Ngư dân hối hả thu hoạch cá chép đỏ phục vụ Tết ông Công, ông Táo

Nhật Hà Thứ bảy, ngày 14/01/2023 06:02 AM (GMT+7)
Những ngày này, tại các địa phương nuôi cá chép đỏ ở tỉnh Thái Bình đâu đâu cũng thấy nhộn nhịp người, xe của các thương lái trong, ngoài tỉnh vào ra tấp nập. Đầu làng cuối xóm những hộ dân nuôi cá chép đỏ hối hả tát ao, thả lưới bắt cá phục vụ người tiêu dùng ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Bình luận 0

Về Thái Bình xem cá chép đỏ lũ lượt "vượt cổng làng" toả đi khắp muôn nơi

Với gần 2ha mặt nước nuôi các loại cá truyền thống và cá chép đỏ, gia đình ông Trần Văn Thạch (trú tại thôn Nguyệt Lâm 1, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương) được coi là hộ tiên phong trong phong trào nuôi cá chép đỏ phục vụ thị trường dịp Tết.

Ông Thạch vừa cùng vợ, con tất bật kéo những mẻ cá cho thương lái đến mua. Vừa nhanh tay chọn cá.  Ông Thạch cho biết cá chép đỏ được gia đình thả, chăm sóc từ khoảng cuối tháng 6 âm lịch hàng năm.

Hộ dân hối hả thu hoạch cá chép đỏ phục vụ thị trường Tết ông Công, ông Táo - Ảnh 1.

Cá chép đỏ giao động từ 90-150 nghìn đồng/kg. Ảnh: Nhật Hà

Theo ông Thạch, việc chăm sóc cá chép đỏ phải hết sức cẩn thận, công phu để cá không bị dịch bệnh, khi bán cho thương lái đưa ra thị trường bán cho người dân cúng tết ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cá chỉ vừa bằng ba đầu ngón tay, nhỏ xinh nhưng màu sắc phải đỏ tươi, rực rỡ.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi cá chép đỏ, ông Thạch cho biết các hộ phải nhiều lần được, mất mới rút ra kinh nghiệm cho cá chép đỏ đẻ muộn thành công. Đó là phải hạn chế cho cá ăn, để nước lưu cữu lâu. Tuy nhiên, nếu nước quá bẩn sẽ dẫn đến tình trạng cá bị ngạt khí và chết. Nước bẩn phải được khắc phục bằng việc sử dụng máy sục nước.

Đối với cá đến kỳ thu hoạch, trước khi đánh bắt cá từ ao lên, chủ cá chuẩn bị sẵn túi lưới cho vào "ép" để cá thải hết lượng phân và thức ăn trong cơ thể, đồng thời giúp cá quen với môi trường chật chội, ôxy thấp khi vận chuyển.

Tất bật cân cá, trả tiền, anh Nguyễn Văn Quang - thương lái ở tỉnh Hải Dương - cho biết từ đầu tháng Chạp âm lịch đã phải gọi điện cho chủ hộ để đặt hàng, từ ngày 15 đến 20 âm lịch khi chủ hộ kéo lưới thì đến thu mua, vận chuyển và mang đi tiêu thụ tại các tỉnh Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng ...

Nhộn nhịp trên bờ, dưới ao thả lưới bắt cá đỏ phục vụ thị trường Tết ông Công, ông Táo

Hộ dân hối hả thu hoạch cá chép đỏ phục vụ thị trường Tết ông Công, ông Táo - Ảnh 2.

Hộ dân nuôi cá chép đỏ tất bật tát ao, thả lưới bắt cá phục vụ thị trường Tết ông Công, ông Táo. Ảnh: Nhật Hà

Hộ gia đình ông Phạm Văn Tiệp (thôn 2, xã Vũ Đoài huyện Vũ Thư, Thái Bình) vừa kéo xong mẻ lưới, những con cá chép rực rỡ sắc đỏ được đưa vào bể chứa. Ông Tiệp cho biết, đã gắn bó với nghề nuôi cá chép đỏ gần 20 năm nay. Với diện tích mặt nước gần một mẫu, quanh năm ông Tiệp nuôi thả các giống cá truyền thống như trắm, trôi, mè…

"Đến tầm tháng 7 âm lịch hàng năm tôi bắt đầu thả cá chép đỏ giống xuống ao nuôi kết hợp. Tôi nuôi thêm các cặp cá bố mẹ và tự gây cá bột để lấy giống. Sau khoảng 5 tháng nuôi thả chăm sóc đến khi thu hoạch cá chép đỏ có trọng lượng khoảng 25 con/kg, cá có kích cỡ vừa phải, màu sắc tươi đỏ bắt mắt.

Các thương lái quen đến xem, đặt hàng từ trước, khoảng 15 – 20/12 âm lịch tôi tiến hành thu hoạch và chờ thương lái tới thu mua mang đi các tỉnh phục vụ tết ông Công, ông Táo", ông Tiệp chia sẻ.

Hộ dân hối hả thu hoạch cá chép đỏ phục vụ thị trường Tết ông Công, ông Táo - Ảnh 3.

Sau khi cá đỏ được đánh bắt từ dưới ao lên, các hộ dân cho vào bể chờ thương lái tới chở đi. Ảnh: Nhật Hà

Tại ao cá rộng hơn một mẫu của gia đình ông Phạm Văn Thụ (thôn 4, xã Vũ Đoài) cũng được huy động nhiều máy bơm nước, hút dần mực nước trong ao, lớp lớp cá chép đỏ rực quẫy tung bọt trắng. Ông Thụ chia sẻ: Nắm bắt được nhu cầu thị trường, từ năm 2014, tôi học hỏi kinh nghiệm nuôi cá chép đỏ, mỗi năm mua 30.000 con giống về nuôi thả.

Theo ông Thụ, cá chép đỏ có sức đề kháng tốt nên trong quá trình nuôi ít gặp rủi ro, thời gian nuôi ngắn hơn so với các loại cá truyền thống nên nhanh cho thu hoạch. Để bảo đảm sức khỏe cho cá và không bị xây xước vây, vảy trong quá trình thu hoạch, người nuôi thường kéo lưới lúc sáng sớm khi cá còn đói bụng.

Tùy vào nhu cầu thị trường hàng năm mà thương lái thu mua cá chép đỏ với giá dao động từ 90 -150 nghìn đồng/kg. Sau 5 tháng nuôi thả và trừ chi phí, chỉ riêng nuôi cá chép đỏ nhà ông Thụ thu lãi hàng chục triệu đồng. 

Theo ông Phạm Văn Giáp – Chủ tịch UBND xã Vũ Đoài, hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của xã Vũ Đoài là 90ha với khu chuyển đổi tập trung khoảng 30ha, còn lại là diện tích nuôi xen kẽ trong khu dân cư. Toàn xã hiện có hơn 100 hộ nuôi cá chép đỏ với diện tích gần 20ha.

Chuẩn bị cho tết ông Công, ông Táo, người dân tập trung thu hoạch để thương lái đến thu mua kịp thời phục vụ thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Một vụ nuôi cá chép đỏ thời gian khoảng 5 tháng, người dân thu lãi 20-40 triệu đồng. Nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó có cá chép đỏ tại hai địa phương này đã được UBND tỉnh Thái Bình công nhận là làng nghề nuôi thủy sản truyền thống.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem