Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nông dân Hưng Yên đau xót khi chứng kiến vườn bưởi sắp đến ngày thu hoạch rụng la liệt, vườn chuối gãy đổ sau bão số 3.
Chia sẻ với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Trần Công Thuận ở thôn Thượng, xã An Vĩ, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết, làm nông nghiệp mấy chục năm, năm nay ông mới chứng kiến cơn bão lớn như vậy. Chỉ có vài tiếng bão đổ bộ vào, toàn bộ vườn cây ăn quả của ông đã bị tàn phá tan hoang hết.
"Trước khi bão đổ bộ vào, địa phương có thông báo loa kêu gọi bà con dời trang trại về nhà trú ẩn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, đến tối 7/9 khi bão vào, nhà cửa, ruộng vườn, các công trình khắp làng Thượng đều rung chuyển cuốn theo gió bão, sáng hôm sau tôi ra trại mọi thứ đều hoang tàn, đổ vỡ hết. Thiên tai năm nay khắc nghiệt quá", ông Thuận bộc bạch.
Theo ông Thuận, tính đến nay, ước tính sơ bộ gia đình ông mất hàng trăm cây chuối đang cho buồng dự kiến đến Tết sẽ cho thu hoạch; mấy sào bưởi quả sắp đến ngày xuất bán đều bị gió bão quật rụng hết. Bão qua đi, mưa lớn lại sầm sập kéo đến gây ngập úng cả vườn bưởi hàng chục năm tuổi nhiều ngày ngày khó có khả năng khôi phục.
Ông Nguyễn Ngọc Quân - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Vĩ khẳng định: Dù địa phương đã dự đoán khi bão vào sẽ gây thiệt hại nhiều diện tích cây ăn quả, hoa màu của nông dân. Tuy nhiên, tính đến nay mức thiệt hại do bão Yagi gây ra ngoài mức tưởng tượng của chúng tôi.
Đến nay hàng chục ha bưởi đang sắp thu hoạch ngập úng và bị rụng quả hàng loạt, mấy chục ha chuối bị bão tàn phá gần 100%, các diện tích cây dược liệu tan nát hết. "Mức thiệt hại của bà con An Vĩ năm nay rất lớn", ông Quân nói thêm.
Theo thống kê sơ bộ của UBND tỉnh Hưng Yên, do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp, ước tính là 40 tỷ đồng. Cụ thể, bão số 3 đã gây thiệt hại trên 14.000 ha hoa màu; trong đó, diện tích lúa là trên 12.000 ha; cây ăn quả trên 1.800 ha; cây rau màu gần 500 ha, còn lại là các cây trồng khác.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam, hiện tỉnh đã chỉ đạo Sở NNPTNT theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, mực nước trên sông và kênh trục nội đồng, công tác phục vụ tiêu thoát nước, tình hình úng, ngập, an toàn công trình thủy lợi, đê điều, nhất là các trọng điểm xung yếu; chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo phòng, chống mưa úng và sự cố công trình.
Cùng với đó, Sở chủ động đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên vận hành tối đa công suất các trạm bơm phục vụ tiêu thoát nước bảo vệ tài sản, cây cối, hoa màu, nhất là diện tích rau màu, hoa, cây cảnh diện tích đang thời kỳ trỗ bông, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị; tổ chức trực ban 24/24 giờ, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình hình thiệt hại do bão lũ, mưa lớn, ngập úng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.