Ngày 13/10, ông Võ Quốc Thống - Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) ký công văn thống nhất cho học sinh các trường thuộc Phòng Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) huyện này nghỉ học vì mưa lớn.
Những ngày qua, lượng mưa lớn kéo dài cộng thêm giông lốc, mực nước dâng cao dẫn đến ngập lộ giao thông nông thôn, trường học, làm ảnh hưởng việc đến trường của các học sinh, cơ sở vật chất không đảm bảo cho công tác giảng dạy.
Do đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh, UBND huyện thống nhất giao cho Phòng GDĐT chỉ đạo cho các trường trực thuộc cho học sinh nghỉ học từ ngày 14 đến hết ngày 15/10. Đồng thời, phải đảm bảo cơ sở vật chất, vệ sinh trường học, phòng chống dịch bệnh khi cho học sinh đi học trở lại.
Cũng theo ông Thống, tùy tình hình thời tiết sau ngày 15/10, UBND huyện sẽ có quyết định tiếp.
Cũng theo báo cáo của Phòng GDĐT huyện Trần Văn Thời, đơn vị này đã tiến hành khảo sát, kiểm tra thực tế tại các trường trực thuộc, hiện nay mực nước dâng cao làm ngập gần như hoàn toàn sân trường, một số một số phòng học, việc giảng dạy, học tập của học sinh gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, học sinh nghỉ học nhiều, phụ huynh không có phương tiện đưa rước học sinh và không dám cho học sinh đi học một mình vì không đảm bảo an toàn, nên đề xuất nhà trường tạm thời cho học sinh nghỉ học đến khi nước rút.
Trong ngày 12/10, có 182 học sinh phải nghỉ học, nguyên nhân là đường sụt lún, mưa nhiều ngày dẫn đến ngập sâu, việc đi lại học tập của học sinh gặp nhiều khó khăn. Được biết, có trên 32.000 học sinh của các trường trực thuộc Phòng GDĐT huyện Trần Văn Thời.
Theo người dân trong vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời, nhiều năm nay chưa khi nào họ chứng kiến cảnh ngập úng nặng nề như vậy. Đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân bị đảo lộn do ngập. Tại các tuyến kênh Đường Ranh, Lung Tràm (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) không chỉ đất sản xuất mà diện tích đất ở của bà con cũng bị chìm trong nước.
Theo ghi nhận của phóng viên, mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.Cà Mau bị ngập nặng, có nơi mực nước cao đến đầu gối. Tình trạng này làm nhiều phương tiện bị chết máy, phải dắt bộ, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.