Qua hội nghị, niềm tin mới về sự phát triển của đất nước dưới ngọn cờ của Đảng chắc chắn sẽ có trong mỗi người dân Việt Nam.
Nói như vậy, bởi đây là hội nghị, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, có rất nhiều điểm mới. Điểm mới ấy có lẽ chính là sinh hoạt trong T.Ư đã có chất vấn. Xã hội ngày càng hướng đến dân chủ, chính vì Đảng lãnh đạo nên Đảng phải nêu gương trước. Đây là điểm rất đáng được tán đồng và cần phải duy trì trong các đợt sinh hoạt chính trị không chỉ ở T.Ư. Hoạt động chất vấn, Quốc hội đã thực hiện thì chẳng có gì mà trong Đảng không thực hiện. Chất vấn, suy cho cùng là để đảm bảo có sự trao đi, đổi lại, có tranh luận, không nói một chiều. Có chất vấn nghĩa là sự dân chủ trong Đảng đã tiến lên một bước mới...
Một điểm mới nữa rất đáng ghi nhận, đó là công tác quy hoạch cán bộ cấp cao đã lần đầu tiên được đưa ra bàn thảo công khai. Xưa nay chúng ta đã không làm được việc này. Điều đó bộc lộ qua rất nhiều kỳ đại hội, chứng tỏ sự lúng túng của Đảng trong vấn đề này, đặc biệt là trong việc quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp cao.
Lần này, Hội nghị T.Ư 6 đã khởi đầu đưa ra những quy định cho công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp cao. Tuy muộn nhưng còn hơn là không làm được. Nhưng vấn đề đặt ra là phương pháp làm thế nào. Ý tưởng là thế, quan điểm là thế nhưng phương pháp làm mới là điều mấu chốt. Sau hội nghị, chắc T.Ư cũng cần phải có ngay những giải pháp để thực hiện, nhằm tránh nói, bàn xong rồi bỏ đấy...
Một phương pháp để làm tốt công tác cán bộ là phải rõ ràng, công khai tiêu chí. Và quan trọng hơn là những nhận xét của người dân, cán bộ ngành ấy về cán bộ có tốt không, tránh tình trạng khi bị dân kêu, cán bộ cấp dưới phản đối thì lại được chuyển lên làm cấp trên. Có “kinh qua” nhưng phải để lại kết quả gì, có được ghi nhận, thừa nhận hay không, để tránh tình trạng “tráng men” cán bộ. Các quy trình đánh giá, nhận xét phải được công khai. Càng dân chủ bao nhiêu càng tốt.
Lâu nay chúng ta hay coi nặng bệnh thành tích. Cần thiết phải duy trì và phát triển quan điểm của cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh là “nhìn thẳng vào sự thật”. Phải biết đất nước mình đang đứng ở đâu, vì lâu nay chúng ta đang tụt hậu mà chúng ta không biết. Có nhìn vào đời sống người nông dân mới biết họ đang sống ra sao, chứ không phải chỉ nhìn vào “nhà ngói và sân gạch” để rồi khẳng định đời sống nông dân đang ngày càng tốt lên. Dám nhìn vào sự thật để tự sửa mình. Đó là ý nghĩa lớn nhất mà hội nghị T.Ư 6 đã đạt được ...
Nguyễn Ngô Hai
Nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư
Vui lòng nhập nội dung bình luận.