Bưởi có lông, đặc sản tiền tỷ của HTX sản xuất nông nghiệp Mỹ Lương

Thứ hai, ngày 03/04/2017 19:00 PM (GMT+7)
Những lão nông cố cựu ở huyện Cái Bè cho biết: bưởi lông Cổ Cò có nguồn gốc từ một cây bưởi hiếm được trồng sau nhà ông Cai Huỳnh ở rạch Cổ Cò (thuộc địa phận 2 ấp Đông Thạnh và An Lạc - nay là xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè, Tiền Giang).
Bình luận 0

Tên “bưởi lông” là do mọi người thấy bên ngoài trái bưởi có lớp lông tơ mịn bao phủ. Trái có dạng hình quả lê, nặng trung bình 0,9 - 1,4 kg/trái; khi chín, vỏ có màu xanh vàng dễ lột và khá mỏng (13 - 16 mm); ruột hồng nhạt; nước khá nhiều, vị ngọt đến chua nhẹ, mùi thơm và ít hạt.

img

Với đặc điểm cho trái quanh năm, năng suất cao, bưởi lông Cổ Cò đang được nhà vườn ở khu vực này duy trì và mở rộng diện tích…

Sau đó, các nhà khoa học ở Viện Cây ăn quả miền Nam lập hồ sơ xác định cây đầu dòng của giống bưởi lông Cổ Cò 47 năm tuổi có chu vi gốc 1,3 m, bán kính tán cây 11 m tại nhà ông Nguyễn Văn Tôn (còn gọi là Hai Tôn) ở xã An Thái Đông, huyện Cái Bè.

img

Năm 1999, Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Lương (gọi là HTX Mỹ Lương) được thành lập và đến năm 2004, HTX Mỹ Lương đã “gắn mác”, đăng ký nhãn hiệu và kinh doanh bưởi lông Cổ Cò.

Nhờ vậy, đến nay, sản phẩm bưởi lông Cổ Cò có mặt tại thị trường Hà Nội, Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là cung cấp cho hệ thống siêu thị Metro đăng ký độc quyền để thu mua và cung cấp cho thị trường thành phố.

Tại Hà Nội, HTX cung cấp sản phẩm bưởi lông Cổ Cò cho 13 siêu thị. Ngoài ra, HTX Mỹ Lương còn mạnh dạn đăng ký gian hàng ở 17 hội chợ để quảng bá thương hiệu sản phẩm. Bưởi lông Cổ Cò đã được HTX đưa đi triển lãm và nhiều lần bán ra thị trường nước ngoài.

img

Theo ông Huỳnh Nguyên Anh, Giám đốc HTX Mỹ Lương, hiện nay quy mô tiêu thụ của HTX mỗi tháng từ 30 - 50 tấn trái cây các loại.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè, toàn huyện hiện có 1.500 ha bưởi, trong đó bưởi lông Cổ Cò chiếm gần 1.000 ha, tập trung ở các xã: Mỹ Lợi A, Mỹ Lợi B, Mỹ Đức Tây, An Thái Đông, Mỹ Lương…

Thời gian qua, huyện đã tăng cường hỗ trợ cho bà con nhà vườn về vốn, cây giống, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là hỗ trợ nông dân ở các xã xây dựng nông thôn mới phát triển diện tích bưởi lông Cổ Cò.

Cụ thể: Năm 2014 và 2015, huyện đã đầu tư cho nông dân giống bưởi lông Cổ Cò trên diện tích 40 ha. Ông Nguyễn Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, cho biết: Thời gian tới, huyện tập trung triển khai các giải pháp để phát triển vườn chuyên canh CAT. Theo đó, ngành Nông nghiệp thực hiện chương trình hỗ trợ giống trên cơ sở vườn cây đầu dòng hiện có, để đạt diện tích 3.000 ha vườn chuyên canh theo quy hoạch.

Đồng thời nhân rộng mô hình sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP... hướng đến lợi nhuận vườn CAT đạt trên 80 triệu đồng/ha/năm.

Hoàng An (Báo Ấp Bắc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem