Cà Mau, Hà Nội, Thái Nguyên, Lào Cai,... gắn "mắt thần" bảo vệ cây rừng

K.N Thứ ba, ngày 25/10/2022 06:26 AM (GMT+7)
Thời gian qua, bên cạnh việc nỗ lực cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, ngành lâm nghiệp cũng tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ rừng.
Bình luận 0

Quản lý cây xanh, bảo vệ rừng bằng phần mềm, QR code

Để tăng cường quản lý rừng theo chương trình chuyển đổi số, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã áp dụng hiệu quả phần mềm quản lý cây xanh trên hệ thống - Thai Nguyen SmartTrees. 

 Phần mềm quản lý cây xanh này có nhiều tính năng như: Cập nhật, chỉnh sửa thông tin cây xanh; lấy tọa độ và hình ảnh cây ngay tại hiện trường; hỗ trợ nhập nhanh số lượng lớn cây phân tán chỉ bằng một lần thao tác; tra cứu, tìm kiếm nhanh, tìm kiếm nâng cao; quét mã QR để truy xuất thông tin cây xanh...

Áp dụng phần mềm này, mỗi cây xanh trồng mới đều được cập nhật và có mã QR riêng để giám sát, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển, di dời của cây. Thông qua ứng dụng này, người dân khi phát hiện các vấn đề liên quan tới cây xanh có thể gửi thông tin và hình ảnh phản ánh để cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý.

Gắn mã quản lý trên từng cây xanh, lô rừng mới - Ảnh 1.

HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Yên Đổ (Thái Nguyên) cung ứng cây giống Lâm nghiệp ra thị trường. Ảnh: Hà Thanh.

Đặc biệt, để cảnh báo nguy cơ cháy rừng, tỉnh Thái Nguyên đã trang bị biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng điện tử tại khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Biển báo này được thiết kế thể hiện 5 cấp dự báo cháy rừng, đồng thời tự động thu nhận các yếu tố khí tượng để tính toán cấp dự báo cháy rừng và điều khiển kim quay.

Trong khi đó, từ đầu năm 2021, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn (Lào Cai) cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quản lý, bảo vệ rừng, trong đó tập trung nguồn lực trang bị các phần mềm chuyên dụng như Hotspot LCA, VTools Survey… để xác minh, thu thập thông tin biến động rừng.

Qua ảnh vệ tinh và các phần mềm hỗ trợ, nếu rừng có biến động sẽ đổi màu trên hệ thống, lực lượng kiểm lâm sẽ khoanh vùng xác định vị trí, phân tích, đánh giá hiện trường trước khi đi kiểm tra. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bảo vệ rừng, từ năm 2021 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn đã phát hiện gần 200 điểm cháy.

Được biết, phần mềm cảnh báo cháy rừng sớm Hotspot LCA được lực lượng kiểm lâm tỉnh Phú Thọ áp dụng từ năm 2020. Với phần mềm này, mọi thông tin, dữ liệu về rừng sẽ được số hóa vào phần mềm thông qua internet và được kết nối với điện thoại di động của lực lượng kiểm lâm, lãnh đạo chính quyền sở tại.

Hoạt động của ứng dụng Hotspot LCA sẽ theo dõi diễn biến rừng trên địa bàn dựa vào nguồn ảnh vệ tinh của NASA, tự động lọc ra các điểm nghi cháy, loại bỏ các điểm nghi cháy ở các vị trí không có rừng. 

Còn phần mềm vTools Survey đưa bản đồ hiện trạng rừng vào điện thoại, xác định vị trí người dùng, ranh giới các tiểu khu, chụp hình có tọa độ, quay phim, sử dụng điện thoại như một thiết bị GPS. 

"Mắt thần" phòng cháy chữa cháy rừng

Tại Cà Mau, hệ thống camera chuyên dụng đã được lắp đặt ở miệt rừng U Minh Hạ, hỗ trợ tích cực cho lực lượng chuyên trách trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2022. Camera gồm 4 mắt, trong đó có 2 mắt quét nhiệt và 2 mắt ghi hình ảnh. Nhờ tính năng xoay được 360 độ nên các camera hỗ trợ giám sát cả ngày lẫn đêm với tầm nhìn lên đến 5km, phạm vi quan sát khoảng 2.500ha rừng. 

Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng thí điểm lắp đặt ở đây hệ thống camera giám sát rừng nhằm nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng và cảnh báo sớm cháy rừng ở Sóc Sơn.

Ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) chia sẻ, với diện tích rừng được Nhà nước giao quản lý là 16,2 triệu ha, trong lĩnh vực chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện có 250.000 hộ gia đình hưởng lợi trên diện tích 6,5 triệu ha và 1.900 tổ chức Nhà nước là chủ rừng được hưởng lợi. 

Nếu thiếu công nghệ số thì sẽ rất khó khăn trong việc chi trả do địa bàn rộng... Gắn với chuyển đổi số, ngành đã xây dựng hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp và tiếp cận đến từng lô rừng. Mỗi lô rừng bình quân khoảng 10ha, còn khoảnh là 100ha và tiểu khu là 1.000ha. Mỗi lô rừng có 52 trường dữ liệu với các dữ liệu được số hóa từ hình dạng, kích thước diện tích, điều kiện tự nhiên, chủ sở hữu sử dụng, chất lượng rừng.

Ông Điển nhận định: "Đây mới chỉ là bước đầu trong việc chuyển đổi số và còn rất nhiều việc phải làm như: Tiếp tục số hóa cơ sở dữ liệu; tích hợp lại các cơ sở dữ liệu và quan trọng nhất là phải hướng đến người dùng. Đây chính là yếu tố để duy trì sự phát triển của hệ thống, tiến tới cải thiện hơn nữa hệ thống cơ sở dữ liệu để có tính ứng dụng cao trên thực tế". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem