Cá nhân kêu gọi cả trăm tỷ đồng hoạt động từ thiện, làm sao tránh chuyện thị phi?

Đình Việt Thứ năm, ngày 09/09/2021 15:50 PM (GMT+7)
Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu (Bộ Công an) đã có những chia sẻ góc nhìn của mình với PV Dân Việt xung quanh câu chuyện cá nhân kêu gọi từ thiện và chuyện sao kê từ thiện đang ồn ào dư luận thời gian gần đây.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, nhiều nghệ sỹ, người nổi tiếng dính những "lùm xùm" sau khi đứng ra quyên góp tiền từ thiện. Vụ việc gây tranh luận trên mạng xã hội thời gian qua, chưa có cơ quan chức năng nào chính thức đứng ra làm "trọng tài". 

Kêu gọi được số tiền lớn, con người có nổi lòng tham?

Trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu cho biết, con người nói chung là tham sân si, tính tham là thuộc tính cố hữu của con người. Người có giáo dục cao sẽ biết dùng đạo lý và nhận thức để điều tiết tính tư hữu. Câu chuyện là tính tư hữu luôn tồn tại cùng với loài người.

Chuyện cá nhân kêu gọi từ thiện dưới góc nhìn của chuyên gia tội phạm học - Ảnh 1.

Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu (Bộ Công an). Ảnh: Nguoiduatin

Trở lại với vấn đề làm từ thiện, theo ông Hiếu, có người đứng ra hô hào để đánh bóng hình ảnh, có người xuất phát từ cái tâm thật, nhưng khi đối diện với cái lợi quá lớn, khoản tiền quá lớn mà không được kiểm soát thì lòng tham trỗi dậy, có thể người ta chỉ sử dụng một phần của khoản tiền đó đi làm từ thiện theo mục đích ban đầu, một phần còn lại người ta sẽ chiếm ngược. 

Điều đó được thể hiện qua thực tế, thời gian vừa qua cơ quan chức năng đã phanh phui rất nhiều vụ việc.

Câu chuyện đặt ra là con người rất khó có thể kiểm soát được chính mình, chúng ta không thể biết được độ liêm chính của mình đến đâu. 

Có thể đứng trước những mối lợi ích nhỏ, nó không thể vượt qua được ranh giới đạo đức, nhận thức hoặc nó thua kém số tài sản mình có thì có thể bỏ qua, phớt lờ nó.

Ông Hiếu nêu quan điểm, số tiền rất lớn chuyển vào tài khoản một người mà không có sự kiểm soát định chế tài chính của cơ quan giám sát, không bảo đảm được yếu tố công khai sẽ rất dễ bị chuyển hóa, nảy sinh lòng tham dẫn đến trục lợi, ăn bớt.

Đây là một phản ứng rất tự nhiên của con người, nó phụ thuộc vào giáo dục, văn hóa, tư cách. Kể cả những người bình thường rất tốt, nhưng mình cảm thấy người ta tốt vì chưa có gì va đập, chưa đứng trước hoàn cảnh như vậy, lúc đó cái xấu chưa có cơ hội bộc lộ.

Nhưng khi đứng trước những cơ hội, thách thức, bản chất thật của con người mới lộ ra. Có thể vào thời điểm kêu gọi từ thiện người ta không nghĩ là nó nhiều đến thế, sau đó với số lượng tiền quá lớn, làm phát sinh những cái xấu.

Vấn đề ở đây là phẩm chất con người, trong mỗi chúng ta đều chứa đựng những phẩm chất tốt và phẩm chất tiêu cực, hai vấn đề này luôn có sự đấu tranh. Trước những cơ hội và rủi ro, bản chất con người sẽ bộc lộ trong từng điều kiện và hoàn cảnh cụ thể.

Từ những góc nhìn phía trên, chuyên gia Đào Trung Hiếu cho rằng, để không muốn tham, không dám tham và không thể tham, trước tiên việc giáo dục làm người phải tốt, phải đề cao cái này. Nếu chỉ nhồi nhét những kiến thức hàm lâm, bác học sẽ không thể thành người được. Trong những cấp học phải hết sức chú trọng đạo đức, kiến thức là thứ hai.

Tiếp theo, phải luật hóa một cách cụ thể hơn về vấn đề cá nhân đứng ra kêu gọi từ thiện và có những cơ chế kiểm soát thật chặt để người ta muốn tham cũng không thể được.

Ví dụ một ca sĩ, một nghệ sĩ đứng ra hô hào từ thiện. Ngay khi xuất hiện những lời kêu gọi như vậy, đồng ý anh đã mang uy tín danh dự cá nhân để làm những việc liên quan đến cộng đồng.

Tuy nhiên phải có những cơ quan tổ chức nhà nước đứng ra gặp gỡ làm việc với các cá nhân đang hô hào. Những cơ quan đó sẽ giúp những người đứng ra kêu gọi làm các công việc còn lại. Như vậy mới ngăn chặn được những hành vi biến tướng từ hoạt động quyên góp từ thiện của các cá nhân.

Sao kê có gì khó khăn?

Nói thêm về chuyện ồn ào về sao kê từ thiện gần đây, chuyên gia Đào Trung Hiếu cho rằng, những livestream bóc phốt, tố cáo trên mạng xã hội mà người bị tố cáo là những cá nhân đã đứng ra kêu gọi, nhận quyên góp từ thiện.

Theo ông Hiếu, các clip đã cáo buộc rất thẳng thắn, theo kiểu vạch mặt, chỉ tên từng người với danh tính, nghề nghiệp rõ ràng, mà hầu hết là những người nổi tiếng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật như ca sĩ, nghệ sĩ.

Chuyện cá nhân kêu gọi từ thiện dưới góc nhìn của chuyên gia tội phạm học - Ảnh 3.

Thời gian gần đây, rất nhiều nghệ sỹ đang vướng vào ồn ào sao kê từ thiện. Ảnh chụp màn hình.

Sau khi bị "bóc phốt", mỗi "nạn nhân" đều có những động thái khác nhau để bảo vệ uy tín, danh dự của mình. Người thì trả lời sẽ dùng công cụ pháp luật như khởi kiện, tố cáo ra cơ quan pháp luật. Người thì đăng các hình ảnh sao kê tài khoản làm từ thiện trên mạng xã hội, như một cách bảo vệ sự trong sạch của mình.

Hiện người hâm mộ đang rất hoang mang, sợ mình đã lầm tưởng, tin yêu nhầm vào những người sống hai mặt, sẵn sàng lợi dụng, kiếm ăn trên tình nhân ái của đồng bào. 

Do đó, nhu cầu được "thần tượng" tự chứng minh sự trong sạch của mình là rất lớn. Mà một cách đơn giản nhất là chủ động sao kê tài khoản và niêm yết công khai trên mạng xã hội.

Dư luận đang chia phe, ủng hộ bên cáo buộc hoặc người bị cáo buộc. Ngoài ra, có nhiều người không ủng hộ bên nào, nhưng vẫn quan tâm vì sự việc đã quá ồn ào. 

Điểm chung nhất là tất cả các luồng dư luận này đều đòi hỏi sự minh bạch, bằng các hoạt động tích cực, chủ động từ phía những người liên quan.

Theo ông Hiếu, thời điểm này mọi sự chậm trễ, không công khai sao kê tài khoản của mình sẽ dẫn đến phản ứng nghi ngờ rằng đúng là có khuất tất thật, nên không dám công khai hoá. Vì theo suy nghĩ thông thường của nhiều người: "cây ngay chẳng sợ chết đứng", không làm điều gì sai trái thì hãy vì người hâm mộ mà làm những việc cần thiết để bảo vệ lòng tin của họ.

Hơn nữa, khi đã nhận tiền từ thiện từ cộng đồng để đi giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt phải có trách nhiệm trả lời cộng đồng khi có dư luận nghi vấn, chứ đây không phải là việc muốn làm hay không.

Vì tiền họ nhận được là dành cho đồng bào, chứ không phải cho họ. Vì thế khi đã đứng ra nhận trách nhiệm này, đương nhiên phải chịu sự giám sát và có trách nhiệm giải trình, báo cáo mọi người khi phát sinh yêu cầu cần minh bạch.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, việc có công bố sao kê tài khoản cá nhân liên quan đến hoạt động từ thiện hay không là quyền của mỗi người, pháp luật không bắt buộc, vì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Nhưng để giữ được niềm tin từ phía người hâm mộ, xem ra việc chủ động minh bạch, công bố sao kê tài khoản của mình là bước đi khôn ngoan.

"Các cuộc livestream bóc phốt còn gây ra cuộc khủng hoảng lòng tin vào con người, mà hệ lụy của nó là việc vận động xã hội vào công tác từ thiện, nhân đạo trở nên khó khăn hơn.

Hệ lụy của nó là truyền thống văn hoá hoà hiếu, tương thân tương ái của dân tộc sẽ nhường chỗ cho những cãi cọ, miệt thị, xúc phạm nhau công khai như ngoài chợ, khiến môi trường văn hoá bị đầu độc, nặng nề" – ông Hiếu chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem