Cả làng nơm nớp lo xảy ra chiến tranh Hàn - Triều

Thứ sáu, ngày 31/05/2013 19:20 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Điểm nóng Hàn - Triều vẫn đang đe dọa hòa bình thế giới và cũng đe dọa luôn cái thôn nhỏ yên bình của vùng Kinh Bắc nằm cách Bàn Môn Điếm (biên giới Hàn - Triều) tới... nửa vạn cây số. Tại sao?
Bình luận 0

Đơn giản bởi thôn Ngọc Trì (còn gọi là làng Bến), xã Bình Định, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh hiện đang có hàng trăm người lao động tại Hàn Quốc.

Mới sáng ra mà tại chân gốc duối cổ thụ đầu làng Bến đã rộn ràng lắm, một bác râu bạc như cước trầm ngâm: “Đánh thật! Khéo nó đánh thật. Vỗ mặt nhau đến thế thì còn đàm phán gì nữa. Sau khi Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung mang tên đại bàng non, đại bàng già gì đấy, "anh" Mỹ - Hàn liền bảo: Tình hình căng thẳng Hàn - Triều đã hạ nhiệt, ý nói là "cậu" Triều nhìn thấy cuộc tập trận này khiếp quá, không dám làm căng. Thế mà hôm qua, "cậu" Triều vừa lên tiếng: "Tớ đếch sợ, bọn Mỹ - Hàn nói điêu". Thế thì đứt đuôi là sẽ đánh nhau chứ không phải bỡn…”.

img
Cuộc chiến Hàn - Triều là trung tâm của những câu chuyện của người làng Bến.

Sôi sục ở "Trại Đa - vít"

Thì ra gốc duối này là nơi đặt "Trại Đa - vít" hoạch định cho cuộc chiến Hàn - Triều tại làng Bến. Nhưng trăm lần, ngàn lần không phải đây là câu chuyện "ăn khoai lang nói chuyện quốc tế" vốn phổ biến khắp nước ta. Cuộc chiến Hàn - Triều một khi xảy ra sẽ cuốn mất cuộc cách mạng thần kỳ của cái thôn thuần nông này.

Trước sự căng thẳng ngày một gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hòa cho biết, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang phối hợp với Bộ Ngoại giao lên kế hoạch di tản công dân Việt Nam khỏi Hàn Quốc và Triều Tiên. Theo ông Hòa, tình hình chưa đến mức phức tạp, do đó mọi bước đi cũng phải thận trọng. Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết thêm, Bộ LĐTBXH đã làm việc với Bộ Ngoại giao xây dựng kế hoạch di tản lao động Việt Nam trong trường hợp chiến tranh xảy ra.

Ngôi nhà 3 tầng xây dựng theo kiến trúc biệt thự nằm giữa làng Bến thật lạ mắt. Ông Đào Bá Thuật, 70 tuổi, chủ ngôi nhà vừa rót nước mời khách vừa chỉ tay vào những đồ dùng sinh hoạt đắt tiền, hồ hởi: "Tất cả đều là tiền do đứa con đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc gửi về xây nhà, mua sắm tiện nghi sinh hoạt… Ở cái làng Bến này, hàng trăm gia đình có nhà cao, cửa rộng, có bát ăn, bát để như hiện nay đều nhờ có người thân đi xuất khẩu lao động".

Ông Vũ Thôn- Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Ngọc Trì cho biết: Khoảng 20 năm về trước, làng Bến nghèo lắm. Là địa bàn cuối huyện, cuối xã, giáp ranh với Hải Dương nên điều kiện đi lại khó khăn. Đường làng tù túng, chật hẹp, chỉ mưa một trận nhỏ đã lầy lội.

Người dân chủ yếu trông vào cây lúa, củ khoai nhưng quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà kinh tế vẫn chẳng đủ ăn. Có thời điểm số hộ đói, nghèo trong thôn chiếm gần một nửa. Mọi việc bắt đầu thay đổi khi trong thôn có người đi xuất khẩu lao động.

Năm 1998, làng Bến đã có người đi xuất khẩu lao động sang thị trường Hàn Quốc. Công việc tuy vất vả, xa gia đình, quê hương nhưng bù lại thu nhập khá cao nên nhiều người trong thôn đã đăng ký, học tiếng nước ngoài rồi chủ động liên hệ với các công ty để được đi xuất khẩu lao động.

Người đi trước rước người đi sau tạo thành phong trào xuất khẩu lao động ở làng quê này. Trong vòng 10 năm qua, trên địa bàn thôn có gần 1.000 lượt người đi xuất khẩu lao động.

Tại thời điểm này, cả thôn có khoảng 400 người đang lao động tại các nước Hàn Quốc (có gần 200 người), Đài Loan, Nhật Bản… Số tiền hàng năm các lao động này gửi về cho gia đình lên đến hàng tỷ đồng. Đây chính là nguồn lực đã làm thay đổi hẳn làng quê vốn nghèo khó này.

Theo ước tính hiện có khoảng 2/3 số hộ trong thôn (thôn có 3.750 khẩu, 870 hộ) có người đi xuất khẩu lao động. Nhiều gia đình có 2- 4 người hiện đang làm việc tại nước ngoài như gia đình ông Nguyễn Công Lức có 4 người con đang ở Hàn Quốc.

Có những gia đình trước đây thuộc diện nghèo nhất làng nhưng nhờ con cái đi lao động nước ngoài giờ đã "bứt tốp" vươn lên hàng giàu có như gia đình ông Nguyễn Văn Cậy, Nguyễn Công Láp. Gia đình ông Đào Bá Thuật mà chúng tôi có dịp ghé qua, từ năm 2000 đến nay đã có tổng số 5 người con trai, con dâu và cháu tham gia xuất khẩu lao động.

Ngôi nhà 3 tầng khang trang với những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền và những chậu cảnh có giá trị mà ông, bà đang ở phần lớn do tiền của người con trai Đào Bá Quảng sau nhiều năm tích góp từ tiền đi xuất khẩu tại Hàn Quốc xây dựng.

Nỗi lo chiến tranh

Theo thống kê, tỷ lệ hộ khá, giàu ở làng Bến chiếm khoảng gần 70%. Số hộ nghèo còn 10% chủ yếu tập trung vào gia đình không có người đi lao động nước ngoài hoặc hộ có người tàn tật, neo đơn. Trong khi, Mỹ và các nước châu Âu dần rút hết người của mình khỏi Hàn Quốc vì lo sợ chiến tranh xảy ra thì người làng Bến lại rất sợ Việt Nam cũng đưa công dân của mình ở Hàn về.

Ông Nguyễn Trọng Thành-Trưởng thôn Ngọc Trì thẳng thắn: "Nếu Nhà nước ta định rút lao động Việt Nam tại Hàn Quốc về nước thì thôn này nguy to". Mỗi lao động làng Bến tại Hàn hàng tháng thường gửi về khoảng 1.000 USD, mỗi năm có khoảng 250 triệu đồng như bỡn. Còn khi về nước, mỗi lao động sẽ có 1,5 sào đất canh tác, nếu trồng lúa thì mỗi năm được khoảng 1,8 triệu đồng. Vùng đất này là đất thuần nông nên cũng rất khó buôn bán.

Nhà ông Vũ Bá Khang đang xây dở nhưng nom cũng "chả kém ai" ở làng Bến này. Ông Khang bảo: "Nhà này là tôi xây hộ cho thằng cả nhưng nếu xảy ra chiến tranh bên nước người thì nó là nhà chung của 4 bố con nhà tôi luôn". Nhà ông Khang thuộc diện có kinh tế bền vững nhất làng.

Con cả của ông là Vũ Bá Cường hiện đang làm chủ phòng khám nha khoa tại thành phố Bắc Giang nên cũng có tiền gửi về cho bố xây nhà. Hai cậu em là Vũ Bá Khánh và Vũ Bá Hiển hiện đang lao động tại Hàn Quốc. Mong ước của họ là sẽ dành tiền mua được miếng đất tại làng (làng chật, đất ở cũng hiếm và đắt gần bằng trên phố) nhưng từ khi có cuộc căng thẳng Hàn - Triều, mơ ước này bỗng trở nên bấp bênh.

Về vấn đề di tản sớm các công dân Việt Nam khỏi Hàn Quốc, ông Khang thẳng thắn: "Kinh tế gia đình tôi không quá phụ thuộc vào chuyện các con tôi có được ở hay phải rời Hàn Quốc nhưng tôi cũng mong muốn rằng, con mình không phải về nước quá sớm khi tình hình chưa có gì quá nguy hiểm. Nói thế để biết những gia đình mà nguồn sống phụ thuộc vào nguồn tiền gửi từ Hàn về "sợ" con em mình phải về nước sớm đến như thế nào".

Chiến tranh là khốc liệt! Chiến tranh là bạo tàn! Song trên mảnh đất Kinh Bắc, cái rốn của đồng bằng sông Hồng, nơi mà nỗi ám ảnh của nạn đói năm 1945 còn in đậm thì người ta lại có một cái sợ rất lạ đời: Sợ Nhà nước quá quan tâm mà cho con em mình về sớm để tránh chiến tranh Hàn - Triều!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem