưởng Nam nhận định.

Lý giải về sự gia tăng HTX này, ông Lê Đức Thịnh cho rằng, hai vùng này có sự đa dạng về sản phẩm nông nghiệp và đánh đúng nhu cầu liên kết, khâu nối nông dân với thị trường nhằm thúc đẩy sản xuất quy mô lớn.

Cùng với đó, một loạt các nhà máy chế biến lớn đã được đầu tư và đi vào hoạt động ở vùng này, tạo ra nhu cầu liên kết để phát triển vùng nguyên liệu. Theo Bộ NNPTNT, năm 2019 có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khánh thành, đi vào hoạt động. Từ năm 2018 đến nay, tổng vốn đầu tư trên 33.000 tỷ đồng với 30 dự án đã hoạt động và đang triển khai trên cả nước, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông sản, lâm, thủy sản.

Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng nhắc đến vai trò chủ động vào cuộc của các địa phương và việc bắt buộc phải có HTX thì mới xét công nhận đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới đã khiến HTX nông nghiệp tại các vùng này có sự gia tăng mạnh.

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, HTX giúp thu nhập nông nghiệp của các hộ thành viên tăng trung bình 14% nhờ việc giảm giá vật tư, phân bón đầu vào và tăng giá bán đầu ra các sản phẩm nông nghiệp. Ở nhiều địa phương, HTX đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem