Cá chết vì độc tố, dân sốt ruột, quan chức đủng đỉnh

Ngô Nguyệt Hữu Thứ ba, ngày 26/04/2016 06:30 AM (GMT+7)
Đã ba tuần trôi qua, nguyên nhân vì sao cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung vẫn chưa được tìm ra, ngoại trừ những phát biểu, kết luận có tính chất… hên xui.
Bình luận 0

Từ ngày 6 đến ngày 8. 4, cá trong 18 lồng nuôi  thuộc 3 xã của Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chết hàng loạt, thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng. Ngày 11. 4, Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh Thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu NTTS I) thông báo kết quả quan trắc đột xuất hiện tượng cá chết bất thường tại các địa phương này ở Hà Tĩnh.

Cũng trong thời gian này, các cơ quan truyền thông lẫn người dùng mạng xã hội loan tin dầy đặc về cá chết trắng các bãi biển, kèm thông tin này là hình ảnh. Thậm chí, những đoạn clip quay lại cảnh các ổ dòi nhung nhúc trên hàng đống xác cá thối rữa.

Đỉnh điểm của thông tin, là khi một ngư dân ở thị xã Kỳ Anh phát hiện đường ống thuộc hệ thống xả thải từ dự án Formosa “cắm” xuống đáy biển Vũng Áng. Đường ống này được chôn dưới đáy biển, phủ phía trên là một lớp đất cùng nhiều đá hộc, bao tải cát; chiều dài của đường ống khoảng 1,5 km; đường kính 1,1 m. Một đầu của đường ống nối từ khu vực dự án Formosa (khu kinh tế Vũng Áng, TX.Kỳ Anh), đầu còn lại nối liền với 3 đoạn đường ống nhỏ (mỗi đoạn dài khoảng 2 m, đường kính khoảng 40 cm).

Trấn an dư luận, ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi Trường khẳng định đường ống xả thải sâu 17m dưới mặt biển của Formosa được Bộ cấp phép từ năm 2014. “Đây là đường ống hợp pháp, chứ không phải phía công ty làm lén lút, được Sở Tài nguyên Môi trường Hà Tĩnh theo dõi hàng ngày”, lời ông Thứ trưởng.Ở một diễn biến khác, thông tin từ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Vũng Áng (Chi cục Hải Quan Hà Tĩnh) cho biết, trong thời gian qua Formosa nhập gần 300 tấn hóa chất vào Việt Nam để phục vụ quá trình thi công và chuẩn bị vận hành các nhà máy nhiệt điện.

Phía Chi cục Hải quan Cửa khẩu Vũng Áng cũng nhanh chóng trả lời, Formosa đã nhập gần 300 tấn hóa chất để phục vụ quá trình thi công, vận hành các nhà máy nhiệt điện. “Hóa chất đó không hề ảnh hưởng tới cá vì nó được xử lý cẩn thận theo quy trình mới đổ ra ngoài. 300 tấn hóa chất nghe có vẻ khủng khiếp, nhưng với dự án 10 tỷ USD, rộng 2.000 ha có rất nhiều nhà máy thì không đáng kể cho việc tẩy rửa. Nó chỉ bé như một hạt gạo”, phần trả lời được cho là của một lãnh đạo Formosa.

img

Những xác cá rất to dạt vào bờ biển 3 tuần nay vẫn chưa có kết luận nguyên nhân.

Ngày 23.4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn,  Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo 4 tỉnh phát hiện cá chết chưa rõ nguyên nhân (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) đã tổ chức Hội thảo để tìm ra nguyên nhân lý giải vì sao cá chết. Kết thúc buổi Hội thảo, lãnh đạo hai Bộ và bốn tỉnh loại trừ yếu tố bệnh truyền nhiễm, virus hoại tử thần kinh và  đưa ra giả thiết độc tố rất mạnh từ môi trường tự nhiên là nguyên nhân gây hoạ.

Ngày 24.4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã thị sát hai xã Kỳ Hà, Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) - nơi xảy ra tình trạng cá, tôm chết hàng loạt thời gian qua. Báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám nhận định:  “Độc tố làm cá chết có thể là sinh học, hóa học hay là một loại nào khác. Cũng không loại trừ khả năng có một số chất độc như cyanua”. Phó Thủ tướng yêu cầu: “Nếu thấy mình chưa đủ khả năng để kết luận thì hãy hợp tác với quốc tế. Nhiều tổ chức quốc tế có đầy đủ thiết bị, có thể học hỏi kinh nghiệm từ họ để tìm nguyên nhân cá chết”.

Thông tin về cá chết hàng loạt là một thông tin rất nghiêm trọng, gây hoang mang cho người tiếp cận thông tin. Thế cho nên không có gì là ngạc nhiên khi mà nhiều bài viết bắt đầu có sự so sánh vụ việc này với cú sốc vịnh Minamata Nhật Bản. Công ty hóa chất đã đổ chất thải nhà máy chưa được xử lý vào biển Shiranui ở vịnh Minamata, gây ngộ độc thủy ngân cho các cư dân địa phương và gây ra căn bệnh được gọi là bệnh Minamata sau khi ăn một lượng lớn cá và sò trong vùng biển bị ô nhiễm nặng. Người dân sinh sống trong khu vực này sử dụng các loài hải sản được đánh bắt từ vịnh Minamata và bắt đầu có các triệu chứng như là đau đầu, mệt mỏi thường xuyên, mất khả năng vị giác và khứu giác, hay quên…

Những điều này biểu lộ không rõ nét nhưng làm cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn. Nhiều người còn bị bệnh Minamata bẩm sinh khi mẹ của họ đã ăn cá bị ô nhiễm methyl thủy ngân khi đang mang thai họ, khiến cho họ sinh ra đã là người tàn tật. Khi câu chuyện ô nhiễm phát triển thành câu chuyện của bệnh tật tương lai, đã là một vấn đề rất khác. Y như thời người ta tẩy chay thực phẩm bẩn vì sợ ung thư vậy, mọi căn nguyên ung thư đều quy cho nguyên cớ là thực phẩm bẩn.

Thế nhưng, bởi vì người dân thiếu thông tin chính thức từ các cơ quan chức năng nên lo lắng, hoang mang và suy luận là điều dễ hiểu. Nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là phải nhanh chóng đưa ra kết luận chính thức để người dân hiểu rõ hoặc cảm thấy an tâm hơn trước một cơn bão thông tin.

Được tiếp cận thông tin chính thống minh bạch, đảm bảo về độ xác thực cũng là một trong những quyền cơ bản của con người.Đáng tiếc là các cấp lãnh đạo ở nước ta thường rất nhanh nhảu một cách đầy kỳ lạ, rồi cũng chậm chạp một cách đầy kỳ lạ. Đặc biệt là những gì liên quan đến cụm công nghiệp có cái tên Formosa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem