"Bùng nổ" làn sóng đình công tại Hàn Quốc

Trọng Hà (Theo Korean Times) Thứ tư, ngày 04/12/2024 10:57 AM (GMT+7)
Trước tình hình này, người dân Hàn Quốc đang bày tỏ lo ngại về sự gián đoạn hàng loạt trong các lĩnh vực thiết yếu.
Bình luận 0

Mới đây, Liên đoàn công nhân trường học không thường xuyên Quốc gia (National School Irregular Workers' Union) tại Hàn Quốc vừa tuyên bố sẽ tổ chức đình công để chấm dứt sự phân biệt đối xử về tiền lương. Theo đó, khoảng 20.000 nhân viên dịch vụ giáo dục không chính thức sẽ tham gia đình công vào ngày 6/12. Các vị trí này bao gồm nhân viên nhà ăn, bảo vệ trường học và nhân viên vệ sinh, phần lớn là lao động hợp đồng dài hạn. 

Đây là lần đình công lớn thứ hai trong năm, sau cuộc đình công vào tháng 3 tại Seoul, khi 10,7% các trường học buộc phải cung cấp bữa ăn thay thế như bánh mì và sữa. Cuộc khủng hoảng tiền lương là nguyên nhân chính dẫn đến sự bất đồng. Kể từ tháng 6, các công đoàn giáo dục đã đàm phán với Bộ Giáo dục và 17 văn phòng giáo dục khu vực nhưng không đạt được thỏa thuận. 

Công đoàn yêu cầu tăng mức lương cơ bản hàng tháng lên 110.270 won (khoảng 82 USD), trong khi các nhà tuyển dụng chỉ đề xuất mức tăng 53.500 won (khoảng 40 USD). Theo kết quả bỏ phiếu vào tháng 11, có tới 93,2% nhân viên tham gia ủng hộ đình công nếu các yêu cầu của họ không được đáp ứng.

Làn sóng đình công tại Hàn Quốc: Nhiều lĩnh vực công cộng đứng trước nguy cơ tê liệt - Ảnh 1.

Các giáo viên đình công vào hồi tháng 9/2023 tại Hàn Quốc. Yonhap.

Những cuộc đình công gần đây đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong các trường học. Ví dụ, vào tháng 11/2022, 25,3% trường học có nhà ăn trên toàn quốc không thể cung cấp bữa ăn thường xuyên. Tại Daegu vào ngày 21 tháng 11 vừa qua, 13% các trường học phải chuyển sang bữa ăn thay thế.

Bên cạnh đó, ông đoàn Đường sắt và Tàu điện ngầm Hàn Quốc, thuộc Liên đoàn Lao động Hàn Quốc (KCTU), dự kiến cũng tổ chức đình công quy mô lớn từ ngày 5 đến 6/12. Đây là một phần trong chiến dịch rộng lớn của KCTU nhằm yêu cầu Tổng thống Yoon Suk-yeol từ chức, với lý do chính sách của chính phủ hiện tại đã làm gia tăng nguy cơ tai nạn và không đảm bảo an toàn công cộng.

Um Gil-yong, Chủ tịch Công đoàn Công nhân Dịch vụ Công và Vận tải Hàn Quốc (KPTU), trong cuộc họp báo ngày 26 tháng 11 tại văn phòng Tổng thống ở Yongsan, Seoul, tuyên bố rằng khoảng 70.000 công nhân từ bốn đơn vị trực thuộc KPTU sẽ tham gia đình công. Các nhóm bị ảnh hưởng bao gồm Công đoàn Công nhân Đường sắt Hàn Quốc, Công đoàn Lao động Tổng công ty Vận tải Seoul, Công đoàn Lao động Seoul Metro và Liên minh Đoàn kết Công nhân Giáo dục (PTU-EdSol). Ngoài ra, các ngành khác như vận tải hàng hóa, hưu trí, khí đốt và chính quyền địa phương cũng dự kiến sẽ đình công để phản đối việc không giải quyết các tranh chấp về lương.

Công đoàn Công nhân Vận tải Hàng hóa, một đơn vị thuộc KPTU, sẽ tổ chức đình công hai ngày 2 và 3 tháng 12, nhằm yêu cầu khôi phục Hệ thống Giá cước An toàn cho Vận tải, một chính sách đã hết hạn từ năm 2022. Hệ thống này đảm bảo mức lương tối thiểu và giá cước vận chuyển cho tài xế và công ty vận tải. Tương tự, các công đoàn trong ngành giáo dục cũng đang tích cực chuẩn bị cho các cuộc đình công nếu các cuộc đàm phán với Bộ Giáo dục không đạt được thỏa thuận.

Trước tình hình này, người dân Hàn Quốc đang bày tỏ lo ngại về sự gián đoạn hàng loạt trong các lĩnh vực thiết yếu. Trong khi đó, KCTU tiếp tục khẳng định rằng các chính sách hiện tại của Tổng thống Yoon Suk-yeol không chỉ đe dọa an toàn công cộng mà còn làm tăng thêm áp lực kinh tế cho người lao động, dẫn đến làn sóng đình công lan rộng trên cả nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem