Cả ngày bán được vài tô hủ tiếu nhưng ủng hộ TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội để thắng Covid-19

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 15/06/2021 15:06 PM (GMT+7)
Nhiều quán án, cửa hàng tại TP.HCM mỗi ngày chỉ bán được vài tô hủ tiếu, dăm đơn hàng để cầm cự trong mùa dịch. Nhưng họ vẫn ủng hộ tiếp tục giãn cách xã hội để chiến thắng Covid-19, quay về buôn bán tấp nập như trước đây.
Bình luận 0

TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội trong hai tuần, chủ nhiều cửa hàng, quán ăn cho biết họ đã kiệt quệ nhưng vẫn sẽ cố gắng cùng thành phố quyết thắng đại dịch.

TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội: Đã "khô máu" nhưng vẫn ủng hộ

Sáng 15/6, ngày đầu tiên của đợt giãn cách xã hội lần thứ hai tại TP.HCM do tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tiệm hủ tiếu của bà Lan trên đường Vũ Huy Tấn (quận Bình Thạnh) lác đác vài khách. Bên ngoài, bà đặt một tấm bảng lớn với dòng chữ viết tay: Chỉ bán mang về. Cửa khép hờ, chỉ chừa mỗi gian bếp.

Cả ngày bán được vài tô hủ tiếu nhưng ủng hộ TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội để thắng Covid-19 - Ảnh 1.

Nhà hàng, quán ăn ủng hộ việc TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội, mong dịch Covid-19 sớm được kiểm soát. (Ảnh: Hồng Phúc)

"Nếu không có dịch thì bây giờ tiệm tôi đông lắm, khách ngồi kín hết bàn ghế. Nhìn thấy quán thế này mà buồn, bán ở Sài Gòn cả chục năm nay, tôi chưa từng thấy cảnh ế ẩm này xảy ra bao giờ", bà Lan rầu rĩ.

Hai tuần qua, kể từ khi TP.HCM giãn cách xã hội, chỉ cho bán mang về, thỉnh thoảng mới có khách quen đến mua hủ tiếu. Doanh thu tụt dốc không phanh, bà Lan buộc phải cắt giảm nhân viên, chỉ còn lại một người phụ bán.

Hỏi bà thấy như thế nào khi TP.HCM quyết định tiếp tục giãn cách xã hội thêm hai tuần, đang ngồi đợi khách, bà nói dù rất buồn nhưng vẫn phải thông cảm, đồng lòng cùng TP chống dịch. Qua theo dõi tin tức, bà biết ngoài cộng đồng liên tục xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 mới, đặc biệt là các ca không rõ nguồn lây.

"Dịch bệnh đang phức tạp hơn cả đợt giãn cách vào năm ngoái. Theo tôi chỉ có thể gỡ giãn cách khi nào tình hình đã được kiểm soát. Dù bán buôn thế này không có khách, dù đang 'khô máu' thật nhưng tôi vẫn ủng hộ quyết định tiếp tục giãn cách xã hội. Sức khỏe của người dân là quan trọng nhất", bà Lan bộc bạch.

Vừa thuê mặt bằng đã gặp Covid-19

Vừa thuê một mặt bằng trên đường Hoàng Sa (quận 3) để mở quán ăn chưa được một tuần, anh H.Thoại đã bắt đầu lo lắng vì Covid-19 tái bùng phát tại TP.HCM. Một tuần sau, TP quyết định giãn cách xã hội, cửa hàng anh chỉ được bán mang đi. 

Hai tuần qua, trung bình mỗi ngày quán ăn của anh Thoại chỉ bán được vài đơn hàng. Thời gian còn lại, cả gia đình anh "ngồi chơi" từ sáng đến tối và sốt ruột khi sắp hết tháng mà doanh thu chưa đủ trả tiền mặt bằng.

"Tình hình dịch thế này ai cũng khó khăn, cửa hàng lớn có khách quen đã khó, cửa hàng của tôi mới ra còn khó hơn. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài thì không biết tính sao", anh nói.

Cả ngày bán được vài tô hủ tiếu nhưng ủng hộ TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội để thắng Covid-19 - Ảnh 3.

Các quán ăn tại TP.HCM thích ứng, cầm cự để đi qua mùa dịch trong thời gian giãn cách xã hội. (Ảnh: Hồng Phúc).

Dù vậy, chàng trai này vẫn khẳng định tin tưởng và ủng hộ quyết định tiếp tục giãn cách xã hội của chính quyền TP.HCM trong thời điểm hiện nay. Theo anh, do Covid-19 phức tạp, nếu không có biện pháp mạnh mẽ, lỡ dịch càng phức tạp, khi đó, buộc phải đóng cửa toàn bộ các loại hình kinh doanh thì càng khó khăn hơn.

"Còn được mở cửa bán mang về là còn thoi thóp, chúng tôi mong chờ dịch bệnh sớm được kiểm soát, bán lại như trước đây", anh nói.

Cách quán ăn của anh không xa, tiệm bún bò Huế có tiếng của chị Út Mai (quận 3) cũng đã ngưng nhận khách ăn tại chỗ từ 2 tuần nay. Chị cũng cho biết "trông đứng trông ngồi" về tình hình dịch bệnh tại TP hiện nay.

Để thích nghi với tình hình dịch bệnh và duy trì hoạt động, chị tăng cường kết nối và bán hàng qua các ứng dụng giao hàng như Grab, Baemin. Đơn hàng vẫn có nhưng doanh thu giảm nhiều. "Khách có thể đặt hàng giao tận nơi trên các ứng dụng. Để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, tôi sẽ bán tại chỗ trở lại khi UBND TP.HCM cho phép", chị Mai quả quyết.

Một số con đường sầm uất, tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn bậc nhất tại TP.HCM như Vũ Huy Tấn, Phan Xích Long, Vạn Kiếp, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Gia Trí… hai tuần qua vắng ngắt. Hàng quán chỉ bán mang đi. 

Dù lượng khách giảm đáng kể nhưng chủ nhiều cửa hàng cho biết sẽ chung tay vượt qua đại dịch, tin rằng đường sá TP.HCM sẽ lại dập dìu, bán buôn tấp nập như trước đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem