Theo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Phú Thọ, tính đến 30/6, toàn tỉnh có hơn 1 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, giao dịch gần 18 triệu món (tăng trên 1 triệu món dịch vụ), với số tiền trên 423.000 tỷ đồng (tăng trên 15.000 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước).
Đến nay, gần 100% các doanh nghiệp nộp thuế điện tử và các khoản phí, lệ phí, điện, nước và các khoản phí khác thực hiện qua hệ thống ngân hàng...
Để thuận tiện cho khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo an toàn, phù hợp và hiệu quả, các ngân hàng, cơ sở kinh doanh đã sử dụng trên 1.075 POS thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó có 184 máy ATM, còn lại là máy POS thanh toán thu ngân. Ngoài ra, các ngân hàng lắp đặt 9 máy gửi, rút tiền tự động (Autobank); đặc biệt chi nhánh ngân hàng Nam Á đã lắp đặt hệ sinh thái số Onebank.
Trên thực tế, thanh toán qua mã QR, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã trở thành thói quen của nhiều người dân từ thành phố đến nông thôn, đặc biệt là khách hàng trẻ. Nếu như trước đây, mọi người luôn phải mang theo tiền mặt khi đi ăn uống, mua sắm thì hiện nay chỉ với thẻ ATM hay điện thoại di động sẽ thanh toán được mọi dịch vụ.
Làm việc toàn giờ hành chính tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, chị Khánh Tâm (TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho hay: "Trước đây đi làm cả ngày bận rộn tôi có ít thời gian mua sắm, còn ở nhà cứ rảnh là tôi lướt mạng, đặt mua rồi thanh toán online luôn bằng thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản. Từ đồ ăn thức uống, đến mua sắm các vật dụng tiện ích trong gia đình như robot hút bụi, nồi chiên không dầu, máy lọc không khí, đến các mặt hàng thời trang... tôi đều thanh toán online, rất tiện".
Chị Nguyễn Thị Thu (TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cũng cho hay, không chỉ chuyển khoản đơn giản, giờ chị còn thanh toán online, thanh toán qua ví điện tử, nạp tiền điện thoại qua ví... Sau đó thành quen, dù đi chợ truyền thống hay mua sắm tại trung tâm thương mại, chị chỉ cần quét mã QR, gần như không dùng đến tiền mặt.
"Mọi thanh toán từ học phí cho con, tiền điện, nước, điện thoại, thậm chí trả tiền cà phê... đều qua điện thoại. Thậm chí, ngay cả đi siêu thị giờ tôi cũng online, tôi chỉ cần vào ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại để đi chợ. Sau khoảng 30 phút mua hàng và thanh toán bằng chuyển khoản, thực phẩm, rau xanh, trái cây... đều được giao đến tận cửa nhà" - chị Thu kể.
Dưới góc độ quản lý và bán điện cho trên 430.000 khách hàng sử dụng điện, Công ty Điện lực Phú Thọ đã phối hợp với các nhà mạng và hệ thống ngân hàng cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử nhằm giúp khách hàng không tốn chi phí, thời gian đi lại mà vẫn chủ động thanh toán mọi lúc, mọi nơi một cách an toàn, chính xác.
Hiện tại, trên 80% khách hàng tiến hành trả tiền điện qua ngân hàng điện tử hoặc các ví điện tử. Nhờ đó, đơn vị đã hạn chế được tình trạng khách hàng quên, chậm đóng tiền điện.
Ông Nguyễn Quang Lâm - Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ khẳng định, không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, việc thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp ngành điện tối ưu hóa nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, tạo ra sự minh bạch và chống thất thu thuế cho Nhà nước.
Tỉnh Phú Thọ đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 50 - 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80%/năm; tỉ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.