Lê Phạm Chiến Thắng sinh ra và lớn lên ở Nha Trang, từng tốt nghiệp ngành thiết kế công nghiệp trường Đại học Văn Lang. Thời sinh viên, anh nghĩ việc học đại học chỉ là trách nhiệm của một người con khi còn phụ thuộc vào bố mẹ. Dù theo học một ngành sáng tạo nhưng những gì anh thích và thực hiện mới chỉ dừng ở việc vẽ tranh tường, chép tranh sơn dầu, hay lấn sân sang ngành “võ thuật biểu diễn”.
“Khi ấy tôi quá trẻ, vẫn chưa định hình được đam mê thật sự của mình”, Thắng tâm sự.
Song, qua một chuyến đi Thái Lan du lịch cùng bạn bè, anh mới thực sự được mở mang tầm mắt về nghệ thuật vẽ tranh và thấy vốn hiểu biết của mình còn quá nhỏ bé. Sau đó, anh lại tình cờ xem một clip trên mạng internet nói về tranh cá 3D và thấy bắt đầu đam mê với môn nghệ thuật này.
Lê Phạm Chiến Thắng - chàng trai đam mê vẽ tranh 3D
Thắng say sưa sáng tạo
“Được bạn bè động viên, tôi liền bắt tay vào nghiên cứu và thử nghiệm tác phẩm đầu tay của mình. Khi đó, mọi thứ tôi có chỉ là những trải nghiệm, học hỏi trên mạng nên tôi mất gần 2 đêm mới hoàn thiện được tác phẩm. Nó không được xuất sắc như mong đợi của tôi”, Thắng cho hay.
Nhưng, chính điều đó đã thôi thúc anh điên cuồng tìm hiểu, cải thiện tác phẩm trong suốt 3 tháng ròng rã tiếp theo.
“Tôi nghĩ tất cả cũng vì tính cách của tôi. Chỉ cần nghĩ là làm được thì tôi sẽ làm đến cùng, và khi đã dấn thân thì nó tạo cho mình một hứng thú riêng. Tôi có thể vẽ được nhiều thứ 3D khác chứ không chỉ là cá vàng”, anh khẳng định.
Thắng bật mí, tranh nhựa 3D được vẽ trên keo nhựa epoxi, cứ một lớp keo nhựa lại vẽ một lớp cá, cho đến khi con cá hiện lên sống động như đang bơi ở dưới nước thật là hoàn thành. Tuy nhiên, để tranh thêm sinh động, anh còn vẽ thêm bèo, hoa,...
Người mua có thể tùy chọn vật liệu “đựng” tranh, chẳng hạn như đĩa sứ, chén ăn cơm, thậm chí mộc mạc, dân dã hơn là những chiếc rá tre thô sơ nhưng đầy tính nghệ thuật.
“Tuy cách làm có vẻ đơn giản, nhưng để tạo ra một sản phẩm không dễ dàng, cần phải có sự tỉ mỉ, kĩ lưỡng của người thực hiện cũng như đam mê thật sự”. Thắng cho hay, khó khăn đầu tiên là cách pha keo, chỉ cần pha không đúng tỉ lệ là bức tranh sẽ nhanh chóng bị hỏng.
Tác phẩm nhỏ nhất anh từng vẽ kỉ niệm một người bạn
Tranh được “đựng” trên rá tre khiến nhiều người thích thú
Mỗi bức tranh đều được vẽ chi tiết, tỉ mỉ đến chân thực
Theo anh, để hoàn thiện một tác phẩm mất vài ngày, vài tuần cho đến vài tháng, tùy thuộc vào độ phức tạp. Có những bức vô cùng tinh tế, như những chú cá bơi từ dưới đáy ngoi lên thở. Khi đó, chúng phải được che giấu kĩ, thể hiện ở nhiều độ sâu để người xem không nhìn thấy bị phân mảng, giả tạo.
Giá một bức tranh cũng dựa vào sự cầu kì đó, dao động từ 1,5 triệu đến vài chục triệu đòng. Bức nhỏ nhất Thắng từng vẽ bằng chén ăn cơm, bức lớn như chiếc mâm đồng cũng có. Anh định giá sản phẩm dựa vào yêu cầu của khách.
Hiện mỗi tháng, doanh thu trung bình của Thắng khoảng 20-30 triệu đồng.
Hiện mỗi ngày đều có khách liên lạc hỏi mua tranh của Thắng. Anh không dám nhận nhiều bởi mỗi tác phẩm đều là công sức sáng tạo, dành nhiều tâm huyết và thời gian. Có người từng ngỏ ý muốn hợp tác đưa sản phẩm của anh ra Pháp nhưng Thắng vẫn chưa nhận lời.
“Tôi không muốn làm giảm giá trị của loại hình này bằng cách sản xuất hàng loạt để bán. Điều tôi mong mỏi nhất là tạo ra những tác phẩm có ý nghĩa và chất lượng tốt nhất”, anh tâm sự.
Với Thắng, đây hoàn toàn là hoạt động sáng tạo nghệ thuật chứ không phải công cụ kiếm tiền. Anh mong muốn các tác phẩm của anh được đến tay những người thực sự yêu mến và tôn trọng nó.
Anh dự định, thời gian tới sẽ mở một buổi triển lãm giới thiệu cho nhiều người biết đến loại hình nghệ thuật này.
Thu Hiền (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.