Buông lỏng quản lý, “dự án đất ma” tung hoành

Trần Kháng Thứ sáu, ngày 28/06/2019 06:00 AM (GMT+7)
Lợi dụng thị trường bất động sản nóng sốt, nhiều doanh nghiệp, “cò đất” đã trắng trợ vẽ ra “dự án ma” để rao bán, lừa đảo người mua nhà đất. Nhiều vụ việc, “dự án ma” đang khiến hàng loạt người khốn đốn, đồng thời cho thấy việc quản lý thị trường bất động sản còn chưa chặt chẽ.
Bình luận 0

“Rộ” dự án lừa

Gần đây, tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, lợi dụng giá đất tăng cao, một số đối tượng đã tự vẽ ra các “dự án ma” trên các khu đất nông nghiệp, đất chưa chuyển mục đích sử dụng, đất chưa có pháp lý rõ ràng... rồi làm giả giấy tờ, hồ sơ dự án và rao bán cho khách hàng. Nhiều người rơi vào bẫy, nhanh chóng xuống tiền mua nền đất, nhà ở mà không tìm hiểu cặn kẽ.

Chiêu thức của các đối tượng này là quảng cáo, rao bán đất nền, rao bán các “Dự án đất nền không hợp pháp” trên các trang mạng, phát tờ rơi, qua các dịch vụ môi giới bất động sản, “cò đất”… với hình thức lập vi bằng, hợp đồng góp vốn đối với các dự án phân lô không đúng quy định pháp luật. Các đối tượng này hứa hẹn, nếu “đặt tiền cọc” từ 50 - 400 triệu đồng, trong chừng 6 - 12 tháng sẽ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở.

img

  Phối cảnh khu đô thị trên khu đất hiện là rừng keo ở xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân (Bình Thuận) nhưng đã được rao bán tràn lan trên mạng, thậm chí đã mở bán, đưa khách đi tham quan.  (Ảnh: P.L.O)

“Nóng” nhất trên thị trường những ngày qua là sự “tác oai, tác quái” của Công ty CP Địa ốc Alibaba - chủ đầu tư nhiều “dự án ma” tại TP.HCM và các tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận… đang được cơ quan chức năng điều tra. Đơn cử như, theo thống kê mới nhất của tỉnh Đồng Nai, Alibaba đang rao bán đến 29 dự án đất nền, trong đó nhiều nhất là tại huyện Long Thành với 27 dự án, Xuân Lộc và Nhơn Trạch mỗi huyện có 1 dự án. Với dự án ảo mới nhất tại xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, lãnh đạo UBND huyện cũng quả quyết là không có dự án nào của Alibaba được phê duyệt. 

Tất cả các vụ việc “dự án ma” bán nhà đất đều cần phải xử lý hình sự. Bởi đây là hành vi lừa đảo, dự án tự bịa đặt ra… Tại sao các địa phương, bao gồm cả địa phương có “dự án ma” cũng như địa phương quản lý Công ty Alibaba lại không tiến hành xử lý hình sự ngay lập tức với công ty này?”. 

GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường 

Tương tự, một “dự án ma” khác cũng bị phát hiện tại khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM. Đáng nói, dự án “mọc” ngay trong khu đất quy hoạch của Đại học Quốc gia TP.HCM. Khu đất này đang chờ thực hiện chính sách đền bù, giải tỏa. Dự án do Công ty CP Đầu tư Angle Lina (trụ sở tại quận 4) và Công ty Bất động sản Hoàn Ân Group (quận Thủ Đức) tự ý vẽ, phân lô rao bán cho khách hàng.

Trước đó, tại Đà Nẵng và Quảng Nam, liên tục xuất hiện nhiều vụ giả mạo văn bản của các cơ quan chức năng để thổi giá đất. Trong đó có vụ làm giả văn bản của UBND TP.Đà Nẵng đồng ý xây cầu nối từ đường Bùi Tá Hán (quận Ngũ Hành Sơn) qua đảo VIP (khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) hồi tháng 10/2018.

Buông lỏng, yếu kém trong quản lý

Thực tế, hàng loạt “dự án ma” được các cò đất vẽ lên, rao bán công khai, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng với hàng loạt người đóng tiền, góp vốn và có nguy cơ mất trắng, nhưng hiện nay, hầu như các cơ quan chức năng không có biện pháp nào ngăn chặn ngoài việc cảnh báo, tuyên truyền. Phải chăng do sự quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng là nguyên nhân chính dung dưỡng cho các “dự án ma” ngang nhiên tung hoành?

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, tình trạng “dự án ma” đã diễn ra một cách có hệ thống ở nhiều địa phương suốt nhiều năm qua. Không chỉ ở đất nông nghiệp, nhiều chủ đầu tư “dự án ma” còn san ủi cả đất rừng phòng hộ, đất quốc phòng… rồi rầm rộ bán, rầm rộ quảng cáo trên các hệ thống thông tin nhưng không được chính quyền địa xử lý kịp thời nên đã có nhiều người nhẹ dạ cả tin sập bẫy. Rất nhiều người là nhà đầu tư tham gia vào các vòng xoáy đó và bị thiệt hại rất lớn, đồng thời các vụ việc này ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường bất động sản nói chung.

Giao dịch diễn ra ngoài địa bàn có “dự án ảo”

Theo Sở TNMT Đồng Nai, qua kiểm tra, có 19 khu đất trên địa bàn huyện Long Thành được Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba quảng cáo, phân lô bán nền, với tổng diện tích 75ha. Toàn bộ 19 khu đất trên đều do các hộ gia đình, cá nhân đứng tên sử dụng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp (trong đó có một số thửa có diện tích đất ở).

Theo lãnh đạo huyện Long Thành, các giao dịch mua bán đất đai thường diễn ra ở ngoài địa bàn huyện; việc doanh nghiệp này tổ chức các đoàn tham quan thực địa thường vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật và diễn ra trong vài giờ. Do đó, công tác kiểm tra xử lý của chính quyền địa phương đối với việc Công ty địa ốc Alibaba gặp nhiều khó khăn.

“Tôi cho rằng, việc để xảy ra các “dự án ma” như vậy là do có sự buông lỏng quản lý của cơ quan nhà nước, nghiêm trọng hơn là có khi có cả sự “tiếp tay” giữa các bên. Thực tế, có khi có “dự án ma” đã làm đường, tổ chức bán sản phẩm cho khách hàng rồi thì cơ quan chức năng mới vào cuộc, đó là một sự muộn màng”- ông Đính nhấn mạnh.

Theo luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, quy định về pháp luật trong bất động sản đã khá đầy đủ. Để có được một dự án phải trải qua nhiều quá trình bởi bất động sản là một dạng hàng hóa đặc biệt, chịu sự điều chỉnh của luật chuyên ngành: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. “Với điều kiện là phải đủ các yêu cầu của cơ quan chức năng như: Dự án phải được duyệt, có quy hoạch 1/500, quyết định chấp thuận đầu tư dự án, đã hoàn thành xong phần móng, đủ năng lực tài chính... Đồng thời chủ đầu tư phải báo cáo Sở Xây dựng khi tiến hành huy động vốn” - luật sư Trần Tuấn Anh phân tích.

Tuy nhiên, theo luật sư Trần Tuấn Anh, hiện nay, việc các nhóm đối tượng, các “cò” đất và sự tham gia của các sàn giao dịch bất động sản ngang nhiên vẽ ra dự án không có hoặc chưa có để bán cho khách hàng là hành vi trái pháp luật. Thế nhưng, hiện nay các cơ quan chức năng xử lý chủ yếu mang tính tuyên truyền, giải quyết hậu quả trong khi lẽ ra phải có giải pháp ngăn chặn ngay từ đầu. “Tôi cho rằng, con người thực thi công vụ trong lĩnh vực còn kém, hoặc vì lợi ích cá nhân mà bỏ qua sai phạm cho doanh nghiệp” - luật sư Trần Tuấn Anh nói.

Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, trước hàng loạt các vi phạm có hệ thống của Công ty Alibaba nói riêng và nhiều “dự án ma” khác, cơ quan điều tra cần vào cuộc để điều tra làm rõ việc có hay không sự câu kết giữa chủ đầu tư “dự án ma” và các cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý tại các địa phương như vậy. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem