Chiêm ngưỡng căn biệt thự 800m2 của đại gia phố cổ Hà Nội và câu chuyện xúc động về người giữ lửa
Chiêm ngưỡng căn biệt thự 800 m2 của đại gia phố cổ Hà Nội và câu chuyện xúc động về "người giữ lửa"
Bích Ngọc
Thứ năm, ngày 04/08/2022 10:31 AM (GMT+7)
Căn biệt thự cổ tại Hàng Bè (Hà Nội) được xây dựng vào năm 1925, bởi cụ Trương Trọng Vọng, một doanh nhân thầu khoán (chủ thầu xây dựng) nổi tiếng đầu thế kỷ 20...
Clip căn biệt thự hơn 800 m2 ở phố cổ Hà Nội. Thực hiện: Nguyệt Minh.
Biệt thự trăm tuổi giữa lòng phố cổ
Giữa cái nắng chói chang của tháng 8, chúng tôi có cơ hội được gặp gỡ và trò chuyện cùng bà Lê Thanh Thủy (SN 1955), chủ nhân của căn biệt thự cổ kính, bề thế trên phố Hàng Bè, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bà Thủy là con gái của bà Trương Thị Mô, một người con gái của đại gia giàu có nhất phố cổ một thời - ông Trương Trọng Vọng và hôn lễ của bà nổi tiếng từng tốn không ít giấy mực của báo chí thời bấy giờ.
Bà Thủy chia sẻ: "Căn nhà được ông ngoại xây dựng từ năm 1925, cũng đã gần một trăm năm nay rồi".
Bà cho biết, ông ngoại của bà có cha là người Văn Điển, gốc ở ngoại thành Hà Nội, thời đó ông là một doanh nhân thầu khoán nổi tiếng từ những năm đầu thế kỷ 20. Gia đình thời đó có của ăn của để.
Đến năm 1925, ông ngoại quyết định xây dựng căn biệt thự theo lối kiến trúc hình chữ nhật, các phòng đều thông nhau, ở giữa là giếng trời lấy ánh sáng cho tất cả các căn phòng.
Ông ngoại của bà Thủy có 6 người con, 4 trai và 2 gái. Cho tới những năm 1954, gia đình của bà Thủy và các bác di tản vào miền Nam sinh sống, chỉ còn mình mẹ bà Thủy quyết định ở lại chăm sóc căn biệt thự này. Khi mới hoàn thiện, căn nhà có tới hơn 20 phòng ngủ, ngoài ra còn có kho và hầm trú ẩn, khu phụ khác nhau.
Sau này khi hòa bình trở lại, họ hàng nhà bà chuyển về đây ở nên các phòng cũng được cải tạo để phù hợp với cuộc sống chung. Tuy nhiên, về mặt kiến trúc và tổng thể thì gia đình bà vẫn cố gắng giữ gìn, bảo tồn được 80% so với nguyên bản ban đầu.
Câu chuyện của "người giữ lửa"
Chia sẻ với chúng tôi về quá trình chăm sóc và gìn giữ ngôi nhà, bà cho biết thêm: "Tôi sinh ra và lớn lên tại chính căn nhà này, với 67 năm gắn bó, đã có biết bao nhiêu kỉ niệm, dấu mốc thăng trầm, sự kiện quan trọng từ bao đời nay được lưu giữ tại đây, cũng chính vì vậy nên tôi yêu quý, trân trọng nơi này vô cùng".
Bởi vậy, việc bà chăm sóc và bảo vệ nơi đây là truyền thống gia đình, là sứ mệnh mẹ bà trao lại cho bản thân bà.
Trải qua bao thăng trầm của năm tháng, hiện nay gia đình bà Thủy còn sử dụng một phần căn nhà với 2 tầng chính, trong đó có một phòng được bà và gia đình dành riêng để thờ cúng ông bà tổ tiên, còn một phòng để vợ chồng bà ở, phòng còn lại dành cho gia đình nhỏ của con trai bà mỗi dịp đưa các cháu về chơi.
Nhớ về những ngày đã qua, bà Thủy bồi hồi: "Từ đó đến nay, bao năm qua đi, tôi vẫn nhớ như in tất cả những gì xảy ra ở ngôi nhà này. Ngày tôi còn bé, nơi đây chính là trường học. Nhà nước tổ chức lớp học ở đây, tôi cùng các bạn học lớn lên tại chính nơi này".
Bà Thủy cho hay, sau khi hiến một phần cho nhà nước, nơi đây được xây dựng thành trường tiểu học với 8 lớp học. Sau này, khi lớp học giải thể, nơi đây cũng được rất nhiều đoàn làm phim, các nghệ sĩ, ca sĩ đến xin được quay phim, chụp ảnh, quay quảng cáo...
Không chỉ thế, có rất nhiều bạn trẻ, các nhà báo đến đây xin được tham quan, phỏng vấn, tìm hiểu về ngôi nhà.
"Từ những năm 46, nhà đã được lên tivi rồi, từ đó đến nay, có rất nhiều bộ phim khác nhau được quay ở đây. Tôi và gia đình cũng tạo điều kiện để họ thực hiện công việc của mình. Chúng tôi cũng vô cùng tự hào và hãnh diện khi được thấy nhà mình xuất hiện trên nhiều phim ảnh, báo đài", bà Thủy bộc bạch.
Bà Thủy quan niệm rằng mai này cho tới khi bà khuất núi, các con các cháu trong gia đình phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tiếp tục gìn giữ, bảo tồn căn nhà này.
"Đây không chỉ là ngôi nhà của 4-5 thế hệ đã qua, mà còn là những kỉ niệm, ký ức vô giá mà thời gian dẫu có bao lâu cũng không thể xóa nhòa trong ký ức của tất cả thành viên trong gia đình. Ngọn lửa tình yêu đối với căn nhà này đã được truyền từ đời ông ngoại tôi tới nay và sẽ còn tiếp nối mãi cho đến tận mai sau", bà Thủy chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.