Cá nước lạnh nhập lậu hại cá nội

Thứ năm, ngày 02/05/2013 14:54 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại hội nghị của Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tổ chức cuối tháng 4.2013, nhiều đại biểu đề nghị cơ quan chức năng của Việt Nam ngăn chặn nạn nhập lậu cá nước lạnh từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt qua đường hàng không.
Bình luận 0

Nhiều đại biểu cho rằng tình trạng nhập cá tầm lậu từ Trung Quốc sang và bán dưới nhãn mác “cá tầm Đà Lạt”, “cá tầm Sa Pa” đã đến lúc báo động.

img
Nuôi cá tầm ở Hàm Thuận, Bình Thuận

Nhập lậu tràn lan

Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh cho biết, trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 vừa qua, tình hình phát triển cá nước lạnh ở Việt Nam có dấu hiệu chững lại, không đạt được kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, nạn cá nước lạnh nhập lậu từ nước ngoài đã làm khuynh đảo thị trường cá nước lạnh trong nước, khiến cho hàng loạt doanh nghiệp ở Việt Nam điêu đứng.

Giám đốc Công ty TNHH Thiên Hà - ông Đỗ Tiến Thắng bức xúc: Việc tiêu thụ sản phẩm cá nước lạnh của Thiên Hà ngày càng khó khăn bởi giá cá cùng loại ở thị trường là cá tầm Trung Quốc (đội lốt cá tầm Đà Lạt, cá tầm Sa Pa) chỉ bán với giá bằng 2/3 giá cá trong nước.

Đại diện Cơ quan quản lý CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loại động thực vật hoang dã nguy cấp) VN cho biết, với cá nước lạnh thương phẩm đến nay CITES chưa cấp bất kỳ giấy phép nào cho doanh nghiệp được nhập khẩu vào VN.

Trong khi đó, cơ quan chức năng của Việt Nam chưa kiên quyết trong xử lý nạn cá nước lạnh nhập lậu từ nước ngoài về nên chắc chắn trong thời gian tới, không chỉ có Thiên Hà bị ảnh hưởng mà hàng loạt các doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình cảnh “sống dở chết dở”.

Còn theo Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng, mặc dù là địa phương dẫn đầu nghề nuôi cá nước lạnh trong cả nước nhưng năm 2012, sản lượng cá nước lạnh của tỉnh này cũng chỉ đạt 400 tấn, thấp hơn 100 tấn so với kế hoạch và chỉ cao hơn 65 tấn so với năm 2011.

Mối nguy hại

Mặc dù chỉ mới được du nhập vào Việt Nam chưa đến 10 năm (từ 2005 đến nay) nhưng 2 giống cá nước lạnh là cá tầm và cá hồi vân đã làm nên một “hiện tượng” của ngành thủy sản: Chỉ tính riêng về thu nhập, nghề nuôi cá nước lạnh hiện đang là nghề có mức thu nhập cao nhất trong tất cả các ngành nghề nông nghiệp tính trên cùng một diện tích nuôi trồng hiện nay ở Việt Nam.

Hiện tại, không chỉ có Sa Pa (Lào Cai) và Đà Lạt (Lâm Đồng) nuôi cá nước lạnh mà nghề này đã phát triển đến hơn 20 tỉnh, thành khác. Tuy nhiên trong năm 2013 này, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh chỉ đặt ra mục tiêu đạt sản lượng cá nước lạnh khoảng 1.000 tấn.

Dấu hiệu chững lại như trên có nguyên nhân: Cá cùng loại của nước ngoài nhập vào Việt Nam được bán với giá thấp hơn nhiều so với giá trong nước. Hiện tại, trên thị trường Đà Lạt, cá tầm đến tay người tiêu dùng chỉ khoảng 180.000 đồng/kg, thấp hơn từ 350.000 – 400.000 đồng so với cách nay 5 năm. Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh cá tầm ở Lâm Đồng đặt vấn đề: “Cá nước lạnh Đà Lạt xuống giá mạnh hoàn toàn không vì phẩm cấp mà là vì sự cạnh tranh khốc liệt của mặt hàng cùng loại từ nước ngoài nhập lậu về.

Tại TP.HCM và Hà Nội, cá tầm nhập lậu đội lốt cá tầm Đà Lạt, cá tầm Sa Pa được tiêu thụ gần như công khai. Còn tại Đà Lạt, mặc dù chưa có cơ quan nào khẳng định trên thị trường có cá tầm Trung Quốc được tiêu thụ nhưng cũng không ai dám chắc rằng 100% thực phẩm cá nước lạnh đang tiêu thụ trên địa bàn thành phố này hoàn toàn là cá của Lâm Đồng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem