Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hôm 23.3, ông Putin đã ra quyết định yêu cầu các quốc gia nằm trong danh sách “không thân thiện trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp.
Bằng cách này, ông Putin vừa giúp nâng giá trị của đồng rúp, vừa đáp trả các đòn trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga, theo tờ Politico.
Tôi đã đưa ra quyết định và yêu cầu trong thời gian ngắn nhất, các quốc gia “không thân thiện” với Nga sẽ phải trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp, ông Putin nói.
Động thái mới của ông Putin khiến phương Tây bối rối, theo Politico. Phương Tây có thể phải chấp nhận yêu cầu này, hoặc từ chối, đồng nghĩa rằng Nga có thể ngừng cấp khí đốt sang châu Âu.
“Đó là một cuộc chơi cân não. Thông điệp của ông Putin rất rõ ràng. Phương Tây muốn mua khí đốt phải giao dịch với các tổ chức Nga, sử dụng đồng tiền của Nga”, Timothy Ash, nhà phân tích thị trường tại BlueBay Asset Management, nói. “Đây là nỗ lực của ông Putin nhằm đưa Nga thoát khỏi cấm vận, làm suy yếu quyết tâm của phương Tây”.
Mỹ đã ngừng nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm liên quan của Nga. Nhưng châu Âu không dễ dàng quyết định như vậy, do Nga hiện cung ứng 40% lượng khí đốt. Châu Âu muốn chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, nhưng không thể trong một sớm một chiều.
Ông Putin cũng chỉ đạo chính phủ và ngân hàng trung ương để tạo điều kiện cho các quốc gia nước ngoài đổi tiền rúp của Nga phục vụ việc thanh toán hợp đồng khí đốt.
“Không giống như một số quốc gia khác, chúng tôi là đối tác và nhà cung ứng đáng tin cậy. Chúng tôi vẫn tuân thủ các hợp đồng ký kết. Những thay đổi chỉ ảnh hưởng tới đơn vị tiền tệ được sử dụng trong thanh toán”, ông Putin nói.
Một số quốc gia châu Âu nằm gần Nga hoặc có quan hệ kinh tế gần gũi với Nga như Bulgaria, ngỏ ý sẵn sàng trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp.
Một số quốc gia như Ba Lan bày tỏ phản đối, tuyên bố sẽ không ký thêm hợp đồng khí đốt với Nga sau khi hợp đồng hiện tại hết hiệu lực vào cuối năm nay. Số khác chưa đưa ra quyết định.
“Quyết định của ông Putin tạo ra thêm khó khăn đối với các đối tác mua khí đốt Nga ở châu Âu”, nhà phân tích James Huckstepp, công tác tại công ty S&P Global Commodity Insight có trụ sở ở Anh, nói.
Trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, 1 USD đổi ra 76 rúp. Hôm 20.3, 1 USD đổi ra 132 rúp. Sau tuyên bố của ông Putin, giá trị đồng rúp đã tăng đáng kể, 1 USD đổi được khoảng 97 rúp.
“Ông Putin vừa gây sức ép với phương Tây do nắm trong tay quân bài năng lượng, vừa giúp nâng giá trị, nâng cao thanh khoản đối với đồng rúp”, Liam Peach, nhà kinh tế học châu Âu ở Capital Economics, nhận định.
Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Robert Habeck chỉ trích Nga phá vỡ hợp đồng khi đột ngột yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp. Đức tuyên bố sẽ thảo luận với các chính phủ châu Âu để tìm giải pháp. Hơn một nửa khí đốt Đức nhập khẩu mỗi năm là từ Nga.
Biện pháp này là cách để Nga né cấm vận, Francesco Giavazzi, cố vấn của Thủ tướng Italia Mario Dragh, nói. Khoảng 1/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Italia là từ Nga.
Ở thời điểm hiện tại, phương Tây có thể viện lý do dựa vào các hợp đồng đã ký kết từ trước để bảo lưu quyền được trả tiền mua khí đốt bằng đồng euro. Nhưng Nga có thể không chấp nhận như vậy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.