Muốn “chơi” phải… công bằng
TS Dương cho biết, ở nước ngoài, những người có biên chế là người cần phải giữ tiếng nói độc lập của mình, bất chấp tiếng nói đó có thể xung đột với ý kiến của người trả lương cho họ. Cụ thể như Thẩm phán của Tòa án Tối cao, một khi đã được bổ nhiệm thì sẽ có hiệu lực suốt đời. Mục đích là tránh áp lực từ bên ngoài và giữ được sự độc lập trong việc bảo vệ công lý, diễn giải hiến pháp, đánh giá tính hợp hiến của các đạo luật.
TS Giáp Văn Dưong cho rằng, nếu muốn bỏ biên chế cần thì cần áp dụng cho mọi công chức, viên chức của ngành, từ Bộ trưởng xuống các cán bộ quản lý, các hiệu trưởng, chứ không chỉ giáo viên (ảnh minh họa:IT)
Ngoài ra, đó cũng có thể là những Giáo sư của các trường đại học, người khi đã vào biên chế, thì sẽ không bị mất việc nếu không bị trường chứng minh phạm pháp, hoặc năng lực làm việc quá kém.
“Nhưng ở Việt Nam, cả hai trường hợp này đều không xảy ra. Biên chế sinh ra chỉ đơn thuần là để có một việc làm suốt đời, một sự ổn định trong công việc, chứ không phải là để bảo vệ công lý hoặc tự do học thuật” – ông Dương nói.
Chính vì vậy, TS Dương cho rằng, thí điểm bãi bỏ chế độ công chức, viên chức là một tiến bộ của ngành giáo dục, cũng lại hợp với xu hướng của xã hội. Tuy nhiên, muốn bỏ biên chế, theo ông Dương ngành giáo dục cần phải làm rõ nhiều vấn đề.
“Thứ nhất, đây là “luật chơi” mới của ngành giáo dục, đã là luật chơi mới, thì cần áp dụng cho mọi công chức, viên chức của ngành, từ Bộ trưởng xuống các cán bộ quản lý, các hiệu trưởng, chứ không chỉ giáo viên. Như vậy mới công bằng. Trên nguyên tắc đó, việc này có thể thực hiện được. Vấn đề còn lại chỉ là kỹ thuật” – TS Dương khẳng định.
TS Dương cho rằng, để tránh việc hiệu trưởng lạm quyền khi bỏ biên chế, giải pháp phù hợp là thành lập hội đồng trường.
“Hội đồng này có sự tham gia của giáo viên, phụ huynh, cán bộ quản lý giáo dục, các doanh nhân, nhà khoa học, nhà văn hóa, nghệ sĩ… và cả đại diện học sinh. Hội đồng trường sẽ hoạt động như hội đồng quản trị của trường tư thục, và quyết định việc bổ nhiệm, bãi nhiệm hiệu trưởng nếu không hoàn thành nhiệm vụ hoặc lạm quyền, khuất tất. Như thế, hiệu trưởng cũng phải cạnh tranh, áp lực còn lớn hơn giáo viên” – TS Dương nói.
Ngoài ra, TS Dương cho rằng, việc lo ngại giáo viên vùng sâu, vùng xa sẽ khó khăn đủ thứ nếu bỏ biên chế là không có cơ sở. “Đã là vùng sâu vùng xa, những nơi chẳng ai muốn đến, thì cách hành xử công bằng là để họ làm việc có thời hạn, 3 năm chẳng hạn, rồi cho họ về tìm cơ hội tốt hơn. Nếu dùng biên chế để giữ họ ở đó suốt đời thì không phải là ưu đãi, mà thực ra là đang lợi dụng sự hy sinh của họ” – TS Dương khẳng định.
Cơ hội sống được bằng… lương
Theo TS Dương, có bỏ biên chế giáo viên mới có cơ hội… sống được bằng lương. “Các cụ đã nói: Thầy già, con hát trẻ. Nếu các thầy cô có tuổi, có biên chế, mà có năng lực thực sự, thì khi bãi bỏ biên chế, đó sẽ là cơ hội để các thầy cô có được nơi làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn, vì không còn bị ràng buộc vào Luật cán bộ, công chức nữa. Còn nếu những giáo viên/viên chức ngoài biên chế ra không còn gì khác, thì tốt nhất nên được thay bằng những người trẻ có năng lực” – TS Dương cho biết.
Về lâu dài, TS Dương cho rằng cần bãi bỏ biên chế với tất cả các ngành nghề chứ không chỉ là giáo dục. Hiện nay, Việt Nam có 11 triệu người ăn lương ngân sách. Con số quá lớn. Không ngân sách nào chịu nổi.
"Vì vậy, tốt nhất là giảm hệ thống cán bộ, công chức này xuống, tiến tới làm việc theo hợp đồng. Nếu cứ để họ “rung đùi” ngồi ôm biên chế, không có cạnh tranh để nâng cao chất lượng, để rồi “tặc lưỡi” với năng suất lao động chỉ bằng ¼ Malaysia, 1/15 Singapore, thì đến khi nào mới tăng được thu nhập, đến khi nào nhà giáo mới có thể sống được bằng lương?" - TS Dương nhấn mạnh.
TS Dương phân tích thêm: “Một nước chỉ cần khoảng mươi người có biên chế suốt đời là đủ. Đó là ai? Như đã nói ở trên, đó là những thẩm phán của Tòa án Tối cao, những người cần đảm bảo công việc suốt đời sau khi được lựa chọn, để tránh mọi áp lực từ bên ngoài, hầu giữ được tiếng nói độc lập trong cuộc chiến bảo vệ công lý, thẩm định tính hợp hiến của các đạo luật… Ngoài họ ra, tất cả đều nên làm việc theo chế độ hợp đồng có thời hạn”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.