“Cận dịp lễ 30.4 vừa qua, ở TP.HCM đã xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học, nâng số vụ ngộ độc thực phẩm trong 4 tháng đầu năm 2016 này lên tới 6 vụ. Bằng với số vụ ngộ độc tập thể của năm 2015. Hiện chúng tôi đang điều tra nguyên nhân của vụ việc này”- bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai- Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh Thực phẩm TP.HCM (ATVSTP) cho biết.
Thức ăn trong trường học phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc ATVSTP.
Cũng theo thông tin từ Chi cục ATVSTP, nguyên nhân của những vụ ngộ độc thực phẩm gần đây có nguyên nhân là do histamin trong thủy sản gây ra. Nếu quản lý tốt nguồn gốc thực phẩm (cá thu, cá ngừ, cá cờ) biến chất có chứa histamin thì có thể giảm tới 24% các vụ ngộ độc thực phẩm.
“Một nguyên nhân là hiện nay thực phẩm tăng giá mà bữa ăn cho học sinh chỉ dao động từ 10.000 - 13.000 đồng/học sinh. Do vậy nhiều bếp ăn chỉ mua nguyên liệu rẻ tiền, kém chất lượng”- bà Mai nói.
Theo bác sĩ Thị Huỳnh Mai-Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, nói đến ngộ độc thực phẩm nhiều người nghĩ do thức ăn. Song có trường hợp ngộ độc thực phẩm xuất phát từ các cô bảo mẫu. Do không rửa tay trước khi phân chia suất ăn nên các cô đã truyền vi khuẩn từ tay qua cơm, thịt… gây ngộ độc cho học sinh. Cũng có trường hợp do mặt bằng chật hẹp nên có trường để thức ăn dọc hành lang khiến bụi bặm dễ bám.
Trong khi đó, đại diện của Sở GDĐT TP.HCM thì đưa ra khuyến cáo, các trường học có trên 1.000 học sinh thì nên tự tổ chức bếp ăn tập thể để kịp thời giám sát ATVSTP. Đối với các trường sử dụng suất ăn chế biến phải đảm bảo từ khi chế biến xong đến khi ăn không quá 4 giờ (nếu có thiết bị bảo quản nóng, lạnh) và trường hợp không có thiết bị bảo quản thì thời gian không quá 2 giờ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.