Cà phê Việt chinh phục các "thượng đế" châu Âu bằng công nghệ lên men "thần thánh"

Nguyên An Thứ tư, ngày 21/07/2021 10:34 AM (GMT+7)
Việc đầu tư vào khâu chế biến, áp dụng công nghệ lên men vượt trội đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ sẽ là điều kiện để cà phê của Việt Nam đi xa hơn, chinh phục người tiêu dùng "khó tính" nhất trên thế giới.
Bình luận 0

EU đang là một thị trường hấp dẫn, là một "miếng bánh béo bở" chiếm khoảng 30% tiêu dùng cà phê toàn cầu. Với những cơ hội từ Hiệp định EVFTA, thì càng không có lý do gì ngành cà phê Việt Nam để tuột mất thị trường giàu tiềm năng này.

Cà phê Việt chinh phục các "thượng đế" châu Âu bằng công nghệ lên men "thần thánh" - Ảnh 1.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết: Cà phê Việt Nam đang giữ vị trí quan trọng trong các ngành hàng. Với tư cách là một đất nước sản xuất ra sản lượng cà phê rất lớn nên việc chúng ta cập nhật thói quen về thức uống cà phê trên toàn thế giới là một vấn đề rất cần được quan tâm. Chúng ta cần sản xuất cà phê như thế nào để phù hợp với thế giới mà cụ thể ở đây là với nhóm đối tượng khách hàng là người Châu Âu?

Đó là câu hỏi và cũng là nội dung chính trong hội thảo có chủ đề "Nâng cao chất lượng cà phê Robusta và Arabica của Việt Nam bằng công nghệ sinh học từ Châu Âu" do Công ty CP XNK Tổng hợp Hoàng Gia tổ chức trực tuyến chiều qua (20/7).

Ông Tống Hưng Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP XNK Tổng hợp Hoàng Gia chia sẻ, việc đầu tư vào khâu chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ sẽ là điều kiện để cà phê của Việt Nam đi xa hơn, chinh phục người tiêu dùng "khó tính" nhất trên thế giới.

Cà phê Việt chinh phục các "thượng đế" châu Âu bằng công nghệ lên men "thần thánh" - Ảnh 2.

Nhờ áp dụng công nghệ sinh học Châu Âu vào khâu chế biến mà cà phê Việt Nam được các "thượng đế" ở Châu Âu tỏ ra vô cùng thích thú. Ảnh: Nguyễn Chính

EU là một thị trường hấp dẫn, chiếm khoảng 30% tiêu dùng cà phê toàn cầu. Thị trường cà phê đặc sản tại EU đang tăng trưởng mạnh và mang lại cơ hội cho các nhà cung cấp loại cà phê chất lượng cao. Điều đó cho thấy, phân khúc cà phê đặc sản là thị trường ngách nhưng yêu cầu chất lượng cao, giá trị cao. Các nhà cung cấp nhỏ hơn đang tìm thấy cơ hội ngày càng lớn trên thị trường cà phê đặc sản. Tại phân khúc này, các nhà cung cấp cạnh tranh nhau về chất lượng và các mối quan hệ đối tác dài hạn, hơn là về giá. Đây cũng sẽ là những gợi ý cho doanh nghiệp Việt Nam.

"Tổ chức hội thảo này, chúng tôi mong muốn nâng cao chất lượng cà phê của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thị trường và phân khúc thị trường cao cấp, tạo nên các thương hiệu cà phê đặc sản từ Việt Nam" – ông Tống Hưng Hải chia sẻ thêm.

Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), ông Trần Đình Ninh - Giám đốc Sở KHCN tỉnh Đăk Nông, Đại diện sở KHCN tỉnh Đăk Lăk; PGS. TS Nguyễn Thị Việt Anh - Đại diện Viện Công nghiệp Thực Phẩm. Cùng các chuyên gia đến từ Pháp, Nam Phi và Giám đốc/chủ nhà máy, cơ sở chế biến của 30 doanh nghiệp Việt Nam.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Toản đặc biệt nhấn mạnh: "Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê ước đạt 825 nghìn tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, giảm 12,3% về lượng và giảm 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Lượng và giá trị giảm thì chúng ta cần phải làm như thế nào để phù hợp với nhu cầu của thế giới?" 

Đồng thời, ông Toản cũng đặt ra vấn đề cho các ông chủ cà phê trong nước: Chúng ta đang hướng tới nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, chính vì vậy việc tập trung vào chế biến cà phê sâu, vào chuỗi giá trị của cà phê đang là một bài toán cần sớm có lời giải.

Cũng tại buổi hội thảo, các chuyên gia đến từ Pháp và Nam Phi đã hướng dẫn các doanh nghiệp, người dân trồng cà phê Việt Nam kiểm soát quá trình chế biến ở điều kiện tối ưu nhất để tạo nên các mùi hương cà phê đặc trưng, phong phú các mùi hương thứ cấp của hoa quả vùng nhiệt đới cũng như vị và hậu vị của cà phê sau khi thưởng thức.

Cà phê Việt chinh phục các "thượng đế" châu Âu bằng công nghệ lên men "thần thánh" - Ảnh 4.

Lên men cà phê là một khái niệm không mới, thế nhưng lên men cà phê và tạo ra dòng sản phẩm cà phê như thế nào để làm hài lòng những "thượng đế" Châu Âu. Ảnh: Nguyễn Chính

Cụ thể, khoa học cà phê là một lĩnh vực vô tận. Ở đó, người ta không ngừng nghiên cứu, phát triển, tìm ra những phương pháp mới để tạo ra loại cafe tuyệt hảo. Và cứ thế, người ta phát hiện ra được phương pháp lên men cà phê và những điều hay ho về nó.

Lên men cà phê là một khái niệm không mới, thế nhưng lên men cà phê và tạo ra dòng sản phẩm cà phê như thế nào để những "thượng đế khó tính" ở Châu Âu cũng phải "rút hầu bao" là vấn đề mà hội thảo đã giải quyết được những thắc mắc của giám đốc/chủ nhà máy, cơ sở chế biến của các doanh nghiệp Việt Nam.

Cà phê được lên men bằng phương pháp sinh học Châu Âu có vị thơm đậm, sau khi uống vào có vị ngọt hậu, càng để lâu càng ngon. Trong đó, đặc biệt nhờ 4 dòng nấm men Lalcafé được chọn lọc những chủng men tốt nhất chuyên biệt cho cà phê, đã giúp tạo ra các loại cà phê có hương vị đặc trưng khác nhau như giúp tăng cường độ tinh của hương trái cây cam quýt canh, tăng cường độ acid và lưu giữ hương vị cà phê lâu hơn nơi vòm miện; hay phát triển hương vị trong quá trình cảm quan cà phê như đang thưởng thức trái cây nhiệt đới, hương hoa, vani...

Điều cốt lõi nhất chính là nhờ áp dụng công nghệ sinh học từ Châu Âu mà hai loại cà phê chủ lực của Việt Nam là Robusta và Arabica đã có những "chiếc áo" mới.

Cà phê Việt chinh phục các "thượng đế" châu Âu bằng công nghệ lên men "thần thánh" - Ảnh 5.

Việc nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam bằng công nghệ Châu Âu đã, đang được triển khai từ năm 2019 đến nay tại một số nhà máy, cơ sở chế biến trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Chính

Cụ thể, với cà phê Robusta, công nghệ sinh học lên men Châu Âu đã tạo thêm cho mùi hương cà phê đặc trưng hơn và quyết rũ hơn bằng, các vị được cân bằng hơn, đặc biệt là giảm bớt vị đắng trong Robusta để phù hợp hơn với thị hiếu của người tiêu dung nhiều nước đang sử dụng quen mùi vị của Arabica đến từ Braxin và Nam Phi.

Trong khi đó, với cà phê Arabica thì nhờ lên men đã tạo nên các tầng hương khác nhau, làm đa dạng các mùi hương từ cà phê như mùi cà phê, mùi các loài hoa quả nhiệt đới.

Cũng tại hội thảo, đại diện CTCP XNK Tổng hợp Hoàng Gia chia sẻ, việc nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam bằng công nghệ Châu Âu đã, đang được triển khai từ năm 2019 đến nay tại một số nhà máy, cơ sở chế biến trong nước như tại Lâm Đồng, Đăk Lăk, Gia Lai,…và sử dụng nhiều ở nước ngoài như Brazil và các nước Nam Phi. Các sản phẩm cà phê được tạo ra nhờ công nghệ "thần thánh" này đều được người tiêu dùng tỏ ra vô cùng thích thú khi đón nhận, điều này đang tạo nên xu hướng mới với thị hiếu thưởng thức cà phê ngày càng cao.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem