Cà Mau: Xót xa hàng trăm ha lúa chết vì nhiễm phèn, mặn, trên ruộng chỉ còn toàn cỏ năn

Chúc Ly - Ngọc Quyên Chủ nhật, ngày 23/08/2020 06:02 AM (GMT+7)
Ở vụ hè thu năm nay, toàn huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) có hơn 440ha lúa bị thiệt hại, nhiều diện tích có nguy cơ bị mất trắng. Trong đó, xã Khánh Bình Tây có hơn 236ha, với mức độ thiệt hại trên 70%; xã Khánh Hải có hơn 208ha, mức độ thiệt hại từ 30-70%.
Bình luận 0

Nông dân điêu đứng 

Ở vụ mùa năm nay, gia đình ông Võ Hoàng Phăng (ngụ ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) xuống giống gần 2ha, tổng số vốn đầu tư hơn 15 triệu đồng. Thế nhưng, hiện toàn bộ diện tích lúa của gia đình ông đã bị thiệt hại gần như hoàn toàn, trên ruộng giờ chỉ còn cỏ năn sống được. 

"Khi lúa lên được tầm một gang tay thì bắt đầu chết. Người dân ở đây cũng dặm thêm lúa để cứu nhưng không ăn thua", ông Phăng ngao ngán nói.

Cùng cảnh ngộ, ông Võ Văn Khoai (ấp Kênh Giữa, xã Khánh Hải) cho biết, tháng này của những năm trước đây, ruộng lúa hè thu của ông đã bắt đầu có đòng đòng đất. Năm nay, dù đã tốn hơn 8 triệu đồng cho chi phí giống, cày đất, phân bón nhưng ông đành phải ngậm ngùi bỏ cả vụ.

Cà Mau: Hàng trăm ha lúa bị thiệt hại do nhiễm phèn - mặn, dân “khóc ròng” - Ảnh 1.

Nhiều diện tích lúa ở xã Khánh Hải chết trắng, nông dân khóc ròng. Ảnh: CTV.

"Mấy năm trước cũng từng xảy ra tình trạng tương tự, dù bị nhiễm mặn vào mùa mưa nhưng đã thất mùa 3 năm trời. Năm nay nước mặn vào ngay tháng hạn thì còn thiệt hại nhiều hơn nữa. Vụ này bỏ rồi đó, mà bỏ thì vụ sau cỏ, năn nhiều khiến chi phí lại càng nặng hơn", ông Khoai bộc bạch. 

Theo người dân địa phương, nguyên nhân dẫn đến nhiều diện tích lúa hè thu bị thiệt hại là do vào đầu năm 2020, nước mặn đã rò rỉ qua cống Trùm Thuật Nam xâm nhập vào nhiều tuyến sông, rạch của xã Khánh Hải. Bên cạnh đó, với việc bơm bùn, đất ngoài biển vào phía bên trong để bảo vệ tuyến đê biển Tây, cũng đã gây ảnh hưởng đến một số diện tích sản xuất lúa 2 vụ ở xã Khánh Bình Tây. 

Theo thống kê từ UBND xã Khánh Hải, vụ lúa hè thu năm nay toàn xã gieo sạ được hơn 3.700ha. Đến thời điểm hiện tại có 208ha lúa hè thu gieo sạ bị thiệt hại từ 30-100% do ảnh hưởng của chân nước mặn và phèn. Cụ thể có 82ha bị thiệt hại từ 30-70%, có 126ha bị thiệt hại từ 70-100%. 

Cà Mau: Hàng trăm ha lúa bị thiệt hại do nhiễm phèn - mặn, dân “khóc ròng” - Ảnh 2.

Lúa hè thu chết do nhiễm phèn, mặn. Ảnh: CTV.

Theo ông Ngô Văn Hường - Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, qua kiểm tra, xã cũng đã kiến nghị đến Phòng NNPTNT huyện hỗ trợ kỹ thuật giúp bà con cách khắc phục, trong đó hỗ trợ bà con cách hạ phèn, giảm độ mặn, tỉa dặm lại tại những diện tích bị thiệt hại ít. 

Đối với những diện tích bị thiệt hại trên 70%, sắp tới sẽ vận động bà con tiếp tục cải tạo đất để tiến hành gieo sạ. Riêng những diện tích bị nhiễm mặn, phèn dẫn đến thiệt hại, xã đã kiến nghị với các cơ quan cấp trên xem xét, có giải pháp hỗ trợ cho bà con.

Cần thay đổi cơ cấu giống lúa

Liên quan đến giải pháp hỗ trợ nông dân có lúa bị thiệt hại, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trần Thức – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau, cho rằng: "Từ xưa, đây là vùng nhiễm phèn, những năm mưa ít thì vẫn có thiệt hại. Và thực tế là vùng này hiện có cả mặn và phèn. Các giải pháp để khắc phục đã có như bơm tháo nước nhiễm phèn, mặn bỏ; bón vôi cải tạo đất. Bên cạnh đó, việc thay đổi giống lúa là rất quan trọng".

"Hiện ở vùng này, nông dân cần sử dụng giống lúa chịu được mặn, như dòng lúa ST. Do đất nhiễm phèn khiến việc chuyển đổi từ cây lúa sang các loại cây khác là rất khó khăn, cho nên trước mắt việc chuyển đổi giống lúa là giải pháp có thể thực hiện. 

Ở đây, nhiều hộ đã chuyển đổi sang giống lúa ST24, có khả năng chịu mặn, phèn rất tốt. Về lâu dài, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác quan trắc, hướng dẫn bà con chuyển đổi giống là và cải tạo đất đúng cách để tránh thiệt hại" - ông Thức thông tin.

Cà Mau: Hàng trăm ha lúa bị thiệt hại do nhiễm phèn - mặn, dân “khóc ròng” - Ảnh 3.

Ngành chuyên môn cho rằng, nông dân cần thay đổi giống lúa để thích nghi với tình hình đất ruộng bị nhiễm phèn, mặn. Ảnh: CTV.

Trong mùa hạn hán khốc liệt vừa qua, tại vùng ngọt hóa, thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời và U Minh đã có 17 cống bị rò rỉ, xói đáy. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quốc Nam - Giám đốc Trung tâm quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, ở mùa khô vừa qua, qua sự cố xói đáy ở cống Kênh Mới, chúng tôi mới xem xét hết toàn vùng thì cũng có một số cống bị rò rỉ nước. Từ đó, ngành chuyên môn đã đề nghị xử lý để đảm bảo lâu dài. 

"Trong số 17 cống, có 1 cống rò rỉ chảy nước thành dòng, 2 cống rò rỉ ít và số còn lại thì yếu, vì lo sợ sẽ xảy ra rò rỉ nên mới có phương án xử lý hết. Hiện đã thi công khắc phục được 12 cống thủy lợi, còn lại 5 cống đang tiếp tục thi công và sẽ hoàn thành vào tháng 9/2020", ông Nam thông tin.

Riêng đối với cống Trùm Thuật Nam, ông Nam cho biết: "Đây là cống không nằm trong số 17 cống ở trên. Cống Trùm Thuật Nam có hiện tượng xói đáy nghiêm trọng, nên UBND tỉnh không cho khắc phục trong đợt này mà đề nghị Sở Xây dựng phải thành lập tổ để kiểm tra lại xem nguyên nhân tại sao, rồi mới tiến hành xử lý".

Trước đó, do ảnh hưởng bởi hạn hán kéo dài, cống Trùm Thuật Nam bị xói bản đáy, nước mặn xâm nhập vào kênh, mương nội đồng trên địa bàn xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời. Đồng thời, lượng mưa đầu mùa thấp nên việc tháo nước rửa phèn, rửa mặn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nước mặn dẫn từ kênh mương đã thẩm thấu vào đồng ruộng, làm cho trà lúa hè thu phát triển kém, gây thiệt hại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem