Bừng sáng nghị lực trên những chiếc xe lăn

Thiên Việt Thứ sáu, ngày 03/06/2016 07:13 AM (GMT+7)
Trong căn phòng bày khá nhiều máy tính, lấp ló những gương mặt trẻ tràn đầy nghị lực đang chăm chỉ học tập. Họ giống nhau ở chỗ là cùng ngồi trên xe lăn. Giữa họ là thầy giáo trẻ Nguyễn Hữu Chuyền cũng đang nghiêng người trên xe lăn kiên nhẫn giảng giải cho học trò.
Bình luận 0

Ước mơ của cậu bé tật nguyền

Nguyễn Hữu Chuyền sinh năm 1986, tại Thuận Thành, Bắc Ninh. Chuyền kể, lúc một tuổi em bị một trận sốt thập tử nhất sinh, sau cơn sốt  đó, Chuyền trở thành người tàn tật. Em đã vĩnh viễn mất đi đôi chân. 

img

Anh Chuyền (giữa) đang hướng dẫn cho các học viên tại lớp học của mình. Ảnh: T.V

Thế nhưng từ bé Chuyền đã khao khát học giỏi, được tìm hiểu thế giới xung quanh nên em luôn đòi bố mẹ cho đi học. Làm thế nào để đi học đây khi đôi chân không còn? Và rồi, tuy chậm mất 2 năm, nhưng nhờ có người chị họ cõng đi học, cậu bé Chuyền cũng được đến trường như bao bạn bè khác. 

Sau 12 năm đèn sách, ý chí luôn thúc giục Chuyền tìm ra lối thoát cho mình để sống có ích, không dựa vào bố mẹ hay xã hội. Sau nhiều lần suy nghĩ, Chuyền quyết định học ngành công nghệ thông tin vì nó phù hợp với người tàn tật.

Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu và hỗ trợ lớp học của Chuyền, có thể liên hệ Công ty cổ phần Nghị Lực Việt, số nhà 94, ngách 553 đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Sau một khóa công nghệ thông tin do tổ chức phi Chính phủ dạy miễn phí cho người khuyết tật, Chuyền bắt đầu hành nghề. Từng bước gian khổ đã qua, công việc thuận lợi, Chuyền và một người bạn quyết định thành lập Công ty cổ phần Nghị Lực Việt.

Thầy và trò đều ngồi xe lăn

Khi công ty làm ăn khấm khá, đã có nhiều khách hàng, Chuyền bắt đầu nghĩ cách giúp đỡ người khuyết tật để họ tự kiếm sống. Chuyền mở lớp dạy miễn phí công nghệ thông tin cho người khuyết tật. Anh thuê một ngôi nhà 4 tầng tại  số nhà 94, ngách 553 đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội, các học viên khuyết tật ở tầng trên, lớp học ở tầng dưới. Các học viên học ở tầng 1 rồi về phòng mình thực tập. Tiền học miễn phí. Học viên chỉ lo tiền ăn và tiền nhà. Chuyền chia sẻ: Có nhiều học viên đã tốt nghiệp và được công ty tìm việc cho. Mỗi khóa dạy 3 tháng, số học sinh thường là 10 người. Lớp học đã tồn tại được 1 năm và học viên đến từ các tỉnh khác nhau. Thầy giáo chính là Chuyền, ngoài ra có thêm 2 thầy cô phụ việc nữa cũng là người khuyết tật.

“Tháng 6 chúng tôi mở khóa chiêu sinh mới cho các bạn khuyết tật. Rất mong đây sẽ là nơi có thể chắp cánh cho các bạn trẻ để có một cuộc sống tự lập, có một đam mê trong cuộc đời và tự khẳng định bản thân mình” - Chuyền chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem