Cả nước có 880 cơ quan báo chí nhưng chỉ 20 đơn vị ảnh hưởng 90% truyền thông nước nhà

Gia Bình Thứ ba, ngày 12/11/2024 15:07 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, cả nước có hơn 880 cơ quan báo chí nhưng có nhiều tạp chí chỉ đăng nghiên cứu khoa học nên chỉ có 20 đơn vị lớn, ảnh hưởng 80 – 90% truyền thông nước nhà.
Bình luận 0

Tiếp tục phần chất vấn tại Quốc hội chiều 12/11, đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn Bạc Liêu) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng.

Đại biểu Thu Đông nêu, hiện cả nước có 880 cơ quan báo chí nhưng thị phần quảng cáo bị thu hẹp bởi sự xâm lấn của mạng xã hội; nhiều cơ quan hoạt động rất èo uột. Ngoài ra, hiện nay mọi người thường xem truyền hình bằng app nên khoảng cách về sóng và địa lý không còn là trở ngại.

Vậy Bộ trưởng có ý kiến gì về việc 63 kênh truyền hình địa phương vẫn tiếp sóng VTV? Bộ TTTT có mạnh tay sắp xếp cơ quan báo chí hoạt động không hiệu quả, không đúng tôn chỉ mục đích?

Cả nước có 880 cơ quan báo chí nhưng chỉ 20 đơn vị ảnh hưởng 90% truyền thông nước nhà- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Quốc hội. Ảnh: QH.

Trả lới chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng xác nhận Việt Nam có 880 cơ quan báo chí. Lý do, Luật Báo chí quy định các tổ chức xã hội, nghề nghiệp cũng được phép có cơ quan ngôn luận nên Bộ Nội vụ khi cấp phép thành lập hội, sẽ kèm theo điều kiện có thể có cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, các hội chỉ là tạp chí, hoạt động theo chuyên ngành của họ, như các viện nghiên cứu chỉ tập trung đăng bài khoa học chứ không phải một tờ báo. "Chúng ta đang quản lý theo tôn chỉ, mục đích", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu.

Theo ông, mỗi cơ quan chủ quản có tôn chỉ, mục đích riêng nên khi thành lập cơ quan báo chí của mình, cũng phải hoạt động theo tôn chỉ của cơ quan chủ quản. Bộ TTTT hiện nay quản lý rất chặt việc hoạt động theo tôn chỉ mục đích.

Ngoài ra, các tạp chí nếu hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, sẽ khả thi về mặt nguồn lực vì nhiều tạp chí chỉ đăng nghiên cứu khoa học nên chi phí, con người dành cho họ không nhiều.

Với các đơn vị báo chí, đặc biệt là báo chí chủ lực cần được đầu tư đầy đủ. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, trong 880 cơ quan báo chí, chỉ 20 cơ quan lớn trong đó đã ảnh hưởng từ 80 – 90 % truyền thông nước nhà nên cần tập trung đầu tư nhiều hơn.

Trung ương và Thủ tướng Chính phủ đều có quy hoạch báo chí và được thực hiện nghiêm túc; sau 5 năm đã giảm 30% các tờ báo; các hội không còn báo, chỉ có tạp chí hoạt động đúng tôn chỉ, quy mô của mình. "Năm nay, sẽ tổ chức tổng kết và ban hành chỉ thị mới để tiếp theo, quy hoạch báo chí như thế nào", Bộ trưởng Hùng nói.

Cũng trong phần trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp thắc mắc của Đại biểu Quốc hội về việc dây mạng viễn thông treo, mắc gây mất mỹ quan, an toàn.

Bộ trưởng thừa nhận: "Cáp viễn thông ta nhìn thấy ở nhiều nơi, nhiều chỗ như mạng nhện". Ông giải thích, viễn thông Việt Nam được như ngày nay với nhiều người dùng, giá rẻ một phần là do các nhà mạng phát triển nhanh và "chưa đầu tư chuyện ngầm hóa". Việc ngầm hóa có chi phí cao hơn từ 5 – 8 lần so với "treo lên cao".

Hiện nay, chất lượng dịch vụ viễn thông đã ổn định, doanh nghiệp có lợi nhuận, hết giai đoạn tăng trưởng nên cần nâng cao chất lượng chuyện ngầm hóa. Bộ TTTT có chương trình trong giai đoạn tới sẽ đẩy mạnh tiêu chuẩn kỹ thuật ở mức cao hơn, nhà mạng phải ngầm hóa hoặc nếu treo lên cao, phải đảm bảo cả mỹ quan và an toàn.

"Bộ TTTT phân cấp cho các Sở và các Sở có trách nhiệm đề xuất UBND ban hành kế hoạch, yêu cầu để các nhà mạng ngầm hóa nhưng phải có lộ trình vì liên quan thi công, đầu tư", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem