Công nhân thành con nợ

Thứ hai, ngày 07/11/2011 13:05 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với mức khoán khắc nghiệt phải nhận, những công nhân của Công ty Cà phê Đăk Đoa (Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) nhiều năm qua dù lao động cật lực vẫn không thoát khỏi kiếp nợ nần.
Bình luận 0

Có đến 157/350 công nhân thiếu nợ công ty và không ít người phải đi vay lãi bên ngoài cả trăm triệu đồng để có đủ sản lượng nộp.

Được mùa… trên giấy

Theo tìm hiểu của PV Báo NTNN thì Công ty Cà phê Đăk Đoa tiền thân là Nông trường Chè Đăk Đoa, nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Năm 1999, khi hoạt động không còn hiệu quả, nông trường này chuyển sang trồng cà phê và thành lập Công ty Cà phê Đăk Đoa. Năm 2005, Công ty Cà phê Đăk Đoa sáp nhập vào Công ty Cà phê Ia Sao. Đến tháng 4.2011, Công ty Cà phê Ia Sao giải thể, cùng với 3 công ty khác, Công ty Cà phê Đăk Đoa lại được tách ra trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam.

img
Chị Lê Thu Hương bên lô cà phê còi cọc nhà mình.

Từ năm 2011 trở về trước, công nhân Công ty Cà phê Đăk Đoa được giao nhận khoán theo phương thức "khoán cứng". Nghĩa là công ty bỏ tiền đầu tư toàn bộ phân đạm, công cụ sản xuất… mỗi niên vụ công nhân phải nộp lại cho công ty 11.300kg quả tươi/ha. Sản lượng vượt mức công nhân được hưởng và được công ty trả lương cũng như đóng bảo hiểm xã hội.

Trao đổi với PV NTNN, ông Đoàn Đình Thiêm - Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, cho biết: "Vườn cây Đăk Đoa là vườn cây trẻ nhất, mới có 10 tuổi. Năng suất bình quân niên vụ 2010 - 2011 tới 14 tấn/ha. Nếu tính sơ bộ thì công nhân Công ty Đăk Đoa nhận được tiền lương khoảng 30 triệu đồng/năm.

Trong quy định của phương thức "khoán cứng" thì toàn bộ sản lượng thu hoạch được đều đưa về tập trung. Nếu được mùa thì trừ phần cứng ra còn lại công nhân được hưởng. Còn nếu do bão tố, thời tiết mà năng suất thấp thì lấy khối lượng thu được chia theo cơ cấu, tức là cả doanh nghiệp và người lao động cùng phải chia sẻ. Nhưng dù thế thì doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo mức lương của công nhân không được dưới quy định của Luật Lao động".

Thực tế nghiệt ngã

Tuy nhiên khi chúng tôi có mặt tại xã Đăk Krong, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai tiếp xúc với hàng trăm công nhân của Công ty Cà phê Đăk Đoa thì thấy rằng cuộc sống của họ không đúng như những gì ông Đoàn Đình Thiêm đã trao đổi trước đó. Khi được hỏi về cuộc sống và công việc hiện tại, chị Lê Thị Hương ở đội sản xuất số 2 đã không kìm được những giọt nước mắt tủi phận.

Chị Hương cho biết, đến vụ mùa năm 2011, gia đình chị đã nợ công ty đến 16 tấn cà phê vì vườn nhà chị bị mất mùa, sâu bệnh liên tục 4 năm liền nên không thu hoạch đủ. Mỗi tháng, chị Hương chỉ được Công ty Đăk Đoa ứng trước hơn 700 nghìn đồng. Khoản lương còn lại và các loại tiền thưởng đều bị trừ vào nợ hết khiến gia đình chị luôn rơi vào tình trạng chạy ăn từng bữa.

Chị Hương nghẹn ngào: "Công ty chỉ cho lượng phân đạm có hạn mà lượng phân đạm này thì không đủ để vườn cây phát triển tốt. Gia đình tôi rất nghèo chẳng có tiền đâu mà đầu tư thêm cho vườn cây. Chính vì thế cây mới không cho năng suất tốt và hay bị sâu bệnh phá hoại".

Theo báo cáo của Công ty Cà phê Đăk Đoa đã đăng tải trên báo tỉnh Gia Lai thì khoán theo phương án cũ, toàn công ty chỉ có 12 công nhân thiếu nợ. Thế nhưng theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được thì trên thực tế có tới 157/350 công nhân thiếu nợ. Tổng sản lượng thiếu lên đến gần 600 tấn. Có 12 người thiếu nợ trên 10 tấn, người nợ nhiều nhất lên đến trên 16 tấn.

Có hoàn cảnh cũng éo le không kém, ông Đặng Xuân Linh, người có vợ và con đang là công nhân đội 6 của Công ty Đăk Đoa cho biết: "

Nhà tôi không nợ sản lượng công ty vì tôi chạy vạy vay tiền bên ngoài đầu tư thêm cho vườn cây phát triển tốt. 11 năm nay tôi đều phải ký nợ ngoài với tổng số tiền nợ cho đến thời điểm này lên đến gần 100 triệu đồng. Vì tôi hy vọng vườn cây phát triển tốt, cho sản lượng cao thì sẽ có thu nhập để trang trải nợ nần nên càng cố vay mượn đầu tư. Nhưng với đất xấu thế này, phương thức khoán của công ty lại quá khắc nghiệt nên không thể trụ nổi nữa".

Chị Phạm Thị Bảy, công nhân đội sản xuất số 2, chen lời đầy bức xúc: "Nhà tôi mỗi năm đầu tư thêm 30 - 40 triệu đồng/lô cả công thì mới đủ sản lượng. Còn nhiều nhà không có tiền đầu tư thì phải chịu nợ lại công ty và bị trừ nợ vào tiền lương, tiền thưởng. Cuối năm trừ hết tiền lương, thưởng mà vẫn phải ký nợ tiếp năm sau. Một điều bất công là nếu như vườn cây của chúng tôi vượt sản lượng thì số cà phê thừa đó phải bán lại cho nông trường chứ không được bán ra ngoài. Nông trường không những mua rẻ hơn bên ngoài một, hai giá, mà còn trừ 10% tạp chất và bắt chúng tôi chịu tiền xe vận chuyển, công bốc vác. Nếu chúng tôi cứ bán ra ngoài thì sẽ bị công ty lập biên bản thu lô ngay".

Bài 2: Nhận khoán hay... mất việc?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem