Ba bia ký Champa cổ có nguồn gốc trên đất Gia Lai đều nói lên vùng thượng nguyên của kinh thành Đồ Bàn

Thứ hai, ngày 15/01/2024 09:12 AM (GMT+7)
Cả 3 bia ký ở tỉnh Gia Lai đều nói đến Thành phố Nauk Glaun Vijaya. Nauk Glaun có nghĩa là vùng cao, thượng nguyên; Vijaya là kinh thành Đồ Bàn ở An Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay. Nauk Glaun Vijaya là khu vực thượng nguyên của kinh thành Vijaya, tức là khu vực Tây Nguyên hiện nay.
Bình luận 0
Lâu nay, nhiều người vẫn thường biết đến bia Drang Lai (thị xã Ayun Pa) có ký hiệu C43 và bia Tư Lương (huyện Đak Pơ) ký hiệu C237. Thực ra, Gia Lai còn có 1 bia ký Chăm nữa có ký hiệu C42 đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston (TP. Boston, Mỹ). Tư liệu từ Viện Nghiên cứu thế giới cổ đại (Đại học New York) đã cung cấp những thông tin vô cùng quý giá về bia ký này.

Cuộc “phiêu lưu” của bia ký C42

Người Pháp phát hiện bia ký C42 từ những năm đầu thế kỷ XX tại khu đền Drang Lai thuộc khu vực Cheo Reo (Cheo Reo lúc này thuộc địa phận tỉnh Phú Yên, nay thuộc thị xã Ayun Pa). 

Bức tượng thần Shiva cưỡi bò và bia ký sau lưng bức tượng được chuyển đến tháp Yang Mum (cũng ở trong khu vực Cheo Reo) nên một số nhà nghiên cứu sau đó gọi là bia ký Yang Mum.

Ba bia ký Champa cổ có nguồn gốc trên đất Gia Lai đều nói lên vùng thượng nguyên của kinh thành Đồ Bàn- Ảnh 1.

Tượng thần Shiva cưỡi bò (ảnh Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Mỹ).

Văn khắc này được đề cập lần đầu tiên bởi linh mục thừa sai J-B. Guerlach trong báo cáo của Viện Viễn Đông Bác cổ năm 1901. Nó đã được khảo sát lại bởi nhà nghiên cứu Stenger vào năm 1902. 

Tấm bia ký này được mô tả lại bởi nhà nghiên cứu người Pháp H. Parmentier của Viện Viễn Đông Bác cổ năm 1909. Ông gọi là “văn khắc Cheo Reo”.

Năm 1927, bia ký C42 được Viện Viễn Đông Bác cổ đưa vào Bảo tàng Tourane (Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện nay). 

Sau đó, tấm bia được đưa ra khỏi Bảo tàng Tourane trong một hoàn cảnh và vào một thời điểm như thế nào không ai biết, nhưng ước đoán vào thời kỳ giữa Thế chiến thứ 2. Đến năm 1986, bia ký tái xuất hiện tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston dưới mã số acc.nr.986.331.

Nội dung bia ký C42

Bia ký C42 bằng đá cao 57 cm, cân nặng 60 kg, trên bia ký khắc 14 dòng chữ Chăm cổ. Bản dịch hoàn chỉnh lần đầu tiên là của Giáo sư Arlo Griffiths vào năm 2012 từ bức ảnh được cung cấp bởi Bảo tàng Mỹ thuật Boston và bản rập của Viện Viễn Đông Bác cổ. 

Bản dịch bia ký C42 bằng tiếng Anh được công bố lần đầu trên tạp chí HAL Open science năm 2019. Chúng tôi xin tạm dịch toàn văn nội dung bia ký C42 từ tiếng Anh sang tiếng Việt như sau:

“Đó là Y.P.K. Sri Vrsu-Visnujati Virabhadravarmadeva. Cái tên nguyên thủy của vị Hoàng tử, giống như cha của ông ta P.P.K, một người con siêu việt của TP. Nauk Glaun Vijaya. Ông ta đã phát quang và đốn hạ khu rừng Hayav. Ông đã xây đập trên sông Hayav. Ông chặt hạ rừng để tạo cánh đồng lúa Bhan. 

Tất cả người Việt mà P.P.K. đã bắt giữ trong vùng đất của người Việt, ông ta mang (họ) đến đây. Ông ta dâng một pamrm cho mệnh bà quyền quý, người mẹ thành công. P.P.K. yva dâng tặng kirendras, 20 kukum cho P.P.K. gvac cùng với tất cả những người miền núi có ngoại hình xinh đẹp ở tất cả các tỉnh cho P.P.K gvac. 

Ông đã xây dựng 1 ngôi đền đặt tên cho nó là Srisamr ddhipuri. Ông đã xây dựng một đài lửa phía Nam pháo đài. Ông chỉ thị cho một nghệ nhân tạo một bức tượng thần Siva. [Ông khuyên răn thần dân] hãy thực hiện thờ phượng hàng ngày, với tầm nhìn đến (sự thịnh vượng của tất cả và sự chia tách) thế giới (bây giờ) và trong thế giới tiếp theo. Hãy chú tâm vào vị vua của họ trong tương lai người sẽ nắm giữ vương quốc. Đừng phá hủy đền thờ của nhà vua. [đã khắc vào năm Saka 1331]”.

Nhiều thông tin quý giá

Bia ký C42 được lập vào năm Saka 1331, tức năm 1409-1410 dương lịch. So với bia ký Drang Lai (C43) năm Saka 1357 (năm 1435-1436 dương lịch), bia ký Tư Lương (C237) năm Saka 1360 (năm 1438-1439 dương lịch) thì bia ký C42 có niên đại sớm nhất và cùng dưới thời trị vì của Vua Vira Bhadravarmadeva (người Việt gọi là Ba Đích Lại).

Tìm hiểu về vị vua Vira Bhadravarmadeva, chúng ta trở lại lịch sử cuối thế kỷ XIV. Thời kỳ này, nhà Trần suy thoái, Champa dưới thời Vua Chế Bồng Nga đang hưng thịnh. 

Giữa Champa và Đại Việt xảy ra chiến tranh liên miên. Chế Bồng Nga nhiều lần tấn công Đại Việt, vào tận kinh thành Thăng Long đốt phá. Vua tôi nhà Trần nhiều lần phải rời bỏ kinh thành lánh nạn.

Ba bia ký Champa cổ có nguồn gốc trên đất Gia Lai đều nói lên vùng thượng nguyên của kinh thành Đồ Bàn- Ảnh 2.

Bia ký C42 (ảnh Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Mỹ).

Năm 1390, Chế Bồng Nga tiến quân ra Hoàng Giang (Ninh Bình). Quân Trần do Thượng tướng Trần Khát Chân chỉ huy mai phục ở sông Hải Triều. Chế Bồng Nga bị phục kích tử trận, quân Champa tan vỡ. Tướng chỉ huy quân Champa là La Khải (La Ngai) rút quân về. 

Sau khi về kinh thành Vijaya (thành Đồ Bàn), La Khải tự xưng làm vua. La Khải chính là Jaya Simhavarman. Năm 1400, La Khải mất, con là Vira Bhadravarmadeva lên ngôi. Vua Vira Bhadravarmadeva trị vì trong thời gian từ năm 1401 đến năm 1441 (theo sách Vương quốc Champa của Gorges Maspero, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội).

Bia ký C42 cùng với bia ký Drang Lai và bia Tư Lương đã cung cấp những thông tin quý giá về lịch sử khu vực Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng. Các bia ký cho chúng ta biết ít nhất là vào thế kỷ XV, khu vực Tây Nguyên đã thuộc quyền cai quản của Vua Champa. 

Champa đã “thu nạp “vị vua vĩ đại của người miền núi” vào phạm vi lãnh địa có tên gọi Madhyamagrama và sự thần phục của Sri Gajaraja (vua của loài voi). Bằng cách này, sự bảo trợ của thần Kiratesvara được mở rộng đến phần lãnh địa trong rừng của vua Chăm” (bia ký Drang Lai).

Cả 3 bia ký ở Gia Lai đều nói đến TP. Nauk Glaun Vijaya. Nauk Glaun có nghĩa là vùng cao, thượng nguyên; Vijaya là kinh thành Đồ Bàn ở An Nhơn, Bình Định hiện nay. 

Nauk Glaun Vijaya là khu vực thượng nguyên của kinh thành Vijaya, tức là khu vực Tây Nguyên hiện nay. Vira Bhadravarmadeva từ khi còn là thái tử đã được vua cha Jaya Simhavarman cho cai quản khu vực Nauk Glaun Vijaya. Vira Bhadravarmadeva đã cho xây dựng cung điện, đền thờ Samr ddhipura ở đây (bia C42 và bia Tư Lương C237 đều nói đến địa danh này).

Cùng với tháp Yang Prong hiện còn ở tỉnh Đak Lak, các tháp Drang Lai, Yang Mum (tỉnh Gia Lai), Kon Klor (tỉnh Kon Tum) được các nhà nghiên cứu Pháp thống kê, miêu tả. 

Các phát hiện gần đây như: phế tích tháp Rong Yang (tháp Phú Thọ) ở TP. Pleiku, phế tích tháp Bang Keng ở huyện Krông Pa… khẳng định khu vực Tây Nguyên đã từng thuộc Vương quốc Champa.

Nhờ công nghệ số mà chúng ta biết được những thông tin vô cùng giá trị về bia ký C42. Một bia ký Chăm quý hiếm có nguồn gốc từ tỉnh Gia Lai nhưng ít người biết đến. 

Các nhà nghiên cứu, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, quảng bá và xa hơn là xúc tiến kế hoạch “hồi hương cổ vật” để hy vọng một ngày nào đó, người dân trong nước được mục sở thị hiện vật “quý hơn vàng” này ngay tại quê hương.

Ngô Xuân Hiền (Báo Gia Lai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem