Buông tay kéo, làm ông chủ vườn dưa tiền tỷ đất Mường Trời

Vinh Duy Thứ hai, ngày 21/10/2024 09:32 AM (GMT+7)
Rẽ ngang sang làm nông nghiệp, với niềm đam mê và lòng kiên trì, anh Ngô Xuân Đức (SN 1980), bản Huổi Phạ, phường Him Lam, TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã trở thành tỷ phú nhờ trồng dưa lưới.
Bình luận 0
Buông tay kéo, làm ông chủ vườn dưa tiền tỷ đất Mường Trời - Ảnh 1.

Vườn dưa tiền tỷ nơi bản nghèo

Trái với sự hiện đại của khu sản xuất, anh Đức mặc trang phục lao động, chân đi dép lê đang loay hoay với chiếc máy hàn. Thấy khách đến chơi, anh tạm bỏ công việc ra đón. Chàng nông dân có thân hình chắc nịch, nước da rám nắng, đôi mắt sáng tràn đầy nghị lực ân cần mời khách vào nhà. Khách chưa kịp yên vị, anh đã vội bổ quả dưa chín vừa hái trong vườn. Vừa đưa miếng dưa vào miệng, tôi đã cảm nhận được vị ngọt đậm, thanh mát, làm tan biến cái nóng và sự mệt mỏi trong tôi sau chặng đường dài.

Muốn hiểu rõ hơn vì sao dưa lưới lại có chất lượng ngon hảo hạng đến vậy, anh Đức dẫn tôi đi thăm vườn. Khu nhà lưới được làm bài bản, bốn bề được bao bọc bởi lớp lưới màu trắng trong suốt kín bưng, không một con muỗi, con ruồi nào có thể chui qua. Muốn vào trong nhà phải đi qua 2 lớp cửa kín.

Buông tay kéo, làm ông chủ vườn dưa tiền tỷ đất Mường Trời - Ảnh 2.

Anh Đức đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng dưa, được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Vinh Duy

Theo chia sẻ của anh Đức, mỗi quả dưa đạt trọng lượng từ 1,5 - 2kg. Cứ 60 ngày là anh thu được một lứa lê và 70 ngày một lứa dưa lưới. "Dưa trồng bằng phương pháp thủy canh cho chất lượng thơm ngon hơn", vừa đưa tay kiểm tra từng quả dưa, anh Đức đưa ra nhận xét. Với giá tại vườn 50.000 đồng/kg nhưng vườn dưa của anh không lúc nào vắng khách, bởi đến đây chỉ cần ngắm thôi cũng đã khiến khách hàng "ưng cái bụng".

Phía trong nhà lưới, từng hàng dưa xanh mướt được trồng theo hàng, theo lối. Cây nào cũng đang treo quả. Cây dưa không trồng trên đất mà chúng sống trên giá thể. Gốc cây nằm trọn trong khay nhựa lót xơ dừa. Các khay nhựa đặt trên chiếc hộp dài, cây cách cây 50cm. Trên mỗi giá thể có hệ thống đường ống nước tự động dẫn vào. Phân bón cho cây trồng cũng được hòa tan vào nước theo tỷ lệ nhất định. 

Cả khu nhà lưới kết nối với nhau bằng hệ thống ống dẫn nước hiện đại. Anh Đức chỉ cần bật máy bơm tổng, cả vạn cây dưa sẽ được ăn đúng, ăn đủ. "Đây là mô hình trồng dưa thủy canh lần đầu tiên xuất hiện ở đất Mường Trời"- anh Đức khoe.

Lúc ở ngoài nhà lưới, anh Đức còn khá rụt rè, nhưng khi vào nơi sản xuất anh lại hoạt bát như một chuyên gia. "Đấy anh xem, trồng thủy canh rất nhàn. Cả trang trại mà chỉ cần mình tôi vận hành. Đây là hệ thống tưới hồi lưu - nếu cây ăn không hết thức ăn trong nước, chúng sẽ tự chảy về bể tổng. Sau 5 năm dày công gieo trồng, tôi đã tìm ra "công thức" pha chế phân cho cây theo từng giai đoạn phát triển. Việc này vừa tiết kiệm thời gian, chi phí lại luôn cung cấp đủ dưỡng chất cho cây trồng. Và đặc biệt là cây ít khi mắc bệnh" - anh Đức chia sẻ.

Suýt mất nhà vì… dưa

Anh Đức sinh ra và lớn lên tại đất Mường Lay (Điện Biên). Sống ở nơi biên viễn, nhưng từ nhỏ anh lại không theo cái nghiệp của cha ông là bới đất lật cỏ mà buôn bán đủ các mặt hàng rồi sắm thuyền vận chuyển. "Suốt nhiều năm liền, tôi làm đủ thứ việc mà cũng chỉ lo được 3 bữa cơm" - anh Đức nhớ lại.

Chán cảnh buôn bán thất bát, anh Đức học nghề cắt tóc làm đẹp cho thiên hạ. Nhờ học cái nghề này mà anh lấy được vợ. Hai vợ chồng mở cửa hàng, cửa hiệu cắt tóc gội đầu phục vụ thượng khách. Nuôi chí lớn, vợ chồng anh còn sang đất Lào làm nghề làm đầu. Chuyến xuất ngoại đó của vợ chồng anh kéo dài suốt 6 năm, cái mà anh thu được cũng chỉ là những bữa cơm đắp đổi qua ngày. Về lại Điện Biên đúng thời điểm dịch Covid-19, nghề dịch vụ vợ chồng anh đang làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Buông tay kéo, làm ông chủ vườn dưa tiền tỷ đất Mường Trời - Ảnh 3.

Vườn dưa bạc tỷ mang lại thu nhập cao cho anh Đức trong những năm qua. Ảnh: Vinh Duy

Trong người sẵn có máu làm ăn, anh lướt mạng internet, xem nhiều video về các chàng trai đã khởi nghiệp từ lĩnh vực nông nghiệp. Cái máu nông dân trong anh lại trỗi dậy. Mô hình mà nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư tiền tỷ làm nhà lưới, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất khiến anh "mê" tít. Sau những ngày đi học túi khôn của thiên hạ, anh trở lại đất Mường Trời nung nấu kế hoạch làm nông nghiệp công nghệ cao.

Khi trao đổi việc này với vợ, không ngờ vợ anh lại đồng ý. Vấn đề là gom góp cả nhà có 30 triệu đồng, trong khi đó để xây dựng một nhà lưới tốn gấp mười lần. Đôi vợ chồng trẻ bàn đi tính lại quyết "cắm" nhà để vay tiền. Anh Đức thuê khu đất ở đầu bản Huổi Phạ, chủ nhà yêu cầu đóng tiền ngay. Việc trồng dưa chưa biết hiệu quả ra sao, số tiền dành làm nhà lưới, trả tiền thuê đất, mua giống cây, nguyên vật liệu đã ngốn hết cả cơ nghiệp của vợ chồng anh. Trời như chiều lòng người, ngay vụ dưa đầu tiên anh Đức đã thắng lớn. Cây dưa phát triển tốt, cho chất lượng thơm ngon, vườn dưa chín anh bán hết vèo.

Sau vụ dưa lưới đầu tiên thành công, anh tự tin vay thêm tiền mở rộng sản xuất. Từ một nhà lưới ban đầu, anh đã xây thêm 4 nhà lưới nữa. Anh Đức tính toán, mỗi năm khu nhà lưới này sẽ mang lại cho mình tỷ đồng chứ không ít. Cả vạn gốc dưa được gieo xuống giá thể cũng mang theo bao hy vọng. Nhưng khi cây ở thời kỳ đậu quả lại héo úa, bị đủ các loại bệnh sương mai, bọ trĩ, nấm mốc… Cây dưa héo dần, chuyển sang màu vàng rồi chết.

Sau nhiều ngày đi khắp nơi tìm hiểu nguyên nhân thất bại, anh Đức chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Vụ dưa thứ hai, thứ ba thất bại cay đắng khiến vốn liếng trong tay anh hết sạch. Khi trong nhà không còn gì, nhà cũng đã cắm, suốt 3 năm liền, vườn dưa cứ gieo xuống, cây lên tốt rồi chết đã đẩy vợ chồng anh rơi vào cảnh kiệt quệ. Trong lúc khó khăn chồng chất, anh Đức vẫn giữ vững niềm tin, nếu mình đủ kiên trì, một ngày nào đó vườn dưa sẽ phải trả nợ và nuôi được gia đình. Với niềm tin sắt đá đó, anh Đức lại tìm đủ mọi cách để xoay sở tiền tiếp tục tái sản xuất.

Sau cả chục lứa dưa, không thu được đồng nào, chính trong những ngày không tìm được nguồn vốn tái sản xuất ngay, anh lại may mắn tìm ra nguyên nhân khiến dưa chết hàng loạt. Hóa ra, sau khi thu hoạch dưa, anh phải để cho vườn nghỉ khoảng nửa tháng. Khi đó đám sâu bệnh trong vườn không có nguồn thức ăn, chúng sẽ tự chết. 

"Khi đó tôi cứ nghĩ, cứ sau 2 tháng là mình có một lứa dưa, một năm có thể gieo trồng 5 đến 6 lứa dưa. Việc gối vụ và xuống giống liên tiếp như thế sẽ khiến cây bị sâu bệnh phá hoại. Tôi đã điều chỉnh thời vụ, thay vì trồng 6 lứa 1 năm, tôi chỉ trồng 3 lứa. Mỗi lứa cách nhau ít nhất 15 ngày. Nhờ vậy mà cây dưa phát triển tốt và cho thu hoạch đều" - anh Đức chia sẻ.

Một nguyên nhân đơn giản là giãn thời vụ đã suýt nữa "ngốn" hết nhà cửa và ước mơ của đôi vợ chồng nghèo. Ngoài việc điều chỉnh thời vụ, anh cũng tự tìm ra cách pha chế phân bón cho cây dưa. 5 năm trồng dưa, có tới 4 năm thất bại, nhưng anh Đức lại thấy vui vì điều đó. Nếu không có những lần lên bờ xuống ruộng, anh khó lòng mà có được vụ mùa bội thu. Giờ anh có thể viết "giáo trình" trồng dưa cho riêng mình. Đến giờ anh đã trả được nợ, vui hơn cả là anh đã nắm rõ được quy trình trồng dưa lưới bằng phương pháp thủy canh và làm giàu nhờ nó.

Buông tay kéo, làm ông chủ vườn dưa tiền tỷ đất Mường Trời - Ảnh 4.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem