Thưa ông, ông nhận định thế nào về việc Bộ Chính trị vừa ban hành hướng dẫn việc thực hiện quy chế chất vấn trong Đảng?
- Quy chế này, nếu tôi nhớ không nhầm, đã có từ Đại hội Đảng lần thứ X (2006), nhưng vì chưa có hướng dẫn cụ thể nên vẫn chưa thể thực hiện. Nếu có chăng thì là một hình thức gần như tương tự với chất vấn, đó chính là công việc của Ủy ban Kiểm tra T.Ư khi nhận được bất cứ thông tin nào về một thành viên trong Ban Chấp hành T.Ư.
|
Việc chất vấn trong Đảng được coi là một bước tiến trong việc nâng cao tính dân chủ, công khai trong Đảng. |
Tuy nhiên, vừa qua, với việc Bộ Chính trị có một hướng dẫn mới về việc thực hiện quy chế chất vấn trong Đảng, tôi cho rằng có thể coi đây là một bước tiến đáng kể trong việc nâng cao tính dân chủ, công khai trong Đảng và càng khẳng định thêm rằng chúng ta “không có vùng cấm nào trong Đảng”.
Trong hướng dẫn, có một nội dung nói rằng “không được tự ý tuyên truyền, phổ biến nội dung chất vấn và trả lời chất vấn cho các tổ chức, cá nhân không liên quan”, như vậy có nghĩa người dân sẽ không có cơ hội để tiếp cận với những vấn đề chất vấn trong nội bộ Đảng?
- Đây là chất vấn nội bộ trong Đảng, trong Ủy ban Kiểm tra T.Ư, những vấn đề này đều là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, có thể bị dư luận xã hội hiểu nhầm khi chưa có những thông tin chính thống kiểm chứng, do vậy, việc quy định như vậy theo tôi cũng là bình thường.
Nội dung của việc chất vấn và trả lời chất vấn là hết sức quan trọng, nhiều khi nó ảnh hưởng tới sinh mệnh chính trị của một con người nên không phải có thể nói ở đâu, nói với ai cũng được. Tuy nhiên, theo tôi, tiến tới chúng ta cũng phải dần công khai hóa những cuộc chất vấn trong Đảng để người dân cả nước cùng được biết và giám sát.
Thời ông làm ở Ủy ban Kiểm tra T.Ư, việc chất vấn trong Đảng được tiến hành ra sao?
- Thời đó, chúng tôi không gọi là chất vấn mà chỉ là hỏi và yêu cầu các đồng chí có trách nhiệm trả lời, giải trình. Và việc này được tiến hành nghiêm túc, thẳng thắn, có tình có lý. Tôi nhớ, khi nhận được thông tin từ một nhà báo về việc một lãnh đạo cao cấp có dính líu tới trùm xã hội đen Năm Cam, chúng tôi cũng đã phải cử người đi xác minh thông tin, sau đó thấy có cơ sở nên đã yêu cầu đồng chí đó làm văn bản để giải trình trước Uỷ ban Kiểm tra T.Ư. Sau đó, khi văn bản giải trình thấy có điểm chưa rõ thì tiếp tục yêu cầu đồng chí trực tiếp trả lời những vấn đề đó.
Nhưng thời điểm đấy, việc yêu cầu giải trình của UBKT T.Ư chỉ dừng ở mức các Ủy viên Trung ương Đảng. Còn với hướng dẫn này, tất cả từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phải tham gia chất vấn và bị chất vấn, không trừ một ai, kể cả Tổng Bí thư.
Tôi cũng tiếc là nếu như việc chất vấn trong Đảng được làm sớm hơn và triệt để hơn thì có lẽ trong Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 vừa qua, chúng ta đã không phải viết ra một câu xót xa “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”…
Có lo ngại rằng việc chất vấn trong Đảng cởi mở như vậy sẽ dễ bị lợi dụng để trở thành diễn đàn công kích, chống phá Đảng và các đồng chí?
- Tôi nghĩ trong việc chất vấn, quan trọng nhất chính là trách nhiệm của người chất vấn phải được nâng cao tối đa. Làm sao để anh chất vấn đúng, trúng vấn đề, có lý lẽ, có tình người, không lợi dụng chất vấn để bôi nhọ, hạ thấp uy tín, danh dự đồng chí mình hay trở thành cái loa, công cụ tuyên truyền cho mục đích xấu.
Hướng dẫn của Bộ Chính trị về việc chất vấn trong Đảng tại các kỳ họp Ban Chấp hành T.Ư vừa ban hành quy định: Nội dung chất vấn phải được gửi trước khi tổ chức kỳ họp chậm nhất 7-10 ngày để Bộ Chính trị xem xét, quyết định việc tổ chức trả lời chất vấn. Trong quá trình chất vấn, nếu kết luận người bị chất vấn có sai phạm thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo tiến hành xem xét, xử lý theo điều lệ Đảng.
B.T.K
Hướng dẫn cũng có nói rằng, trường hợp chưa đủ điều kiện trả lời tại hội nghị thì trong vòng 30 ngày, người bị chất vấn phải lời bằng văn bản? Liệu người ta có lợi dụng điều này để né trả lời trực tiếp trước Đảng?
- Theo tôi, việc này cũng bình thường. Vì có nhiều vấn đề người ta hỏi, chất vấn không liên quan trực tiếp tới mình mà tới cấp dưới của mình, người thân họ hàng mình, cần phải có thời gian kiểm chứng thì cũng phải chờ đợi thôi. Thời hạn 30 ngày cũng nhanh lắm. Và nếu thực sự có khuyết điểm thì cũng chẳng thể giấu ai được lâu, đến cái kim trong bọc lâu ngày nó cũng lòi ra cơ mà!
Còn theo tôi, bên cạnh việc mở rộng dân chủ trong Đảng thì kỷ cương phép nước cũng cần phải được siết chặt lại. Làm sao để chúng ta thực sự trở thành một nhà nước dân chủ và pháp quyền với đúng nghĩa của nó, đó là mục tiêu mà chúng ta cần hướng tới.
Xin cảm ơn ông!
Hải Phong (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.