Chăn nuôi đại gia súc trên các đồi đất ở Điện Biên, nông dân đề nghị nhà nước hỗ trợ điều gì?
Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Điện Biên mong muốn nhà nước hỗ trợ để chăn nuôi đại gia súc
Vinh Duy
Thứ bảy, ngày 05/10/2024 06:15 AM (GMT+7)
Anh Hồ Chử Vàng, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ giá cho nông dân trong phát triển chăn nuôi, trâu, bò. Theo anh Vàng thì trước đây, giá bán một con bò đạt 20 triệu đồng, trâu 40 triệu đồng, nhưng hiện nay, giá chỉ bằng một nửa.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, anh Hồ Chử Vàng cho biết: "Từ năm 2021 đến nay giá trâu, bò liên tục sụt giảm, khiến cho người chăn nuôi như chúng tôi lao đao. Trước đây một con bò trên 3 năm tuổi bán được 20 triệu đồng thì bây giờ chỉ bán được trên 10 triệu đồng. Trâu to bán từ 40 – 50 triệu đồng/con. Hiện nay chỉ bán được khoảng 20 - 25 triệu đồng/con".
Giá trâu, bò xuống thấp, người chăn nuôi gặp bất lợi, khi không có lãi. Nhiều người chăn nuôi phải đối mặt với bài toán lỗ vốn khi giá bán không bù đắp được chi phí nuôi dưỡng và chăm sóc.
Theo anh Vàng thì chi phí thức ăn chăn nuôi, công chăm sóc và các chi phí khác đều tăng, nhưng giá bán trâu, bò lại tụt giảm. Điều này khiến người dân không có động lực tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi. Với mong muốn nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời để người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này.
"Chúng tôi rất mong muốn nhà nước hỗ trợ cho người chăn nuôi, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho trâu bò, và thậm chí là các chính sách hỗ trợ vốn để người dân tiếp tục sản xuất. Nếu không có sự can thiệp, nhiều người chăn nuôi sẽ phải bỏ nghề vì không thể trụ nổi," anh Vàng chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên về giá trâu, bò xuống thấp, người chăn nuôi không có lãi, ông Vàng A Thính, Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ cho biết: "3 năm gần đây, giá trâu bò xuống quá thấp, trung bình 40 – 50 nghìn đồng/kg hơi. Một con trâu, bò cũng phải nuôi trên 3 năm mới được trên dưới 2 tạ, nhưng giá bán chỉ được trên 10 triệu đồng.
Trong khi đó nuôi lợn, nếu người dân đầu tư tốt thì bán còn có lãi hơn nuôi trâu, bò. Tại địa bàn xã Phìn Hồ, nhiều hộ dân chăn nuôi trâu, bò bị thua lỗ đã tạm dừng, không đầu tư".
Theo đánh giá của anh Vàng A Thính thì về sự tụt giá trâu bò trong những năm gần đây có nhiều nguyên nhân như, nhu cầu tiêu thụ thịt trâu, bò trong nước không còn duy trì được sự ổn định. Nhiều người tiêu dùng chuyển sang các loại thực phẩm thay thế với giá thành rẻ hơn, như thịt gia cầm hoặc thịt lợn, do đó sức tiêu thụ thịt trâu, bò sụt giảm rõ rệt.
Ngoài ra, các chính sách kiểm soát nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng ảnh hưởng đến số lượng trâu bò được xuất chuồng. Nhiều người chăn nuôi quy mô nhỏ không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mới, làm giảm số lượng trâu bò có thể bán ra. Điều này không chỉ khiến người chăn nuôi không bán được trâu, bồ, mà còn phải gánh chịu thêm chi phí thức ăn, chăm sóc trâu bò.
Một nguyên nhân nữa khiến giá trâu, bò sụt giảm, theo ý kiến của anh Hồ Chử Vàng từ năm 2021 đến nay do Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu gia súc, khiến việc xuất khẩu trâu, bò gặp nhiều khó khăn. Trước đây, các đối tác từ Trung Quốc, Lào, mua trâu bò với giá cao, nhưng hiện nay các quốc gia này đã tăng cường kiểm soát nhập khẩu, khiến đầu ra cho trâu bò bị thu hẹp.
Mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ, tìm giải pháp giúp người chăn nuôi không bị thua lỗ
Anh Hồ Chử Vàng nhận định: "Người chăn nuôi trâu bò nhỏ lẻ như chúng tôi bị phụ thuộc nhiều vào các thương lái xuất khẩu, khi họ gặp khó khăn thì chúng tôi cũng chịu thiệt. Ngoài ra, sự cạnh tranh gay gắt từ các ngành chăn nuôi khác cũng gây áp lực lên giá bán. Nhiều hộ gia đình chuyển từ chăn nuôi trâu bò sang các loại gia súc, gia cầm khác vì chi phí đầu tư thấp hơn và có lợi nhuận cao hơn trong thời gian ngắn....
"Điều này làm giảm nhu cầu mua trâu bò giống, dẫn đến giá bán tiếp tục lao dốc. Với việc giá trâu bò giảm không phải chỉ là vấn đề ngắn hạn, như vậy người chăn nuôi như mong muốn nhà nước cần có những chính sách chiến lược lâu dài để hỗ trợ người nông dân...", anh Vàng nói.
Anh Vàng liệt kê cụ thể các khoản chi phí mà người nuôi trâu bò phải đối mặt như: Người chăn nuôi phải mua thức ăn bổ sung cho gia súc như ngô, cám.
Cùng với đấy là thuốc men và chăm sóc sức khỏe cho đàn gia súc. Để trâu bò phát triển khỏe mạnh, việc tiêm phòng, sử dụng thuốc chống bệnh là rất quan trọng. Tuy nhiên, giá cả các loại thuốc thú y cũng ngày càng tăng.
Nếu trâu bò mắc bệnh, chi phí chữa trị có thể rất cao, thậm chí dẫn đến mất trắng nếu không được chữa kịp thời. Người chăn nuôi không chỉ mất chi phí mua thuốc, mà còn phải chịu rủi ro mất toàn bộ gia súc nếu dịch bệnh bùng phát.
Chi phí cao như vậy nhưng lợi nhuận giảm sút và bài toán lỗ vốn. Với mức giá bán trâu bò giảm mạnh, nhiều người chăn nuôi đã phải đối mặt với cảnh lỗ vốn.
Trước đây, khi giá trâu bò cao, một con trâu có thể bán được 40 triệu đồng, bò là 20 triệu đồng, thì sau khi trừ đi chi phí, người nuôi vẫn có lãi. Nhưng hiện tại, giá chỉ còn khoảng 50% so với trước kia, trong khi chi phí nuôi dưỡng không hề giảm, khiến việc bán gia súc trở thành một gánh nặng kinh tế.
Anh Vàng chia sẻ: "Giá bán hiện nay chỉ còn khoảng 10-12 triệu đồng cho một con bò và 20 triệu đồng cho một con trâu. Với mức giá này, người chăn nuôi không thể có lời, mà nhiều người còn phải chịu lỗ." Thậm chí, một số hộ gia đình đã phải bán tháo trâu bò với giá rẻ để lấy lại một phần vốn, nhưng việc này không thể bù đắp được chi phí đã bỏ ra.
Một trong những khó khăn lớn nhất mà người chăn nuôi phải đối mặt là sự thiếu ổn định của thị trường tiêu thụ.
Trước đây, trâu bò được tiêu thụ chủ yếu trong nước và xuất khẩu sang các nước láng giềng, nhưng hiện nay thị trường đang bị thu hẹp. Để người chăn nuôi có thị trường, giá ổn định, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kết nối thị trường.
Anh Vàng cũng mong muốn nhà nước và các tổ chức liên quan có thể giúp nông dân tìm kiếm những đối tác, doanh nghiệp thu mua trâu bò với giá ổn định và lâu dài, tránh tình trạng bị ép giá bởi các thương lái trung gian.
"Nếu chúng tôi có đầu ra ổn định, người dân sẽ yên tâm đầu tư sản xuất mà không lo lắng về việc bán không được giá hay không có ai thu mua," anh Vàng chia sẻ thêm.
Về chính sách hỗ trợ vốn và lãi suất vay ưu đãi theo anh Hồ Chử Vàng thì đây cũng là một khó khăn lớn đối với người chăn nuôi, đặc biệt là khi họ phải đối mặt với việc giá bán thấp và lỗ vốn.
Anh Hồ Chử Vàng đề nghị Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ vốn để người chăn nuôi có thể duy trì sản xuất trong thời kỳ khó khăn này. "Chúng tôi cần nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, đặc biệt là các khoản vay dài hạn để có thể tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi, mua thức ăn và chăm sóc đàn gia súc," anh Vàng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.