Cả bản đi đăng ký kết hôn
|
Đông đảo người dân bản Rào Con đi đăng ký kết hôn và khai sinh. |
Định cư giữa rừng già Phong Nha - Kẻ Bàng, bản Rào Con như biệt lập với thế giới bên ngoài. Thế nên ngày 27.2 vừa qua đã trở thành một ngày đặc biệt, đáng nhớ nhất trong cuộc đời những người Vân Kiều nơi đây, khi lần đầu tiên họ được cán bộ xã cắt rừng lên tận bản làm thủ tục đăng ký kết hôn và khai sinh cho con, cháu họ.
Hai vợ chồng Hồ Văn Do (SN 1986) và Hồ Thị Lửa (SN 1990) sáng nay không đi rẫy sớm mà phấn khởi bế 2 đứa con đến để cán bộ xã làm thủ tục đăng ký kết hôn cho mình và làm thủ tục khai sinh cho con. 2 vợ chồng anh Do cưới nhau từ năm 2008 và đã có với nhau 2 mặt con nhưng chưa đi đăng ký kết hôn và 2 đứa con cũng chưa được làm khai sinh.
Lý giải vấn đề trên, anh Do cho biết, từ bao đời nay, dân bản Rào Con và nhiều người Vân Kiều khác sống dọc dãy núi Trường Sơn khi gả vợ, cưới chồng, sinh con có mấy ai đi làm thủ tục ấy đâu. Sống biệt lập giữa rừng, đường sá đi lại khó khăn, suốt ngày chỉ biết lên nương, lên rẫy kiếm cái ăn, cái mặc, học hành thì ít và thiếu hiểu biết về pháp luật... nên việc đăng ký kết hôn, khai sinh chẳng được mấy ai chú tâm.
"Mấy lần về xã, nghe cán bộ tuyên truyền, lấy vợ thì phải đi đăng ký kết hôn, sinh con thì phải đi làm giấy khai sinh. Biết như thế, nhiều lúc cái chân cũng muốn đi, nhưng cái bụng lại sợ chi phí tốn kém nên thôi. Chừ cán bộ xã lên tận đây để làm, vợ chồng miềng mừng lắm" - anh Do tâm sự.
Cũng như vợ chồng anh Do, vợ chồng Nguyễn Văn Thắng và Hồ Thị Xanh ở với nhau từ năm 1999, hiện đã có với nhau 4 mặt con, nhưng bây giờ họ cũng mới được đăng ký kết hôn và được khai sinh cho các con.
Bỏ dần nếp sống tự do
Đợt này chúng tôi cũng chỉ mới làm thủ tục đăng ký kết hôn cho 7 cặp vợ chồng và khai sinh cho 30 cháu. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn tất việc này cho những trường hợp còn lại, tăng cường cán bộ lên Rào Con để tuyên truyền, hỗ trợ cho họ hiểu, nhận thức pháp luật đúng đắn hơn...Ông Trần Đức Bình
Dù không biết chữ nhưng vợ chồng Hồ Văn Duyệt (SN 1985) và Hồ Thị Tranh (SN 1990) vẫn kéo nhau tới nhờ cán bộ xã hướng dẫn cho cách đăng ký kết hôn. Sau khi hoàn tất các thủ tục, cả 2 vợ chồng phấn khởi lăn ngón tay điểm chỉ vào giấy chứng nhận kết hôn trước sự chứng kiến của đông đảo bà con trong bản Rào Con.
Hồ Văn Duyệt vui vẻ đùa với mọi người: "Này, từ nay con Tranh chính thức là vợ của tao rồi nghe, "léng phéng" với nó là tao kiện, Nhà nước bỏ tù mọt gông đó…".
Chứng kiến nhiều người dân trong bản lần lượt đăng ký kết hôn và làm khai sinh cho con, Bí thư Chi bộ Hồ Thẩu và Trưởng bản Hồ Kiên ban đầu cũng tỏ ra ngần ngại, xấu hổ. Nhưng rồi 2 người cũng nhanh chóng bế con, dẫn vợ vào khai sinh đăng ký kết hôn.
"Trong bản có mấy trường hợp người lớn đã có cháu bồng, cháu bế rồi mà vẫn đi đăng ký kết hôn, cán bộ như miềng không những phải thực hiện nghĩa vụ công dân tốt, mà còn phải tích cực tuyên truyền cho người ta chấp hành pháp luật nữa chớ" - Trưởng bản Hồ Kiên chia sẻ.
Ông Trần Đức Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch cho biết: "Sống biệt lập giữa rừng, quen với nếp sống tự do, chính vì vậy để tạo được chuyển biến về nhận thức cho bà con trong lao động sản xuất, hiểu biết pháp luật… không dễ gì thực hiện được trong ngày một ngày hai. Cần phải có quá trình tuyên truyền, bắt tay chỉ việc theo kiểu "mưa dầm thấm lâu" thì mới hiệu quả.
Phan Phương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.